NNƯT Danh Xà Rậm: Nặng nợ với nhạc cụ cổ truyền Khmer Nam bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 00:47 - 19/12/2016
Vốn được sinh ra trong một gia đình, có cha là một nghệ nhân thích đàn ca, nên ngay từ nhỏ ông Danh Xà Rậm đã được cha truyền dạy nhiều loại đàn cổ truyền độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ. Suốt những năm tháng tuổi thơ ông đã luôn đắm chìm trong những âm thanh bổng, trầm, réo rắt của rất nhiều loại nhạc cụ do chính cha mình truyền dạy một cách bài bản, nghiêm khắc. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh và khổ luyện, ông nhanh chóng chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ cổ truyền. Rồi cứ thế theo cha rong ruổi trên từng cây số đến với các ngôi chùa, các phum sóc gần xa biểu diễn phụ vụ cộng đồng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ. Ông bảo, lúc đầu cũng chỉ nghĩ đi theo cha biểu diễn phục vụ vài mùa lễ hội, vài đám hỏi, đám cưới vừa góp vui, vừa kém tiền phụ giúp cùng cha nuôi gia đình. Vậy mà ai dè từ đó mê luôn và theo luôn nghiệp đờn ca, như một định mệnh, tới giờ không dứt ra được nữa.
Cho tới nay ông đã chơi thuần thục, ấn tượng nhiều loại nhạc cụ cổ truyền, độc đáo như: Đàn chum riêng, đàn xa lai, kèn phây o, kèn pây pót và đặc biệt là cây đàn cha pây chom, gần 100 tuổi (một báu vật), do cha ông lưu truyền lại. Theo ông, học và đàn được nhạc cụ cổ truyền đã là một quá trình rất công phu khổ luyện, nhưng hiểu và sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ cùng lúc càng khó hơn gấp bội phần.
Nghệ nhân Danh Xà Rậm với cây đàn cha pây chom riêng gần 100 tuổi, một báu vật do cha ông truyền lại
Thực vây, chính ông đã mất khoảng 20 năm ròng rã khổ luyện, mới đủ sự tự tin nắm vững từng công năng của từng loại đàn và sử dụng một cách thuần thục như bây giờ. Nhờ biết chơi nhiều loại nhạc cụ cổ truyền, lại có giọng ca ngọt ngào và thể hiện bằng tiếng Khmer, qua những bài dân ca, những ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca Khmer, nên ông ngày càng được đông đảo công chúng Khmer ngưỡng mộ. Những dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ, ông luôn được Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bạc Liêu mời tham gia biểu diễn và được khán giả đón chào nồng nhiệt.
Từ một nghệ nhân đam mê chơi đàn, ông càng ngày càng đam mê nghiên cứu tìm tòi chế tác các loại nhạc cụ cổ truyền nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình. Điều ông lo lắng, trăn trở nhất là sự thất truyền, mai một những loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. Chính từ những trăn trở ấy, nay dù đã vào cái tuổi “cổ lai hy” (sinh năm 1941), nhưng ông vẫn rất đam mê, tâm huyết cống hiến cho công chúng đồng bào Khmer qua những đêm diễn. Đồng thời chính ông đang truyền tiếp ngọn lửa đam mê, tâm huyết ấy cho người con trai út kế tục sự nghiệp của mình và sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ Khmer muốn theo học những loại nhạc cụ truyền thống dân tộc mình./.