THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:39

Chuyện học chữ ở Đơn Glê

 

Cả làng không có học sinh cấp ba

Chúng tôi đến làng Đơn Glê, vào đợt cao điểm của hạn hán, hoa màu héo quắt, chết khô vì thiếu nước, khiến cuộc sống của người dân nơi đây lại khó khăn hơn bội phần. Đường dẫn vào làng Đơn Glê bụi mù mỗi khi có gió hoặc xe cơ giới chạy qua. Dọc đường vẫn còn những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa mà đáng lẽ giờ chúng phải ở trường theo học con chữ. Đơn Glê là làng kinh tế mới của người Mông, người Dao… từ các tỉnh vùng núi Tây Bắc vào Đam Rông định cư, dựng làng sau năm 2000. Họ dời cố hương với mong muốn thay đổi được cuộc sống. Toàn làng Đơn Glê có 123 hộ, với 627 nhân khẩu, trong đó 155 trẻ đang theo học từ mẫu giáo tới cấp 2. Hầu hết họ đến Đơn Glê lập nghiệp với hai bàn tay trắng cùng vốn kiến thức sản xuất ít ỏi. Trưởng làng Lý Ngai Sén cho biết, cuộc sống của người dân địa phương quanh năm chủ yếu dựa vào cà phê với thu nhập rất bấp bênh. Để trang trải cuộc sống, phần lớn những gia đình trong làng đều phải đi làm thuê ở nơi khác nên việc học tập của các em càng gặp nhiều khó khăn hơn.

                                                   Điểm trường Đơn Glê

Ông Lý Ngai Sén, Trưởng làng Đơn Glê, chia sẻ: “Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, kiến thức còn hạn chế, cuộc sống còn nghèo khổ cho nên họ chỉ biết tập trung vào đi làm thuê kiếm tiền để có cái ăn, ít ai dành thời gian quan tâm tới việc học hành của con cái . Trẻ em trong làng đi học khó khăn nhất là đường sá xa xôi, trời nắng gắt thì mệt nhọc lắm vì các em đều phải đi bộ hơn 3km, khi trời mưa thì đường lầy lội hết cả, cây khô ven đường hay bị đổ ngã xuống đường rất nguy hiểm”.

Già làng Mua Bua Sử cho biết, từ trước đến nay học sinh trong làng luôn gặp hai vấn đề khó khăn lớn nhất, đó là người dân không chú ý đến việc học tập của con em mình. Vấn đề tiếp theo là trường học quá xa mà trẻ thì còn quá nhỏ để tự đi đến trường trong khi trong làng chủ yếu là trẻ bậc tiểu học. Số học sinh tiểu học ở trong làng năm 2015, là 111 em, học sinh trung học sơ sở chỉ có 19 em. Cả làng hiện không có em nào theo học cấp III.

 Giáo viên giữ học sinh bằng lòng say nghề

 Tuổi thơ những đứa trẻ làng Đơn Glê gắn liền với vất vả, nhọc nhằn, không ít em đang trong độ tuổi đến trường bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình. Do đó, học sinh trong làng chỉ học hết cấp II là ở nhà giúp gia đình lo miếng cơm, manh áo, ít năm sau thì xây dựng gia đình. Ở Đơn Glê vẫn còn tình trạng đi học hay không là quyền lựa chọn của các em, bậc cha mẹ không hề khuyên răn, định hướng giúp con em mình để nâng cao ý thức học tập. Khi được đặt câu hỏi vì sau không động viên các con đi học chuyên cần, đầy đủ, một phụ huynh trả lời: Nó không muốn học thì chịu thôi!...

 

                                                    Trẻ em Đơn Glê còn chưa mặn mà với con chữ

Cô Đỗ Thị Đản, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, điểm trường làng Đơn Glê, người đã có 21 năm giảng dạy và đang chủ nhiệm lớp 1 cho biết, lớp cô có 33 học sinh, các em thường đến lớp không đầy đủ. Trung bình một tuần mỗi em không đến lớp từ 1 đến 2 buổi vì nhà quá xa trường, lại không được cha mẹ đưa đón. “Nhận thức của người dân ở nơi đây chưa cao cho nên phụ huynh không khuyến khích các em đi học. Chính vì thế, các em thích thì nghỉ thích thì đi, việc học hành phụ thuộc lớn vào ngẫu hứng!..”-cô Đỗ Thị Đản nói.

Cô Vũ Thị Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết, hiện nay số học sinh làng Đơn Glê đang học tại trường là 136 em. Hầu hết các em đều không đi học chuyên cần, thậm chí có một số em nghỉ học luôn vì điều kiện gia đình gặp khó khăn. Để học sinh tới trường học đầy đủ, Ban giám hiệu nhà trường luôn đưa ra những chính sách, biện pháp để thu hút học sinh tới trường. Nhiều năm qua, giáo viên trong trường đã đến từng hộ gia đình để vận động học sinh đến lớp, vận động các bậc phụ huynh quan tâm đến vấn đề học hành của con em mình.

Cô Vũ Thị Nguyên cho biết thêm, để học sinh đến trường đều đặn, không bỏ dỡ việc học hành, nhà trường đang rất mong nhận được sự giúp đỡ hơn nữa của ngành giáo dục huyện Đam Rông, các cấp lãnh đạo về việc hỗ trợ thêm cho các em sách vở để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, đồng thời đáp ứng được chương trình đổi mới giáo dục. Già làng Đơn Glê, ông Mua Bua Sử thì nói: “Ông và toàn thể bà con trong làng mong muốn có một trường mầm non được xây tại làng để trẻ nhỏ đều được đến trường, bố mẹ chúng nó cứ thế yên tâm mà đi làm”.

Thiết nghĩ, để những trẻ em ở Đơn Glê chuyên cần đến trường, cùng với sự động viên, khuyến khích của nhà trường đòi hỏi phải có sự phối hợp, khuyên răn các em, nâng cao ý thức học tập từ phía các bậc phụ huynh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bài và ảnh Mỹ Duyên - Kim Tiền/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh