CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:01

Thông tư 30 sau một năm học: Thực hư chất lượng học sinh

.

Kết thúc kì thi cuối năm học, các trường tất bật với báo cáo và tổng kết. Báo cáo thống kê chất lượng của năm nay không giống các năm trước, mọi năm giáo viên tổng hợp điểm theo 4 mức độ: Giỏi (điểm 9-10); Khá (điểm 7-8); Trung bình (điểm 5-6) và Yếu (điểm dưới 5).

Nhưng năm nay, với Thông tư 30 giảm áp lực cho học sinh, không xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu nữa, chỉ xếp hai mức Hoàn thành và Không hoàn thành; Đạt và Không đạt.

Thiết nghĩ, giáo viên sẽ giảm cả áp lực tổng hợp báo cáo chất lượng, chỉ cần báo cáo theo hai mức độ. Nhưng không, giáo viên được tăng thêm nhiều việc là báo cáo từng điểm số của học sinh, theo thang điểm từ 1 đến 10. Không có thang điểm 0, cho dù học sinh không làm bài được chữ nào cũng phải cho 1 điểm.

Tôi cũng không biết báo cáo số lượng bài theo từng điểm số như vậy để làm gì? Phải chăng để quản lý chất lượng, để báo cáo số điểm 10,9 năm nay không những không giảm mà còn tăng so với năm trước? Hay vì mục đích nào khác?

Dù báo cáo năm nay có chi tiết đến đâu, cụ thể tới mức nào thì theo tôi thấy không ai dám khẳng định được chất lượng từ các con số thống kê đó. Dễ dàng nhận thấy chất lượng không chỉ nằm ở điểm số của một kì thi, vì nó tồn tại cả sự may rủi trong đó. Nhất lại là một kì thi các trường tự ra đề thi.

Trường nào ra đề sát với trình độ học sinh thì có điểm số báo cáo chất lượng tương đối chính xác, còn có trường ra đề khó hơn kiến thức học sách giáo khoa một chút sẽ có điểm số thấp hơn hẳn so với trường ra để dưới chuẩn, hoặc có trường hợp trường cho đề ôn tập gần giống với đề thi. Vậy thì số liệu báo cáo chất lượng có đáng tin?

Tôi có trao đổi với một số đồng nghiệp ở các vùng miền khác nhau, hỏi họ về chất lượng học sinh sau khi thực hiện thông tư 30 ở đó thế nào? Nhiều bạn nói học sinh lười học hơn nên chất lượng thấp hơn năm trước. Nhưng cũng có bạn lại nói: “ Cao hơn năm trước”.

Tôi giật mình, hỏi lại: Sao trường đó giỏi thế, học sinh chăm học hơn à? Thì câu trả lời là: “Ôi, ra đề dễ hơn thì chất lượng cao hơn thôi, có gì mà phải giật mình! Muốn kiểu gì cũng chiều được hết”

Bây giờ các bậc phụ huynh học sinh cũng dễ dàng hiểu được những điểm số cuối năm học của con mình chưa phản ánh hết được năng lực học tập thực sự của các con. Số lượng học sinh đạt 9,10 thì phụ thuộc vào đề thi, công tác coi và chấm thi của trường. Còn số lượng học sinh được khen thưởng lại phụ thuộc vào nguồn quỹ khen thưởng.

Trường nào có quỹ khen thưởng lớn (từ quỹ phụ huynh học sinh) thì số lượng học sinh được khen nhiều, có thể khen 100% học sinh theo Thông tư 30. Vì có rất nhiều mục để khen học sinh về 3 mặt: Các hoạt động học tập, năng lực và phẩm chất.

Trong các hoạt động học tập có thể khen học sinh học tốt tất cả các môn, học sinh học tốt một môn hay học sinh có tiến bộ vượt bậc một môn nào đó.v.v.

Còn khen về năng lực và phẩm chất thì rất đa dạng và phong phú: Học sinh học chưa giỏi nhưng ngoan ngoãn, chăm chỉ, hay năng động trong các hoạt động  ngoại khóa, hoặc hay giúp đỡ bạn .v.v. Có nghĩa là học sinh cả lớp, cả trường, cả nhà đều vui.

Còn những trường có ít quỹ khen thưởng thì sẽ giới hạn số học sinh được khen thưởng. Tùy mỗi trường, mỗi địa phương mà có các tiêu chí xét khen thưởng khác nhau. Có trường xét khen thưởng có 10%-15%, vì thế mà sinh ra nhiều bất cập, học sinh điểm cao như nhau, em được khen, em không được thì cần đưa ra bình xét. Cô và các bạn sẽ nhận xét các quá trình học tập và rèn luyện của những em có điểm số ngang nhau như thế để các em có sự công bằng.

Thế là, em được xét tốt, được khen thưởng sẽ vui, còn em kia thất vọng và buồn nản. Tâm lý đó không thể tránh khỏi dù các em có vô tư đến đâu cũng vẫn có nỗi buồn nơi ánh mắt.

 Phụ huynh lại so sánh, thắc mắc học sinh kia điểm có 9 cũng được khen mà con mình toàn điểm 10 lại không được khen? Hay bé kia học bình thường thua con tôi nhưng trường đó vẫn khen thưởng, còn con tôi học giỏi hơn mà ở trường này không có tờ giấy khen…

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh