Trung tâm DVVL Hà Nội đẩy mạnh tư vấn việc làm trực tuyến
- Bài thuốc hay
- 11:58 - 24/06/2021
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước. Tại Hà Nội, tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường lao động cũng không thể tránh khỏi. Nhiều hoạt động giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, nhất là các hoạt động thông tin thị trường lao động và giải quyết các chế độ chính sách về BHTN.
Nhằm giảm thiếu tác động của dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo các hoạt động chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVL) đã đẩy mạnh các hoạt động phỏng vấn trực tuyến tại các các phiên GDVL định kỳ hàng ngày, triển khai đồng bộ từ Trụ sở chính đến các Sàn/Điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên giao dịch việc làm, triển khai và vận hành Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam tại Hà Nội, website: vieclamhanoi.net, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến. Kết quả: 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức được 111 phiên giao dịch việc làm, thu hút 3.149 doanh nghiệp và 52.351 người lao động tham gia.
Đẩy mạnh đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nhất là qua hình thức gián tiếp và trực tuyến. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm qua các hình thức gián tiếp như điện thoại, email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm…Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm, triển khai tư vấn – giới thiệu việc làm trực tuyến thông qua các ứng dụng gọi điện, họp trực tuyến, mở ra các cuộc trao đổi, phỏng vấn trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp thông qua các nghiệp vụ của cán bộ Trung tâm.
Tăng cường và đẩy mạnh thu thập thông tin việc làm trống – người tìm việc nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc, đảm bảo có dữ liệu phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, XKLĐ của người lao động qua các hình thức như: chát nhóm trên ứng dụng zalo, tin nhắn Facebook, qua điện thoại, qua email…
Đẩy mạnh công tác cung ứng thông tin thị trường lao động qua hình thức gián tiếp và trực tuyến. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và cung cấp thông tin, trong đó chú trọng vào các hoạt động qua email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm… Đăng tin bài và các nội dung ấn phẩm, thông tin thị trường lao động lên các Fanpage, website của Trung tâm và nhiều kênh truyền thông khác.
Đẩy mạnh công tác phân tích – dự báo, phân tích đặc điểm tình hình trong giai đoạn hiện nay, từ đó xây dựng các mô hình dự báo, xây dựng các kịch bản của thị trường lao động trong thời gian tới để chuẩn bị các phương án, kế hoạch hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là người lao động thất nghiệp và bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.
Về giải quyết các chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp: Tăng cường phân luồng, thực hiện đảm bảo giãn cách trong quá trình hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường Bưu điện; Thực hiện khai báo tìm kiếm việc làm qua điện thoại, zalo, Email… Hạn chế tiếp xúc và giảm thời gian, chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp trong quá trình đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ người lao động thực hiện khai báo tìm kiếm việc làm, nhất là một số người lao động đang trong diện bị cách ly hoặc nằm trong vùng bị phong tỏa.