Những điều cần lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm 2020
- Văn hóa
- 19:58 - 28/01/2020
Như một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, người ta đi lễ chùa đầu năm 2020 đơn giản chỉ là hướng tâm về Phật, cầu phúc, cầu may cho gia đình và mọi người xung quanh. Đi lễ chùa đầu năm để trút hết mọi những ưu phiền, bộn bề, lo toan vất vả mà thành tâm nguyện cầu cho một năm mới an lành và tốt đẹp.
Chuẩn bị hành trang cho dịp lễ chùa đầu năm
Dù từ lâu, lễ chùa đầu năm đã trở thành một thói quen không thể thiếu những ngày Tết và là một nghi lễ quan trọng, không thể xuề xòa. Ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất khi đi tới nơi của Phật, những nơi linh thiêng, bạn nên chỉn chu từng chút và lưu ý những điều dưới đây để có chuyến đi tốt đẹp.
Bên cạnh đó, cần lên một kế hoạch đi hành hương đầu năm rõ ràng và tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước. Nếu không có thời gian chuẩn bị mọi thứ, du khách có thể lựa chọn những công ty du lịch uy tín để an tâm.
Lựa chọn trang phục
Khi đi lễ chùa, bạn nên ăn mặc lịch sự, kín đáo, không nên mặc trang phục quá sặc sỡ, hở hang. Các bạn nữ không nên mặc váy quá ngắn hoặc quần quá ngắn.
Ngoài ra, bạn nên chọn trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt vì những ngày đầu năm lượng du khách đổ về rất đông, thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Bạn cũng cần mũ rộng vành để che nắng và áo mưa hoặc ô đề phòng trời mưa.
Khi đi hành hương, du khách thường phải đi bộ và leo núi rất nhiều trong thời gian dài. Những đôi giày mềm, có độ bám tốt hay giày thể thao là lựa chọn lí tưởng để tránh bị đau chân.
Nguyên tắc ra - vào Chùa
Khi đi qua cổng Tam quan, vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Phải lưu ý, cửa chính giữa - Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng. Vì thế nếu để ý một chút bạn sẽ thấy, ngày thường nhiều chùa không mở cửa chính để tránh có những sai phạm không đáng có. Một điều nhỏ nữa là đi lễ chùa, bạn tuyệt đối đừng giẫm lên bậu cửa mà phải bước qua bậu cửa vào Phật đường và Tam Bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.
Về lễ vật và công đức khi đi lễ chùa
Hãy là người đi chùa "văn hóa", không phải cứ có thật nhiều lễ vật hay công đức nhiều tiền mới là có tâm với Phật, với thần linh. Bạn nên lưu ý rằng:
Đi lễ chùa đầu năm không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật, khi thắp hương bạn nên dâng hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ...
Khi công đức, bạn nên đặt tiền trong hòm công đức, tránh rải tiền ở khắp nơi, khắp các ban bệ hay đặt vào tay tượng. Điều này vừa không mang lại may mắn vừa là một hành động dung tục, mất đi vẻ đẹp linh thiêng và tôn kính nơi đền thờ, miếu mạo.
Giữ gìn sức khỏe
Trong các chuyến hành hương, du khách thường phải đi lại nhiều và thời tiết có thể thay đổi đột ngột tại những vùng núi cao. Hãy chú ý chuẩn bị những thuốc men đặc biệt theo nhu cầu của bản thân và một số loại thuốc thông thường như: Thuốc cảm, trà gừng, thuốc hỗ trợ tiêu hoá…
Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo thực phẩm chức năng, vitamin... để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và đặc biệt là uống đủ nước.
Một số lưu ý khác
- Xưng hô ở chùa: Nên dùng Phật danh "A di đà Phật" thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt. Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy… và xưng là con.
- Chú ý hành xử, nói năng đúng mực.
- Tuyệt đối không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng.
- Không sử dụng đồ của chùa như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít hay nhiều.
- Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
- Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
- Theo quan niệm của Phật giáo, Đức Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho chúng sinh chứ không độ về đường công, danh, tài, lộc. Nếu muốn cầu về những đường này, bạn nên đến các đình, đền...