Nghệ nhân Lý Tha: Người tâm huyết truyền dạy múa Khmer truyền thống
- Văn hóa - Giải trí
- 15:26 - 17/11/2016
Là người đam mê múa từ thuở thiếu thời, ông Lý Tha đã xin vào các đoàn nghệ thuật Khmer để có cơ hội được học về những điệu múa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cùa dân tộc mình. Với năng khiếu trời phú, chỉ sau một thời gian công phu học hỏi, khổ luyện với sự truyền dạy nhiệt tình của các nghệ nhân danh tiếng, ông Lý Tha đã trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp. Ông đã từng một thời là diễn viên múa chủ lực của các đoàn nghệ thuật Khmer nổi tiếng như: Sa Ma Ky Minh Hải (cũ), Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang đi biểu diễn khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Cămpuchia. Không chỉ là diễn viên múa giỏi, ông còn là gương mặt nổi tiếng, ấn tượng với những nhân vật hề khuấy động sân khấu.
Nghệ nhân Lý Tha và nghệ nhân Đào Thị Riêng đang luyện tập múa Khmer truyền thống
Ông chia sẻ, các điệu múa truyền thống Khmer đều rất khó học và phải rất công phu khổ luyện mới có thể lên sân khấu biểu diễn, chỉ có điệu Lâm thôn là dễ học. Chính vì khó học nên nếu ai không có niềm đam mê cháy bỏng với những điệu múa truyền thống của dân tộc mình, thì rất khó đeo đuổi môn nghệ thuật này, nhất là lớp trẻ hiện nay. Hơn nữa, nếu các đoàn nghệ thuật Khmer muốn đào tạo thì cũng cần phải có kinh phí để duy trì lâu dài việc dạy và học một cách bài bản chính quy.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông cho biết thêm, điều quan trọng nhất chính là cần phải có những người học trò thực sự đam mê với môn nghệ thuật này. Nhận thức rõ nguy cơ mai một những điệu múa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, suốt mấy chục năm qua, ông đã bỏ thời gian, tâm huyết miệt mài truyền dạy cho con em đồng bào Khmer ở quanh chùa Settodor ở huyện Cờ Đỏ. Đồng thời vào các dịp lễ hội Chol Chnam Thmay, Oóc Om Bóc,
Tết cổ truyền dân tộc ông lại lên khấu biểu diễn những điệu múa truyền thống Khmer mà ông dày công luyện tập từ thời niên thiếu để phục vụ bà con địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, cùng với người bạn diễn ăn ý của mình (nghệ nhân Đào Thị Riêng), ông còn xuất hiện trên sân khấu những Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch Khmer Nam bộ, với những vũ điệu thuần thục, điêu luyện làm say đắm người xem. Tuy đã rời xa ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp hàng chục năm, nhưng mỗi khi tiếng nhạc của dàn nhạc ngũ âm truyền thống réo rắt vang lên, thì ngọn lửa đam mê những vũ điệu truyền thống Khmer Nam bộ trong ông lại bùng cháy, chưa bao giờ lịm tắt.