THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Ốc đảo Thiềng Liềng, mảnh đất nghèo nhất Sài thành

Mặn chát đời muối 

Đảo Thiềng Liềng,với gần 200 hộ dân, (thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) là cù lao bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt, điện lưới quốc gia chưa tới, là nơi đầu sóng ngọn gió. Nhớ lại những ngày đầu ra Thiềng Liềng lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Toàn tâm sự: “Ban đầu cũng khốn khổ lắm. Nhiều lúc cũng phó mặc cho số phận vậy thôi".

Xưa, có một người trong lần đi du lịch phát hiện ra hòn đảo này và rồi từ đó, nhiều người ra đây lập nghiệp thế là chẳng mấy chốc thành ấp.. Dân ở Thiềng Liềng, đàn ông thì đi đánh cá vụn, còn phụ nữ chủ yếu bám lấy nghề muối. Nhưng nhiều khi muối cũng làm cho những cuộc đời ở đây trở nên mặn chát”.

Bà Nguyễn Thị Lan, người có thâm niên 20 năm làm muối buồn bã cho biết: “Đa phần những diêm dân ở đây có cuộc sống rất bấp bênh. Làm muối là nghề phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nay, Thiềng Liềng lại mưa nắng thất thường nên đã bước vào vụ sản xuất nhưng vẫn không ai mặn mà lắm, vì muối sản xuất ra không tiêu thụ được. Hơn nữa làm muối đa phần là làm thủ công, lúc 11giờ đến 14 giờ là lúc nắng nhất mọi người nghỉ ngơi thì mình phải làm bởi có nắng mới cào muối được.

Một góc đảo Thiềng Liềng 

Hàng ngày phải tiếp xúc với nước mặn khiến da chân, tay người nào người nấy chai sần lên như da cóc, nứt nẻ khắp nơi. Nhiều đêm về tui không sao ngủ được do các vết nứt bị muối cắn vừa đau vừa xót”. Theo nhiều diêm dân, làm muối dù là thủ công cũng phải thông qua nhiều công đoạn nhọc nhằn như: Bơm nước biển vào ruộng rồi đợi khoảng 7 đến 10 ngày cho nước bốc hơi hết, sau đó sới muối rồi loại bỏ các chất tạp bẩn  rồi mới thu hoạch.

Mọi năm vào tháng 7 , bà con Thiềng Liềng đã sản xuất được hàng ngàn tấn muối, nhưng năm 2014 vừa qua chưa được 700 tấn. Biết là  làm không đủ ăn, nhưng rồi bỏ ruộng thì xót, nên cũng phải ra đồng. Thời tiết  thất thường, giá bán rẻ mạt (chỉ 400.000 đồng/tấn). Để cào được một tấn muối phải mất 8 công lao động, như vậy mỗi ngày một công lao động chưa được gần 50.000 đồng, đây là mức thu nhập của những người cận nghèo. Biết vất vả là thế, nhưng không làm muối thì những lao động nữ ở đây không còn lựa chọn nào khác.

Chị Nguyễn Thu Thanh tâm sự: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy mọi người làm muối rồi, ở cái vùng đất mặn đắng quanh năm này không cây gì sống được thì biết làm nghề gì khác. Nếu là đàn ông thì còn theo các thuyền đi biển đánh cá chứ nữ thì chỉ làm muối thôi. Thế nhưng, có trang nắng suốt năm, suốt thàng trên cánh đồng muối cũng chẳng ai giàu được đâu, may lắm thì chỉ đủ ăn thôi”.

Bà Nguyễn Thị Nhung, 52 tuổi buồn bã hơn: “Ra Thiềng Liềng đã mấy chục năm, gần hết cuộc đời gắn bó với nghề, chưa bao giờ thấy có ngày sung sướng. Ngày nắng, tôi và hai đứa con gái lớn làm cật lực được khoảng 80 kg muối, bán được 120.000 đồng. Tính ra, mỗi người chỉ được có… hai bát phở! Đó là bà Nhung nói về công xá của lao động chính, chứ chưa kể tới con cháu nhỏ, người già yếu – những người ăn theo trong gia đình – không biết ăn vào đâu. Càng nắng càng phải làm thì mới có gạo ăn. Những ngày trời mưa, ngày ít nắng thì… đói dài.  

           Phụ nữ thì mặn chát đời muối là thế, còn đàn ông cũng trầy trật với việc đánh cá. Gia đình anh Trần Văn Toản, có 5 nhân khẩu di cư từ miền Tây đến Thiềng Liềng năm 1989, nhưng vẫn đang ở trong túp lều xập xệ. Ngày biển không động xách lưới đánh bắt ven bờ cũng chỉ được mấy kg cá vụn. Cá lớn thì bán để mua gạo, rau, mắm…cá nhỏ thì để ăn. Giọng rầu rầu, anh Toản nói: “Năm nay gần như chưa khi nào gia đình tôi có tiền triệu trong nhà. Ky cóp được mấy trăm ngàn vợ ốm con đau một trận là hết. Hoàn cảnh như gia đình tôi ở Thiềng Liềng nhiều lắm”.

Mặn chát bám muối mưu sinh ở Thiềng Liềng.

Lửng lơ những phận người.

Đầu năm 2014, dự án điện mặt trời được triển khai lắp đặt ở Thiềng Liềng phần nào xua bớt cảnh tăm tối cho người dân. Song những thân phận nghèo nàn sống trong những căn nhà vạn tạm bợ vẫn gợi lên nhiều khát vọng và đầy ám ảnh. Mới ghé thăm mấy hộ dân trên đảo Thiềng Liềng mà đã ba lần tôi bị thụt chân xuống sàn nhà.

Thấy cảnh tưởng đó, anh Toản lý giải: “Do chú chưa quen, nên bước vào chỗ ván mục mới bị thụp, chứ chúng tôi quen rồi nên không việc gì. Nhà gỗ thế này cho tiện, lại rẻ. Khi nào có điều kiện mới xây nhà kiên cố được, mà chắc điều này còn ở xa xôi lắm. Biết nhà ván mà còn làm ở mép biển hoặc rìa đảo là nguy hiểm nhưng chưa có tiền để thay”.

Ông Nguyễn Văn Đức giãi bầy: “Nhà ván nhiều khi bất tiện lắm. Tôi cũng muốn xây nhà khác trên trung tâm đảo nhưng mùa vừa rồi dư được 5 triệu đồng thì trả nợ hết mất rồi”. Những ngày này, các chủ hàng quán ở trung tâm xã như cứu tinh của đảo Thiềng Liềng. Năn nỉ mua chịu nhu yếu phẩm với giá cao, giật chỗ này đắp đổi chỗ kia. Nhưng lắm lúc cũng bẽ bàng vì bị từ chối thẳng thừng.

Chị Nguyễn Hà Thu trầm ngâm: “Khó khăn quá mới phải đi mua chịu với giá gấp rưỡi bình thường, nhưng nhiều khi họ còn cứ nguây nguẩy xem mình như người đi xin nên tủi thân lắm. Có lẽ phải tìm cách học thêm một các nghề khác nữa để khi rãnh rỗi vào đất liền mưu sinh. Là một ấp xa nhất của xã đảo Thạnh An, Thiềng Liềng nằm biệt lập và cách trung tâm xã hơn một giờ đi đò..

Cả làng đảo chỉ có vài phòng học.

 Gập ghềnh tìm chữ.

Do nằm ở vị trí biệt lập như vậy nên việc đi lại của người dân và học tập của con em trong ấp gặp rất nhiều khó khăn. Đa số học sinh đều phải nghỉ học giữa chừng. Cả ấp có duy nhất một phòng học mẫu giáo cho tất cả các lứa tuổi mầm non theo học. Và 4 phòng học cấp tiểu học. Khi học hết tiểu học thì hành trình tiếp tục đi tìm con chữ của các em gặp phải những khó khăn rất lớn. Từ lớp 6 đến lớp 9 các em phải ra trung tâm xã học.

Cái tuổi từ 12 đến 15 cái tuổi đáng ra được cha mẹ đưa đón mỗi buổi học, cái tuổi các em còn chưa biết làm gì để tự lo cho mình, nhưng ở đây các em lại không được may mắn như thế. Mỗi ngày đi học các em phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị đi học cho kịp chuyến đò duy nhất. Nếu chậm giờ đò  thì coi như mất buổi học ngày hôm đó,.Khi lên trên đò  trời còn nhá nhem tối, nhìn những khuôn mặt các em còn ngái ngủ thật đáng thương. Một số em tranh thủ ngủ thêm trong khi đò chạy, chính vì thế đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra.

Hiếm hoi lắm mới có vài học sinh học đến lớp 6.

Người dân vẫn khát khao được đầu tư một chiếc tàu gỗ kiên cố và chắc chắn. Ngồi cạnh em học sinh tên Thiên,tôi hỏi chuyện về mỗi ngày đi học, em nói rằng “:Nhà em ở xa nên em thường thức dậy lúc 3 giờ, sửa soạn quần áo sách vở để ra đò cho kịp. Khi nào đến trường thì lấy nắm cơm mang sẵn ra ăn sáng rồi vào lớp”. Lúc đi học là thế, còn khi tan trường cũng khổ ải không kém.

Theo chân các em học sinh, tôi đến trường tiểu học Thạnh An. Khi nghe tôi hỏi về tình hình học tập của các em học sinh và đời sống của người dân địa phương, thầy Nguyễn Văn Phụng,tổ trưởng khối 4 tâm sự: “Ở Thiềng Liềng phần lớn các gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo nên việc học của con em họ rất chông chênh. Hiếm có em nào học hết lớp 7. Giá như Nhà nước hỗ trợ cho chiếc thuyền gỗ, hay chiếc tàu thì hay quá.

Thầy Phụng ước nhà nước cho chiếc thuyền để bớt đi số học sinh mù chữ. 

Tiền đò, tiền sách, bút viết, áo quần…nhiều khi các gia đình không khảm nổi nên đành cho con nghỉ học." Khi được hỏi về những mong ước của giáo viên và học sinh ở đây thầy Phụng giãi bầy: “ Đời sống của nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn, mong Nhà nước có  chính sách để hỗ trợ cho người dân ở đây thoát nghèo. Về nhà trường do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và đang xuống cấp nghiêm trọng nên mong muốn được cấp trên quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện tốt hơn cho con em trong đảo có điều kiện học tập để không bị thua thiệt hay lâm cảnh mù chữ."

Giờ ra chơi các em học sinh đang chơi đùa rất vui vẻ, tôi hỏi chuyện một nhóm học sinh lớp 5, em Đỗ Thị Kim Xuyến nói: “Gia đình em có 4 chị em,2 chị đầu đều mù chữ do nghèo. Nhiều gia đình khác ở Thiềng Liềng cũng thế. Ăn không có lấy chi mà học. Mùa làm muối thì ba mẹ và chị đi làm cả ngày chiều tối mới về nên buổi trưa đi học về 2chị em em ăn cơm nguội mà mẹ chuẩn bị từ sáng, xong rồi lại đi học. Nhiều hôm không có tiền đi đò nên phải nghỉ. Cứ thế này chẳng biết học thêm được mấy ngày nữa”. 

MỸ NGA- PHƯƠNG NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh