Đồng Nai: Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết
- Y học 360
- 14:51 - 09/10/2016
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề đang được Đồng Nai ngăn chặn và giảm thiểu. Ảnh minh họa
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hoá - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 40 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, trong đó có 3 dân tộc bản địa gồm Châu Ro, Stiêng và dân tộc Mạ.
Tuy số người dân tộc không nhiều, nhưng nhận thức của đồng bào về kiến thức pháp luật nói chúng và Luật hôn nhân gia đình nói riêng còn khá thấp. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ban ngành ngành, cácđịa phương trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng caonhận thức về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở ban, ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ luỵ của vấn nạn này gây ra, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hình thức tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền phải ngắn gọn, đơn giản, sử dụng ngôn ngữ gần với đời sống của đồng bào, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Các hình thức được khuyến khích đưa ra là các cấp chính quyền cần lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc giao lưu, sinh hoạt văn hoá, Lễ Hội, các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về hôn nhân cận huyết, tảo hôn cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiếu số để những đối tượng này trở thành đầu mối thông tin, tuyên truyền cho bà con... Các tổ chức chính trị xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nghiêm túc thực hiện chính sách pháp luật. Ngành chức năng cung cấp các thông tin, bằng chứng khoa học về những mặt trái, hệ luỵ, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra.