Thông tư 30: Nhiều ưu điểm nhưng chưa phù hợp
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 16:55 - 04/06/2016
Nhiều ưu điểm nhưng chưa phù hợp
Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2014, với việc đổi mới việc đánh giá HS tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số. Sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên cho biết, họ đã mất rất nhiều thời gian viết lời nhận xét cho học sinh, còn phụ huynh HS lo lắng về chất lượng học tập.
Đa số ý kiến của phụ huynh đều vẫn thích phương pháp chấm điểm hơn là những lời nhận xét mang tính chất trung tính, như vậy họ không thể biết rõ lực học thực sự của con mình để lấy đó làm căn cứ quyết định cho con học cấp 2 ở trường nào. Hơn nữa, các bài kiểm tra chỉ nhận xét đúng, sai, vô tình đã tạo cho HS không có hứng thú học tập, không có sự ganh đua với các bạn trong lớp, còn phụ huynh không biết con bị yếu kém những môn học nào. Nhiều HS cho biết, các em thích điểm 9, 10 hơn là những lời nhận xét của thầy, cô giáo.Với sự ra đời của Thông tư 30, việc khen thưởng đánh giá HS tiểu học cuối năm, nhất là việc ghi giấy khen thuộc quyền quyết định của từng trường đã khiến không ít phụ huynh đau đầu suy đoán những dòng chữ được viết nắn nót lên giấy khen: “Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện”, “Hoàn thành tốt nội dung và rèn luyện”, “Hoàn thành tốt một phần nội dung và rèn luyện”, “Đạt danh hiệu HS tiêu biểu”, “Đạt danh hiệu HS khen từng mặt”… Số đông phụ huynh có con học lớp 6 cho hay, bị cô giáo kêu ca phàn nàn rất nhiều khi HS không chịu làm bài tập về nhà vì các em đã quen với việc không chấm điểm ở bậc tiểu học, do đó các em bị hẫng vì cách học, không biết cách làm bài, suy luận, trình bày...
Học sinh tiểu học. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy nhưng không thể phủ nhận những điểm được cho là mới hoặc “thể hiện tính nhân văn” của Thông tư 30. Nhìn nhận về vấn đề này, GS, TS Hoàng Xuân Sính, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Xu hướng hiện nay trên thế giới của nhiều nước đều bỏ chấm điểm rồi thực hiện đánh giá chất lượng học sinh, còn thực hiện tốt hay không tốt thì tùy vào tình hình của từng nước. Chúng ta không thể phủ nhận tính nhân văn của Thông tư 30, khi đã làm giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp HS được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập. Đồng thời giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng, từ đó giúp HS tiến bộ theo các yêu cầu giáo dục ở tiểu học.
Theo PGS, TS Đoàn Văn Điều, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, xóa bỏ việc đánh giá thường xuyên HS tiểu học bằng cho điểm là quyết định đúng đắn và tiến bộ. Hơn nữa, phát triển giáo dục phải dựa vào nội lực vì điều kiện của chúng ta không như các nước khác nên không thể áp dụng toàn bộ thông tư. Trong khi lương giáo viên tiểu học hiện nay không đủ để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc; đó là chưa nói đến điều kiện cơ sở, học tập, rèn luyện hiện nay chỉ có bài dạy chay. Vì thế, một số quy định trong Thông tư chưa phù hợp với thực tế Việt Nam nên thiếu tính khả thi, gây quá tải cho giáo viên và chưa phù hợp với năng lực của số đông giáo viên.
Cần có lộ trình
Sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 30, qua phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở 5 tỉnh, thành phố cho thấy, có 95,2% số giáo viên được hỏi đều khẳng định thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn. 582/630 giáo viên được hỏi cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét HS là 92,47 phút. Về vấn đề này, GS, TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương nêu quan điểm, đổi mới phương pháp đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, thay đổi cần phải từng bước, nơi nào có điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa có điều kiện thì làm sau.
Theo PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Chúng ta từ trước đến nay vốn có truyền thống chấm điểm, cho nên nếu thay đổi thì phải thận trọng, có thời gian để chuẩn bị kỹ càng cả về chất lượng cũng như để cho giáo viên thích nghi. “Nguyên nhân thất bại lớn nhất của Thông tư 30 khi triển khai đó chính là chưa hướng dẫn cụ thể để cho giáo viên thấm nhuần phương pháp mới, đã thực hiện, vì thế làm giáo viên gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi thấu hiểu những gì giáo viên tiểu học đang phải trải qua và không bất ngờ trước phản ánh của họ. Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo viên, theo tôi nó còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như giáo viên không được trang bị lý luận, hiểu biết về thông tư trước khi áp dụng. Thực tế tại một số tỉnh, huyện, xã và các trường, những giáo viên được tập huấn về Thông tư 30 bài bản thì không có băn khoăn, trăn trở điều gì và đều thực hiện tốt”, PGS Văn Như Cương nhận định.
GS, TS Hoàng Xuân Sính cho rằng, Thông tư 30 ban đầu chỉ nên thí điểm ở những tỉnh có điều kiện tương đương với các nước phát triển. Trong 2 năm triển khai chúng ta có ở trong điều kiện như các nước hay không, nào là chế độ tiền lương cho giáo viên, cơ sở vật chất giảng dạy, không có sự đồng nhất giữa các bộ, ngành. Đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa phải đi từng nhà xin học trò đi học, bao nhiêu vất vả, làm sao đòi hỏi quá nhiều khi chế độ không đảm bảo. Còn theo PGS, TS Đoàn Văn Điều, giáo viên cần nghiên cứu thật kĩ Thông tư 30 để hiểu đầy đủ ý nghĩa và vận dụng hiệu quả. Hơn nữa, giáo dục còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, phương tiện, ở Singapore từ năm 1987 đã cho HS tiểu học học máy tính, còn ở Việt Nam trẻ em vùng sâu, vùng xa đến nay có khi không được tiếp cận với công nghệ thông tin. PGS, TS Đoàn Văn Điều nhấn mạnh: “Chính vì thế một số quy định trong Thông tư chưa phù hợp với thực tế Việt Nam nên thiếu tính khả thi, gây quá tải cho giáo viên, chưa phù hợp với năng lực của số đông giáo viên. Quan trọng nhất, cần có lộ trình thực hiện cho cả phụ huynh, HS và cả giáo viên. Phải có tính liên thông trong giáo dục để các em làm quen khi lên lớp 6”.