Những vấn đề “nóng” về giáo dục đào tạo trước thềm năm học mới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:38 - 07/09/2016
Thông tư 30: Không chấm điểm đối với học sinh Tiểu học. Ảnh minh họa.
Sửa đổi Thông tư 30 theo hướng đánh giá mức A, B, C
Trước câu hỏi nhiều giáo viên lo ngại dự thảo sửa đổi Thông tư 30 với cách đánh giá, phân loại học sinh theo A, B, C chỉ là khác nhau về tên gọi. Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung, sau đó Bộ sẽ tính toán sao cho phù hợp. Có thể sử dụng công nghệ thông tin để giảm tải việc ghi chép cho giáo viên.
“Mức A học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức B học sinh nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Còn mức C chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Đồng thời, năng lực, phẩm chất của học sinh cũng được đánh giá theo 3 mức trên. Các em mức A nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin. Mức B nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin và mức C là nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú và thiếu tự tin. Giáo viên được chủ động trong đánh giá, không nhất thiết phải ghi nhận xét hàng ngày”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, tinh thần của Thông tư 30 là tốt. Học sinh tiểu học còn nhỏ không nhất thiết phải đánh giá lượng hóa bằng cách chấm điểm, thi đua, tạo ra áp lực và dạy thêm, học thêm. Thông tư có cách đánh giá cả năng lực lẫn phẩm chất của học sinh bằng cách vừa cho điểm vừa nhận xét. Một câu khen cũng là cách đánh giá, đâu nhất thiết phải cứ cho 5 hay 10 điểm. Tuy nhiên, Bộ cũng phải rút kinh nghiệm, tính toán làm sao khi đổi mới cũng phải có lộ trình, bước đi phù hợp đảm bảo có sự chuẩn bị, kể cả giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp. “Bản dự thảo sửa đổi lần này sẽ thay đổi việc thầy cô phải ghi nhận xét nhiều. Phương án đánh giá học sinh theo mức A, B, C là khác căn bản so với cách đánh giá cũ. Bởi chỉ đánh giá bằng lời khó lượng hóa được sự tiến bộ của học sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Thí sinh tham dự thi THPT quốc gia 2016.
Về những thay đổi ở kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016 – 2017, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay: Chủ trương năm nay không phải đưa ra một phương án thay đổi mà kế thừa phương án của năm 2016. Phương án thi và tổ chức xét tuyển sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉ còn một cụm thi, giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, hạn chế huy động cán bộ các trường về địa phương. Nội dung và hình thức thi sẽ được điều chỉnh và Bộ sớm công bố để phụ huynh biết không lo lắng, còn các em yên tâm học tập. Những năm trước, đề thi tự luận còn khiến dư luận chưa yên tâm, chấm thi theo barem cũng có sự du di. Đề năm nay sẽ mở rộng kiến thức để tránh học lệch, học tủ. Các môn toán, ngoại ngữ, khoa học xã hội, khoa học nhân văn thi trắc nghiệm trên giấy, chấm trên máy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi sẽ hạn chế tiêu cực, nhìn bài nhau. Thực tế cho thấy 3 năm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội rất thành công…
Giảm tình trạng dạy thêm học thêm, cần phải có lộ trình
Liên quan đến chuyện TP. Hồ Chí Minh có quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, khiến nhiều phụ huynh, học sinh đã phản ứng với lý do năm nào cũng đổi mới thì việc dạy thêm, học thêm để "chạy" cho kịp chương trình là điều tất yếu. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Dạy thêm, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Chuyện cấm dạy thêm phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan, hay những hành vi dạy thêm trái quy định như đưa nội dung chính khoá vào giờ dạy thêm. Theo đó, muốn giảm tình trạng dạy thêm, học thêm như hiện nay, cần phải có lộ trình, trong đó, việc quan trọng là chỉnh sửa nội dung chương trình, sách giáo khoa”.
Ảnh minh họa.
Đề án thay đổi sách giáo khoa được Quốc hội phê duyệt, năm 2018 sẽ bắt đầu lộ trình đổi mới, thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Mặc dù lộ trình thay đổi sách giáo khoa đang chậm trễ, song quan điểm của Bộ là "chậm mà chắc". Bởi vì sách giáo khoa phải được xây dựng trên một chương trình tổng thể tốt. Hiện giờ chương trình tổng thể chưa có, chương trình môn học cũng chưa tính cụ thể nhưng Bộ cũng đã có kế hoạch làm và nhanh chóng triển khai sớm.
“Việc kiến tạo sách giáo khoa cũng có những điểm mới. Việc xây dựng sách giáo khoa không chỉ bó hẹp ở một nhóm chuyên gia mà sẽ công khai, minh bạch cho các thầy cô đóng góp ý kiến, tránh tình trạng làm xong rồi lại phải sửa. Chúng ta có đội ngũ giáo viên giỏi ở trường sư phạm, trường phổ thông. Bộ chưa đặt vấn đề hoãn, song sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ và trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm.