Ngôi làng bí ẩn giữa đại ngàn
- Dược liệu
- 16:10 - 18/01/2015
Dưới sự bao bọc của rừng xanh, từ một đôi vợ chồng, hai đứa con, qua thời gian gần 100 năm, làng đã có 5 đời sinh sống, phát triển thành 13 hộ, với 57 nhân khẩu. Họ có chung dòng máu, quần tụ, dựa vào nhau để sống, một cuộc sống được cho là bí ẩn và thầm lặng giữa rừng xanh.
Huyền thoại trưởng làng Đựa
Nhắc về ông tổ của làng Đựa, nhiều người vẫn còn rùng mình, xem ông như bậc thầy về phù thuỷ, bùa chú. Làng Đựa biệt lập giữa rừng xanh, trở thành “thánh địa bất khả xâm phạm”, không ai dám bén mảng đến nếu như chưa được sự cho phép của trưởng làng. Ai cố tình, trưởng làng sẽ làm cho người đó ngây dại, quanh quẩn, rồi lạc lối mãi trong rừng. Ngay như việc người dưới xuôi vào rừng lấy gỗ, họ cũng đi đường vòng qua làng chứ không dám tiến thẳng qua làng. Riêng về trưởng làng Lự Văn Đựa, có người nhìn thấy những việc làm của ông rồi đoán rằng ông có “chài, có bùa, có chú” bảo vệ làng. Ông Đựa có khả năng như thế nào, không ai biết, cũng không ai có thể hiểu nổi dưới tấm áo chi chít vết chắp vá và khuôn mặt chai sạn lạnh lùng của ông là gì, chỉ biết nó rất đáng sợ và không thể đùa giỡn.
Làng Đựa nhìn từ xa
Ông Lê Đình Dân, cháu rể của ông Đựa, người được bà con bầu làm trưởng làng, cũng khẳng định: “Chính mắt tôi đã chứng kiến không ít chuyện ly kỳ từ việc làm của ông cụ, mà cho đến giờ vẫn chưa ai tìm ra lời giải. Như việc chữa bệnh cho bà Thanh (cháu dâu của ông Đựa). Sau một lần vào rừng lấy măng, bà Thanh đột nhiên đổ bệnh nặng, tưởng sẽ chết. Nhưng rồi, ông Đựa cho người khiêng bà Thanh đến, ông lẩm bẩm trong miệng, dậm chân xuống đất ba cái, đồng thời dùng dao liếc đi liếc lại trước mặt bà.
Sau đó, ông đưa cái bát lên miệng nhai ngấu nghiến. Dù rằng, răng ông Đựa đã rụng gần hết, đến bánh đa cũng không ăn nổi, thế mà ông nhai cái bát sứ nhẹ nhàng như nhai cơm. Khi cái bát đã vụn nát, ông phun ra khắp người bà Thanh, sau đó bà Thanh khỏi bệnh. Hoặc như chuyện xảy ra năm 1970, có nhà địa chất tên Mùi, ở huyện Hoằng Hoá lên làng Đựa khảo sát. Khi thấy con gái ông Đựa xinh, anh ta tán tỉnh, sau đó bỏ rơi cô. Ông Đựa bực mình và nói: “Nếu làm anh chết, điều đó dễ dàng với tôi. Nhưng tôi không thể giết người, cũng không thể để anh yên thân được. Giờ thì hãy ăn đất và đập đầu vào cột cho tôi”.
Nói đoạn, ông Đựa đọc lời chú. Chẳng hiểu sao ông Mùi mở lọ, lấy ba nắm đất từ ống đựng đất làm thí nghiệm ra cho vào miệng, vừa ăn vừa khen ngon. Ăn xong, ông Mùi đập đầu vào cột, máu chảy dòng khắp mặt cho đến khi ông Đựa ngưng đọc chú mới thôi. Hoặc các vật nuôi như trâu, bò, lợn bị ốm, ông Đựa đều dùng bùa chữa hết.
Trưởng làng Lê Đình Dân
Sau này, trước khi chết, ông Đựa đã truyền lại bí quyết bùa chú cho con trai cả là ông Lự Văn Mậu, người đời thứ 3 của làng, nên làng này còn có tên là làng Cả Mậu. Và chỉ có người con cả, mang nhiệm vụ bảo vệ làng mới được truyền dạy bùa chú, đồng thời biết được các lời nguyền mà đời trước đã gửi vào rừng xanh. Theo đó, ngày 30 Tết, người được truyền sẽ ngồi dưới gầm bàn thờ, được che mặt bằng những tấm vải đen, đỏ, trắng, người truyền sẽ đọc chú truyền lại, làm như vậy 3 lần vào ngày 30 Tết suốt 3 năm là có thể kế nghiệp tổ tiên.
Theo lời kể của ông Dân, thì ông Mậu cũng là một người rất giỏi, tài thuật không thua xa ông Đựa là bao. Tuy nhiên, một lần ông Mậu uống rượu say ngã xuống ruộng chết, nên chưa kịp truyền lại hết cho con. Người con trai cả của ông Mậu là Lự Văn Tứ cũng học được bùa phép để bảo vệ làng, nhưng anh đã rời làng về xuôi lấy vợ. Chỉ khi nào làng có công việc hoặc có biến, anh mới trở lại thăm làng.
Cánh rừng ma
Đến làng Đựa, dễ dành nhận ra cánh rừng rậm ở đầu làng. Đã có không ít thắc mắc, tại sao người ta phát quang bốn bên, riêng cánh rừng ấy lại để lại? Khi làng còn ẩn khuất sau tán lá rừng, còn là một bí ẩn chưa mấy ai biết đến, có người dưới xuôi lên rừng tìm gỗ quý, người ta vô tình đi vào khu rừng này. Đang mon men theo bóng cây cổ thụ bỗng có người nhìn thấy những hộp sọ uá màu nằm chen lá cây, ban đầu cứ tưởng đó là sọ khỉ, khi nhìn thấy cả xương ống dài, họ nhận ra đó là sọ người, tất cả đều hét toáng lên rồi chạy, chạy mãi thấy khói bếp và họ tìm được làng. Đêm xuống, họ xin ngủ lại, gặp được người trong làng, hỏi chuyện họ mới biết, đó là nơi yên nghỉ của những người chết trong làng.
Trò chuyện với chúng tôi về cánh rừng, bà Nguyễn Thị Nguyện, người già nhất làng, là vợ ông Đựa cho hay, ở làng này đã có 5 đời sinh sống, người chết cũng nhiều, nhưng mới chỉ có 2 người gần đây nhất mới có quan tài. Theo phong tục làng Đựa, người ta đặt xác chết lên một tấm ván, lấy dây buộc người vào ván. Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, họ đưa người chết đó lên khu rừng rậm, chọn vị trí rồi đặt xác chết xuống. Chặt cành cây tấp lên trên rồi ra về và không bao giờ quay lại thăm mộ hay cải táng. Theo tục, người chết được chôn ở đầu làng, là để bảo vệ làng.
Cánh rừng ma - nghĩa địa ở làng Đựa
Nghe ông bà Nguyện kể vậy, tôi lại nhớ đến phong tục của người Mày, người Cơ Tu, người Vân Kiều ở dãy Trường Sơn. Đúng là họ không dám đặt chân đến khu rừng ma, nơi yên nghỉ của người đã khuất. Họ chỉ đặt chân đến khu rừng đó khi có người tiếp theo chết. Sau khi chôn cất xong, người ta chạy thục mạng về nhà. Dù cho thú rừng có tìm đến xác chết hoặc động vật ăn xác thối, người ta cũng không lấy làm bận tâm, bởi theo họ khi người chết được đưa vào rừng đồng nghĩa với việc người chết đã được về với tổ tiên của mình.
Lịch sử làng
Theo bà Nguyện, vào đầu thế kỷ 20 có người đàn ông ở miền Tây xứ Nghệ tìm về khu rừng này săn bắn. Đến đây, ông thấy đất đai bằng phẳng, dọc khe nước có bùn lầy, rộng, có thể phát cây để trồng lúa. Ông đánh dấu chỗ, rồi quay về nhà, đưa vợ và hai người con là ông Đựa và cô con gái đến phát cây, khai khẩn đất hoang.
Bà Nguyễn Thị Nguyện, vợ hai ông Đựa
Ban đầu họ dựng lán, chặt nứa làm vách, làm chiếu, làm giường. Họ ăn rau rừng, củ mài, củ nâu trong rừng, bắt nòng nọc dưới suối để ăn. Những ngày đầu lên đây cực khổ, đói triền miên, ngày tháng chỉ trông chờ vào củ mài, củ sắn, củ khoai chứ không có gạo.
Thời gian trôi đi, ông Đựa lớn lên về quê lấy vợ và đưa về làng. Vợ ông Đựa sinh được 5 người con thì mất. Đến cuối năm 1978, ông Đựa lại về xuôi, tìm gặp và lấy người vợ thứ 2 và đưa về làng, hiện là bà Nguyễn Thị Nguyện-người đang còn sống và già nhất làng. Bà Nguyện sinh cho ông Đựa được 3 người con. Còn em gái ông Đựa lấy chồng ở nơi khác, hiện không rõ tung tích. 8 người con của ông Đựa, đời thứ 3, lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái.
Hiện, toàn bộ những người con của ông Đựa với người vợ cả đều đã chết. Chỉ còn lại con của ông Đựa với bà Nguyện, cùng các cháu chắt thuộc đời thứ 4, thứ 5. Cho đến giờ làng đã trải qua 5 đời, có 13 hộ, với 57 nhân khẩu. Ngoài những đứa trẻ được nhà nước cho đi học, số còn lại không ai biết chữ. Và tất cả đều mang họ Lự theo ông tổ của mình.
Bởi không có người kế nghiệp nhiệm vụ bảo vệ làng, hơn nữa lại thấy cháu rể, tức ông ông Lê Đình Dân là người dưới xuôi lên, biết đọc, biết viết nên người dân đã bầu ông làm trưởng làng, chịu trách nhiệm gánh vác công việc cho làng. (còn nữa)