CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

Nỗ lực rà phá, loại bỏ ô nhiễm bom mìn

 

Hơn 15 triệu tấn bom mìn là con số kỷ lục mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cao hơn gấp 4 lần so với lượng mà Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, hiện vẫn còn tồn khoảng 350 - 800.000 tấn bom đạn chưa phát nổ nằm rải rác trên khắp các tỉnh, thành và trên mọi loại địa hình khác nhau. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, hiện có tới 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ, chiếm hơn 20% diện tích đất trên cả nước.

Mức độ ô nhiễm giữa các vùng có khác nhau, nhưng tập trung nhiều nhất là các tỉnh miền Trung như:  Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi. Trên 35% diện tích đất thuộc các địa phương này hiện vẫn còn tồn đọng bom đạn, trong đó Quảng Trị là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với hơn 80% diện tích chứa bom mìn chưa được tháo gỡ. Ảnh hưởng của bom mìn còn khiến công tác quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên  gặp nhiều khó khăn,  người dân không dám canh tác vì còn ẩn chứa bom mìn, vật liệu nổ, môi trường và nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng nề.

Nhiều vùng đất đã hồi sinh nhờ công tác rà phá, khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

Điều đáng quan ngại là hiện vẫn còn không ít gia đình phải mưu sinh trên những mảnh đất đầy rẫy hiểm nguy, bằng nghề dò tìm phế liệu sau chiến tranh. Có thời điểm công việc dò tìm phế liệu trở thành phong trào, như tại tỉnh Quảng Trị có 98% số xã tham gia. Tuy nhiên, số vụ tai nạn do bom mìn xảy ra nhiều, đã hạn chế phần nào số người theo đuổi công việc đầy hiểm nguy này.

Mối nguy hiểm tiềm tàng từ di chứng chiến tranh khiến công tác rà phá bom mìn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Suốt mấy chục năm qua, nhờ nỗ lực trong nước và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã giảm thiểu được phần nào những thương tích do bom mìn. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ nhằm giải phóng đất đai, ổn định dân cư sinh sống. Mỗi năm, Việt Nam dành  nguồn kinh phí khoảng 30 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn. Khoảng 50 triệu USD khác được đầu tư cho hoạt động tái định cư, an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn và các hoạt động giáo dục về hiểm họa bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân.

Hướng tới mục tiêu khắc phục bền vững tình trạng ô nhiễm bom mìn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Chương trình 504), với mục tiêu “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu cũng như tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội”.

Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) được thành lập với nhiệm vụ tổ chức, điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504 và là đầu mối thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. Tính đến nay, VNMAC và một số tổ chức quốc tế đã rà phá được gần 10 tấn bom các loại, 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật liệu nổ khác, giải phóng hàng trăm nghìn ha đất canh tác. Tuy nhiên, nỗ lực ấy mới chỉ dừng lại ở các loại bom mìn nằm sâu 0,3 mét và cũng chỉ mới giải quyết được khoảng 10% diện tích bị ô nhiễm.

Hiện nay, nhiều dự án rà phá tại các khu vực bị ô nhiễm về bom mìn được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hoà nhập vào đời sống xã hội vẫn còn rất khó khăn, nặng nề.

 

Bom, mìn vật nổ sau chiến tranh nằm sâu dưới lòng đất không chỉ tiềm ẩn nguy cơ thương vong, mà  còn đe dọa sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội, gây tâm lý lo sợ, hoang mang trong nhân dân. Kể từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương do bom mìn, vật nổ. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Minh Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh