THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:30

Biển Hồ mùa nước nổi

Tour du lịch siêu tiết kiệm của Vietravel đến đất nước chùa Tháp không có chương trình tham quan Biển Hồ. Theo thông báo của hướng dẫn viên người Campuchia, muốn thăm làng chài của người Việt, du khách phải trả 20 USD và cũng phải từ 10 người trở lên mới đủ chi phí vé tàu, xe cho hành trình ngoài kế hoạch. Đoàn khách có 24 người mà chỉ non nửa số đó hưởng ứng. Vậy là, sau khi tham quan Angkor Wat và Angkor Thom, nhóm khách đi Biển Hồ giải quyết chớp nhoáng bữa ăn trưa, đúng 13 giờ 30 phút, chúng tôi lên xe rời TP. Siêm Riệp. Trên đường đi, tài xế dừng xe tại một đại lý bán hàng tạp hóa ở gần cầu cảng Chon Kha Nía để đoàn khách mua vở, bút, mì tôm… mang ra tặng cho trường học miễn phí trên Biển Hồ… 

Đã nhiều lần nghe nói về cuộc mưu sinh nhọc nhằn của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà nổi dập dềnh trên sông nước, quần tụ với nhau thành một làng chài. Gọi là nhà cho sang, thực ra đó chỉ là những chiếc ghe, thuyền, bè cá nhếch nhác, sập xệ.

Một góc làng chài trên Biển Hồ.

Theo lời hướng dẫn viên người Campuchia, Biển Hồ dài chừng 80km, rộng 40km, lấy nước từ một nhánh của sông Mekong. Vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5) Biển Hồ đẹp và nông, rộng khoảng 10.000 km2.

Đến mùa mưa (từ tháng 6), nước hồ dâng cao, diện tích Biển Hồ khi lũ lớn rộng tới 16.000km2, nhiều nơi sâu 8- 9 m, gây ngập lụt toàn khu vực, đây chính là nơi người Việt sinh sống.

Khách du lịch tìm hiểu về Biển Hồ.

Nếu tính cả tỉnh Kampong Chnăng, hướng dẫn viên bảo rằng, có gần 11.300 hộ với khoảng 56.000 nhân khẩu là người Việt; tính riêng làng chài- nơi chúng tôi đến, cũng có khoảng 500- 700 gia đình với chừng 3.300 nhân khẩu. Họ từ An Giang, Đồng tháp, Tây Ninh..., ngược sông Tiền, sông Hậu lên Biển Hồ theo dòng Tonle Sap. Đến nay, nhiều người chẳng rõ gia đình mình đã sinh sống qua mấy đời ở làng chài này.

Mưu sinh trên Biển Hồ vốn đã nhọc nhằn nay càng khó. Mấy năm qua, chính phủ Campuchia cấm đánh bắt khoảng 8-9 tháng trong năm để bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên, việc nuôi cá bè tại chỗ cũng bị cấm vì gây ô nhiễm môi trường.

Công việc chài lưới khó khăn, ngư dân người Việt theo nhau bỏ lên bờ kiếm việc làm thuê, để lại vợ con ở nhà kiếm tiền bằng cách đeo bám khách du lịch xin mấy đồng bạc lẻ.

Việc đánh bắt tôm cá và nuôi thả tại chỗ trên Biển Hồ giờ bị hạn chế, cuộc sống người dân làng chài vì thế càng khó khăn hơn. 

Đeo bám khách du lịch để xin tiền.

Đang là mùa mưa, nước Biển Hồ cuộn dòng đỏ ngầu, lũ từ thượng nguồn đổ về kéo theo bạt ngàn bèo tây, chúng quấn chặt từng căn nhà nổi và bít kín lối đi của ghe thuyền. Chỉ dòng nước màu đất đỏ, hướng dẫn viên buông tiếng thở dài: “Ngư dân làng chài từ ăn uống, tắm giặt đều dựa vào nguồn nước đục ngầu ấy. Cuộc sống cơ cực khiến ai nấy cùng đen trùi trũi, lũ trẻ vài ba tuổi hầu như chẳng có mảnh vải che thân”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thái (áo trắng bên trái) đã ba đời sống trên Biển Hồ, giờ không rõ quê quán ở đâu. Ngồi cạnh chị Thái là Nguyễn Thị Lý (2 con), mới 21 tuổi mà già như người ngoài 40.

Cộng đồng người Việt trên Biển Hồ đa phần không biết chữ, nhiều người nghe ông bà nhắc đến quê quán mà chưa một lần hồi hương. Mưu sinh khó khăn nhưng nhà nào cũng nhiều con, phụ nữ 30 tuổi có 5- 7 con là thường tình. Gặp tôi ở điểm dừng chân của khách du lịch trên Biển Hồ, chị Nguyễn Thị Thái (31 tuổi, 7 con) nói giọng buồn: “Cách đây hơn chục năm, trước khi mất, má của em dặn lại rằng, ông bà nói quê gốc ở Tây Ninh, nhưng cụ thể ở làng, xã nào thì má không nhớ.

Giờ em muốn con cái được học chữ để sau này tìm đường về quê...”. Ước mơ là vậy, nhưng nói về cuộc sống trước mắt, chị Thái khẽ khàng: Nghề đánh bắt cá tôm của chồng em (Nguyễn Văn Sóc, PV) giờ thất bát, tiền ăn không có lấy đâu tiền thuê xuồng đưa con tới lớp. “Vậy còn ghe nhà?”- Tôi hỏi. Chỉ tay về biển nước mênh mông bị phủ kín bởi bèo tây, chị Thái nói: “Ghe nhà nhỏ lắm, không vượt sóng, rẽ bèo để đến trường học miễn phí được...”.

  Trường tiểu học chị Thái nhắc đến được làm bằng ba cái bè kết lại, do ông Tư - người quê Tây Ninh sáng lập và Quân khu 7 làm tặng. Cách đây mấy tháng, ông Tư bị tai biến nhẹ, trở về Việt Nam trị bệnh, giao trường lại cho thầy Thái Bá Sơn quản lý. Làng chài Biển Hồ có hàng ngàn đứa trẻ thất học, nhưng trường học chỉ đủ điều kiện tiếp nhận 314 học sinh, với 5 giáo viên (3 nam, 2 nữ), học từ thứ hai đến thứ 7 hàng tuần. Hôm chúng tôi đến nhằm đúng ngày chủ nhật nên học sinh nghỉ học.

Tuy vậy, vẫn có hàng trăm học sinh bán trú tập trung tại trường để đón khách du lịch. Cũng dễ hiểu, ngày 3 bữa ăn cũng như việc dạy và học của thầy, trò nơi đây hoàn toàn dựa vào nguồn tài trợ của du khách đến thăm Biển Hồ. Vì thế, tiền lương và phụ cấp cũng không có trong khái niệm của các giáo viên. Để “hợp lý hóa gia đình”, mới đây thầy Sơn đã đưa Vợ sang cùng sống trên Biển Hồ. Hiện tại chị làm công việc nấu ăn, giặt giũ cho học sinh bán trú.   

Thầy Thái Bá Sơn nhận quà tặng gồm mì tôm, vở viết từ khách du lịch. 

 Được học cái chữ, nhưng tôi mường tượng ra rằng, tương lai của những đứa trẻ may mắn hơn trong làng chài người Việt rồi cũng trôi theo dòng nước đục ngầu như cuộc đời của ông bà, cha mẹ chúng vậy. Bởi, trường học miễn phí trên Biển Hồ cũng chỉ dạy kiến thức đến hết lớp 5, sau đó các em lại trở về với gia đình. Nghĩ đến điều này mà thấy xót xa....

HẢI NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh