THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:48

Những cô gái một thời “cưỡi voi” ra trận

 

Nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn năm xưa.

 

Năm 1966 -1967, Đế quốc Mỹ chủ trương tăng cường chiến tranh phá hoại hậu phương miền Bắc nước ta bằng lực lượng không quân, nhằm ngăn chặn các tuyến giao thông vận tải chi viện cho miền Nam, đặc biệt đường 12-trục đường chủ yếu lên Tây Trường Sơn. Trước tình hình đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559  ra Nghị quyết “Tập trung lực lượng với số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm vào sâu các hướng chiến trường”, đồng thời đưa ra quyết định táo bạo, thành lập đơn vị nữ lái xe tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí. Binh trạm 9, Binh trạm 12 được giao tuyển chọn gấp 35 chị lái xe, 5  chị thợ sửa chữa máy điện từ lực lượng thanh niên xung phong và bộ đội ở các binh trạm về đào tạo lái xe trong 45 ngày. Tất cả đều được biên chế vào một trung đội độc lập mang tên nữ Anh hùng Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh, trực thuộc Tiểu đoàn 204 Đoàn 500 đóng tại miền Tây giáp ranh với địa phận Hà Tĩnh-Quảng Bình, do chị Phùng Thị Viên làm đội trưởng. Đơn vị được giao nhiệm vụ chở hàng từ Vinh (Nghệ An) và giao hàng tại các kho, trạm trên tuyến đường 12, 18, 20, 22, nhận xe từ cửa khẩu biên giới phía Bắc bàn giao cho chiến trường miền Nam, chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc chữa bệnh, an dưỡng, học tập. Tuyến hoạt động  của đội nữ lái xe chủ yếu từ Bến Thủy đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm phải vượt qua như: Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng trời, đèo Phulanhich… những nơi được gọi là “trọng điểm của trọng điểm”, là túi bom mà địch đánh phá ác liệt gần như 24/24 giờ. Dù chỉ được học lái gấp trong 45 ngày, nhưng các chị ai cũng biết lái đủ các loại xe từ Gaz 51, Gaz 63, cho đến Zin 157, loại nặng nhất có đầu tời chuyên để cứu các xe gặp nạn.

Tác giả Lưu Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Hòa.

 

Bà Hòa cho biết, với tuổi đời rất trẻ, chỉ mười tám đôi mươi, sức vóc nhỏ bé lại lần đầu xa nhà, nhưng những cô gái nhận nhiệm vụ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn như bà đã vượt mọi thiếu thốn về tình cảm, khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe điều khiển những chiếc xe vận tải lớn. “Để đảm bảo an toàn và bí mật, đoàn xe chủ yếu hành quân vào ban đêm, xuất phát từ lúc 17 giờ chiều hôm trước, quay trở về đơn vị lúc 5 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi phải đi trong đêm bằng ánh sáng mờ của “đèn rùa”. Đường đất trơn lầy, một bên là núi, một bên là vực thẳm qua các trọng điểm máy bay địch đánh kiểu hủy diệt, người và xe có thể lao xuống vực hoặc nổ tung, sống và chết cách nhau trong gang tấc. chính vì thế mà trước những chuyến đi, nhiều chị được đơn vị làm lễ “truy điệu sống”.  Vượt lên tất cả những khó khăn, gian khổ là lòng dũng cảm và sự mưu trí, các chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao. Ý chí quyết tâm của trung đội được thể hiện qua các cuộc thi đua “ Tăng cung, vượt tuyến”, “Đầu xe Hồng Gấm”, “Tay lái 8/3”... “Là con gái lái xe, nhiều thời điểm xe hỏng, đường rừng hoang vắng không dám một mình xuống sửa. Mấy anh nam lái xe đi qua bảo lùi xe nhất quyết không lùi, bảo xe không có số lùi, các anh sửa chữa hộ để rồi cùng tiến. Chúng tôi còn là những hộ lý, xoa dịu những nỗi đau của các thương binh trên đường đưa đồng đội về trạm điều trị... ”- bà Hòa xúc động kể.

Đầu năm 1972, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255 (thuộc Cục Quản lý xe máy). 40 cô gái lái xe trở thành giáo viên đào tạo cho 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ. Đội quân này tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận. Tại đây, đại đội nữ lái xe C13 được thành lập với nòng cốt là trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên nữ.

Trong ký ức của bà Hòa, các chị em trong trung đội sống với nhau như người một nhà: “Có lần đi hành quân dài ngày, phải ngủ lại trên đường rừng, chị Viên (Đại đội trưởng Đại đội nữ lái xe Phùng Thị Viên) biết tôi sức khỏe yếu, không thể ngủ dưới gầm xe vì mùi xăng dầu, chị đã tìm một nhà dân xin cho tôi ngủ nhờ. Lo cho tôi chỗ ngủ ấm cúng xong, chị Viên quay lại ngủ với cả đội dưới gầm những chiếc xe vận tải. Nằm trong nhà ấm, nghĩ thương các chị ngủ ở ngoài trời, tôi trằn trọc rồi bật dậy trở ra với đội. Đêm hôm ấy, mọi người nhường tôi ngủ trên cabin xe, mấy em còn dặn nhớ mở cửa cabin cho đỡ bí hơi. Đó là những ký ức mãi mãi tôi không thể quên. Khi chị Viên ốm nặng, đơn vị chúng tôi có tập trung khá đông  quây quần bên giường bệnh. Chẳng ai cầm được nước mắt khi chị nắm chặt tay tôi mà dặn rằng: "Đời có thể quên chúng mình, nhưng chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau nhé!”.

Đại đội nữ lái xe Trường Sơn trong lần gặp gỡ lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

 

Sau này, đội nữ lái xe được điều về trường đào tạo lái xe đi tập luyện tham gia lễ duyệt binh năm 1973, 1975, điều khiển những chiếc xe chỉ huy, xe thông tin, xe kéo pháo 157. Đất nước thống nhất, trung đội nữ lái xe người phục viên, người tiếp tục làm bạn với tay lái. Có người được hưởng cuộc sống yên ấm bên gia đình, nhưng cũng có người được làm mẹ không làm vợ, người làm vợ không được làm mẹ, có người ở vậy không lấy chồng. Trong 40 cô gái, 19 người trong số họ là thương binh, 5 người mất vì ung thư bởi chất độc hóa học, cơ thể nhiễm chì bởi nhiều lần dùng miệng để hút xăng giữa rừng già.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Chính ủy Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) tâm sự, đến bây giờ mỗi khi nhớ về ký ức những ngày ở Trường Sơn, ông vẫn xúc động và khâm phục sự dũng cảm của đội nữ lái xe, họ đã kiên cường vượt cung tăng tuyến đều đặn vào ra, không để nhỡ giờ, nhỡ ngày của kế hoạch vận chuyển và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Đó là những cô gái một thời “cưỡi voi” ra trận. Họ xứng đáng là những dũng sĩ “đại bàng” của Trường Sơn”

Ghi nhận những chiến công của những cô gái quả cảm, năm 2014, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,  đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng và Nhà nước cũng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến cho nhiều chị.

Lưu Hồng Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh