THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Những bất cập trong giáo dục học sinh khuyết tật

 

Một giờ học của học sinh khuyết tật trường Bình Minh (TP. Hà Nội).


Trong 20 năm thực hiện Nghị định 26/CP ngày 17/4/1995 của Chính phủ về giao nhiệm vụ “Dạy văn hóa cho TKT, bao gồm cả trẻ điếc, chuyển sang Bộ GD&ĐT”, giáo dục học sinh KT của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định, số lượng TKT được đi học đã tăng lên hơn 10 lần; quy mô giáo dục TKT đã tăng hơn hẳn so với các năm trước. Tuy nhiên, dù số lượng TKT được đến trường đã cải thiện hơn trước nhưng vẫn còn nhiều trẻ chưa có cơ hội tiếp cận giáo dục.

Đa số cán bộ quản lý trường học và giáo viên đã nhận thức rõ các chính sách hiện hành về giáo dục cho TKT, song vẫn còn 30% các trường được khảo sát nhận thấy chưa làm tròn trách nhiệm liên quan đến TKT. Lãnh đạo nhà trường và các giáo viên vẫn đang bối rối, chưa sẵn sàng nhận TKT vào học, nhất là khi họ không hiểu rõ chính sách cùng nguồn hỗ trợ hiện có cho việc thực hiện giáo dục hòa nhập. Bên cạnh đó, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với TKT vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục. Lãnh đạo nhiều trường cho biết, thiếu kinh phí là rào cản lớn nhất khiến họ chưa làm tròn trách nhiệm theo quy định và thiếu kiến thức chuyên môn. Việc thiếu giáo viên dạy TKT cũng là một cản trở cho sự hòa nhập của TKT trong trường học.

 

Giờ học âm nhạc của học sinh khuyết tật.


Hiện Việt Nam có 4 cơ sở chính đào tạo giáo viên về giáo dục chuyên biệt là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, CĐ Sư phạm Trung ương, CĐ Sư phạm Trung ương 2. Đến nay mới chỉ có ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ giáo dục chuyên biệt; chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành này tại Việt Nam. Nhiều giáo viên cho biết, họ không được tập huấn về giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt hay về vấn đề KT.

PGS, TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, giáo dục TKT đang phải đối diện 5 thách thức lớn, kèm theo đó là các điều kiện giáo dục TKT ở các vùng, miền không đồng đều, có nguy cơ tăng do ô nhiễm môi trường sống, tai nạn và gia tăng dân số. Từ đó dẫn đến chưa hình thành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và sự phối hợp giữa các ban, ngành để lôi cuốn sự tham gia, hợp tác của toàn xã hội.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu, đến năm 2020 cả nước có 75% NKT được học hòa nhập (tương ứng vùng thuận lợi tỉ lệ này là 80%, vùng trung bình là 75%, vùng khó khăn là 65%). Đến năm 2030, tỉ lệ chung là 80% NKT được học hòa nhập. “Chúng ta cần chú ý tới việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực là NKT có khả năng phục vụ cho giáo dục TKT. Trên cơ sở điều tra, xác định số lượng và khả năng của NKT sẽ lập kế hoạch, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng họ như những nguồn nhân lực phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục TKT”, PGS, TS Phạm Minh Mục cho biết.

 

Luyện chữ cho học sinh khuyết tật.

Bên cạnh các giải pháp về giáo viên cũng sẽ có các giải pháp khác đi kèm, như chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo và giáo viên về trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục với TKT. Mặc dù điều kiện vật chất, con người, nguồn lực của nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu thốn, nhưng việc tạo cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục cho trẻ KT vẫn là điều cần làm, giúp các em hòa nhập cộng đồng và có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, qua đó giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

 

 

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng Phòng Chính sách (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH), nước ta có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, NKT tật nặng chiếm 28,9%, có 28,3% NKT là trẻ em, 10,2% NKT là người cao tuổi...

Kết quả nghiên cứu do Bộ GD&ĐT, ĐH Toronto, Đại sứ quán Australia và UNICEF thực hiện cho thấy, năm 1996 cả nước có 42.000 TKT được đi học, đến năm 2015 có 500.000 TKT được đến trường.

C.H / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh