Ninh Thuận ổn định thị trường việc làm sau đại dịch
- Bài thuốc hay
- 08:13 - 29/11/2021
Thời gian qua, do nhiều doanh nghiệp tại địa phương ngừng sản xuất, cùng với đó hàng nghìn công dân của tỉnh Ninh Thuận sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê không có việc làm đã làm xáo trộn và tạo áp lực lớn cho thị trường lao động của tỉnh. Sở Lao động – TB&XH Ninh Thuận đã kịp thời ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trực tiếp đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó Sở còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động. Nhờ vậy đến cuối năm 2021, tại Ninh Thuận số doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn nhỏ hơn số doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp quay lại thị trường nên số lượng người quản lý tăng lên trong khi cả số lao động chuyên môn và lao động phổ thông đều giảm do mất việc, thất nghiệp. Đến tháng 10 năm 2021 có tổng số 29.624 lao động làm việc chỉ giảm 2.541 so với đầu năm.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh các hoạt động như tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp chuyển sang hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Google Meet và Zalo, điện thoại… Đồng thời Trung tâm cũng cung cấp thông tin thị trường lao động hằng ngày tại Sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Đa dạng các kênh giao tiếp để kịp thời cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động có nhu cầu tìm việc, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, các Phòng Lao động TB&XH, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể khẩn trương rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động tại địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội việc làm. Đối với người dân có nguyện vọng đi làm trở lại tại các tỉnh phía Nam, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, song phải đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Hà Anh Quang – Giám đốc Sở Lao động – TB&XH tỉnh Ninh Thuận từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, có trên 17.330 công dân của địa phương từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê. Tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tỉnh cũng nắm tình hình, thực hiện tổng hợp chi tiết lao động theo trình độ, nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo hỗ trợ nghề cho lao động nông thôn, xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là những người lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam, nhằm giúp người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Để kết nối cung – cầu về việc làm diễn ra thuận lợi, Sở Lao động - TB&XH đã kết hợp với Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh triển khai chương trình “ATM việc làm” miễn phí nhằm giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đăng ký tìm được việc làm phù hợp. Định kỳ hàng tuần, tại trụ sở Hội Doanh nhân trẻ (số 34, đường 16/4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) tổ chức các buổi gặp gỡ theo nhóm ngành nghề giữa doanh nghiệp và người lao động để trao đổi, thống nhất ký kết hợp đồng lao động. Đã có 20 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đăng ký tuyển dụng, trên 1.200 người đăng ký tìm việc làm và hàng trăm người tìm được việc làm phù hợp trong thời gian qua.
Hiện tại tỉnh đang tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm. Phối hợp hoạt động của Trung tâm dịch vụ gới thiệu việc làm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở và địa phương. Tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưõng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đảm bảo giáo dục nghề gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh phục vụ chophát triển năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển. Tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đào tạo định hướng, mở rộng đối tượng và hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho người lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
THU HÀ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ