THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:05

Bom, mìn-nỗi đau thời hậu chiến

Nơi chiến tranh chưa kết thúc

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến năm 2000, ở Việt Nam đã có hơn 104.000 người chết và bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh; bình quân mỗi năm gần 4.000 người, trong đó phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong các gia đình. Mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 1.600 tỷ đồng khắc phục hậu quả bom mìn. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng rất nhiều người dân Quảng Trị đến giờ vẫn không quên nổi những hình ảnh kinh hoàng. Một buổi tiêm chủng mở rộng tại huyện Cam Lộ, kết thúc bằng một quả bom phát nổ, ba cháu bé chết tại chỗ. Em Hồ Văn Lai, huyện Đông Hà, kể: “Bây giờ em vẫn còn sợ. Cảm giác sau khi bị nổ người em rất nóng, không biết đau, vì là thương tật quá nhiều nên không đau…” Hồ Văn Lai chỉ là một trong số gần 7.000 trẻ em là nạn nhân của bom mìn trong hơn 30 năm qua tại khu vực 6 tỉnh miền Trung.

Tại nhiều địa phương như Quảng Trị, những vùng ô nhiễm bom mìn vẫn còn chiếm tới gần 80% diện tích đất đai. Làm ruộng, xây nhà hay bất cứ sinh hoạt nào trên mặt đất cũng đều có thể gây ra thảm họa. Ngày 29/3/2015, em Y Minh (SN 2004, người dân tộc Ma Coong, trú xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ra nương chơi. Trong lúc đang bắt cá, Y Minh phát hiện một vật kim loại hình tròn, liền cầm lên và ném đi. Không ngờ đó là quả bom bi, bom đã phát nổ khiến em bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để cấp cứu kịp thời.

Những nạn nhân của bom mìn ở Vị Xuyên (Hà Giang).

Em Hồ Đức Ánh, huyện A  Lưới (Thừa Thiên-Huế) đã chia sẻ câu chuyện về việc cả 4 người trong gia đình em bị thương do mìn nổ sau chiến tranh. Ánh mất mắt phải và bị một số vết thương do mìn nổ khi đang làm vườn. Bố mẹ và chị gái  của Ánh đều có thương tật trên người. Không tiền chạy chữa, hai chị em phải nghỉ học ở nhà, phụ giúp bố mẹ chăm sóc vườn tược, bỏ dở ước mơ đi học phổ thông.

Còn với anh Nguyễn Lộc (sinh năm 1975) ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) trong lúc đi chăn bò cách nhà khoảng  2 km, thì bất ngờ một quả mìn phát nổ ngay dưới chân, anh bị cụt một chân cùng nhiều vết thương trên đầu. Giờ đây anh Lộc đã lấy vợ, sinh hạ được hai người con, nhưng một cháu bị bệnh tim bẩm sinh…, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Mất 300 năm mới dọn sạch bom, mìn

Hơn 15 triệu tấn bom mìn là con số kỷ lục mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cao hơn gấp 4 lần so với lượng mà Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Một nghiên cứu được thực hiện trên 49 tỉnh, thành của cả nước cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 7 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn, tương đương 29% diện tích đất của các địa phương này. Trong khi đó, tổng diện tích bom mìn được rà phá mới khoảng 500.000 ha. Với tốc độ như hiện nay, sẽ phải mất 300 năm để hoàn thành rà phá bom mìn trên cả nước.

    Báo cáo "Dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam"năm 2009 của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN-Bộ Quốc phòng), cũng khẳng định, bom mìn sót lại tại một số khu vực nằm lộ ngay trên mặt đất, nhưng đa số nằm trong lòng đất ở độ sâu tới 5m, cá biệt có nơi sâu tới 10-20m. Mức độ ô nhiễm giữa các vùng có khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất là các tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi. Trên 35% diện tích đất thuộc sáu địa phương này hiện vẫn còn tồn đọng bom đạn, trong đó Quảng Trị là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với hơn 80% diện tích chứa bom mìn chưa được tháo gỡ.

Năm 2010, Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại (Chương trình 504). Theo đó, Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo hành động phối hợp với các bộ ngành trong và ngoài quân đội để khắc phục hậu quả. Theo Thiếu tướng Trần Hồng Minh, Tư lệnh Binh chủng Công binh, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích đất ô nhiễm quá nhiều, một số nơi lại ở vùng sâu trong khi phương tiện kỹ thuật rà phá bom mìn còn yếu, lực lượng mỏng nên chỉ có thể tiến hành lần lượt và mất thời gian khá dài.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh