Đi chùa là để cầu bình an, không phải để ‘dâng sao, giải hạn’
- Y học 360
- 20:32 - 08/02/2017
Đạo Phật không chủ trương "dâng sao, giải hạn", mà chỉ hành lễ cầu an cho các phật tử. Ảnh: TTXVN
Nhà chùa không chủ trương “dâng sao, giải hạn”
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Thượng tọa Thích Đàm Nhung, Trụ trì Linh Thông Tự (Chùa Vân Hồ) cho biết, kinh sách của nhà Phật và theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà gây họa hay mang phúc, cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử.
Đạo Phật chủ trương con người là chủ nhân quyết định vận mệnh chính mình, theo đó, Đức Phật dạy: “Không ai làm cho chúng ta thanh tịnh, không ai làm cho chúng ta ô uế, chính chúng ta làm cho chúng ta thanh tịnh và cũng chính chúng ta làm cho chúng ta ô uế”.
Theo thượng tọa Thích Đàm Nhung, nhà chùa không chủ trương “dâng sao, giải hạn” mà đầu năm, mọi người đi chùa là để cầu bình an. Một năm có 4 vấn tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Chạp tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; vào các khoảng thời gian này nhà chùa thường thực hiện những lễ cúng trong năm.
Theo đó, vào ngày Rằm tháng Giêng (Thượng Nguyên), các phật tử có mong muốn làm lễ cúng cầu bình an có thể làm lễ tại chùa. Lễ vật do các phật tử tự chuẩn bị chỉ đơn giản bao gồm hoa quả, xôi oản, đồ chay dâng lên, không được câu nệ, không làm cầu kỳ. Lễ cầu an cũng là lễ chung của nhà chùa, không thực hiện riêng cho bất kỳ phật tử nào cũng không nhận lễ của bất cứ phật tử nào.
Hiểu về sao chiếu mệnh trong văn hóa phương Đông
Trong văn hóa phương Đông, mỗi năm sẽ có một vị sao tương ứng chiếu mạng và lặp lại theo chu kỳ thời gian. Dựa vào các sao để biết cách phòng tránh sự không may mắn trong năm, việc này được xem như là một cách bói đặc biệt của văn hóa phương Đông.
Theo tín ngưỡng dân gian, việc “dâng sao, giải hạn” được thực hiện từ lâu đời với mong muốn hóa giải những tai ương do sao xấu gây ra để cầu cho may mắn đến trong cả một năm.
Các sao chiếu mệnh gồm chín sao: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu, La Hầu và Kế Đô. Mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh, theo chu kỳ chín năm lặp lại một lần, nếu bị sao xấu chiếu thì cả năm sẽ không may mắn. “Dâng sao, giải hạn” để tránh tai ương, xui xẻo để một năm vui vẻ, hạnh phúc.
Theo quan niệm dân gian 9 ngôi sao chiếu mệnh xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng (tính theo Âm lịch) như sau:
- Sao La Hầu: ngày mùng 8 hàng tháng
- Sao Thái Bạch: ngày 15 hàng tháng
- Sao Kế Đô: ngày 18 hàng tháng
- Sao Thổ Tú: ngày 19 hàng tháng
- Sao Thủy Diệu: ngày 21 hàng tháng
- Sao Mộc Đức: ngày 25 hàng tháng
- Sao Thái Âm: ngày 26 hàng tháng
- Sao Thái Dương: ngày 27 hàng tháng
- Sao Vân Hán: ngày 29 hàng tháng
Sao chiếu mệnh được coi là một môn khoa học huyền bí nhưng không phải là không có căn cứ. Từ xa xưa, các nhà thuật số đã nghiên cứu, tính toán và tổng kết thành năm, thành vận, theo can chi, ngũ hành... xác định được chu kỳ vận chuyển trong vũ trụ và những biến động trong bản mệnh của mỗi người. Vì lẽ đó, tín ngưỡng dân gian “dâng sao, giải hạn” nếu được thực hiện đúng không phải là hình thức mê tín dị đoan, việc này nên hiểu như là một giải pháp tâm lý giúp chúng ta thanh thản và bình tĩnh hơn khi giải quyết các vấn đề không may xảy ra trong cuộc sống.
Thế nhưng nhiều người đã lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi bằng cách bày vẽ nhiều lễ nghi dẫn tiêu tốn tiền bạc, gây lãng phí và nghiêm trọng hơn là làm sai lệch ý nghĩa của phong tục này.