CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

Nhớ quay quắt Tết xưa


Nhớ quay quắt Tết xưa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tấp xe vào một quán cà phê bụi xinh xắn ven đường, ngồi trên băng ghế nhỏ cạnh vỉa hè, ngắm nhìn những chùm lá reo vui trong nắng mùa đông. Nhìn dòng người ngược xuôi, chị bỗng thấy nhớ da diết về làng quê của mình, nơi cố đô Hoa Lư, Ninh Bình...

Nhớ quay quắt Tết xưa - Ảnh 2.

Ngôi làng nhỏ của chị nằm cạnh dòng sông Vân Sàng, dòng sông huyền thoại là chứng tích ghi lại cuộc hạnh ngộ, món quà "độc đáo" có một không hai mà Thái hậu Dương Vân Nga đã dâng tặng cho vua Lê Hoàn khi ông thắng trận trở về: Lập "Giường mây" tức "Vân Sàng" ngay cạnh bờ sông để "thưởng" cho người chồng yêu sau bao ngày xa cách. Ngôi làng nhỏ của chị có tên Làng Thượng mà tới nay câu thơ bà con đề tặng vẫn còn: "Nước sau Vanh chảy quanh bờ giếng/ Con gái làng Thượng nổi tiếng nết na". Ngôi làng đó cứ vào dịp Tết đến xuân về là thơm ngát hương hoa bưởi, cả làng ẩn mình trong màu trắng như mây của những vòm hoa bưởi tít trên cao, cả đường làng ngõ xóm trải một màu trắng điểm vàng của loài cây sai hoa đó.

Tết quê chị không chỉ dành để người già náo nức ngóng con xa, người trẻ ước mong một mùa đổi thay mới mà trẻ con cũng tưng bừng chạy nhảy mong ngóng Tết đến để được nghỉ học đi chơi, được lì xì, được quần áo mới. Mâm cỗ cúng gia tiên đêm giao thừa được mẹ và chị làm trịnh trọng. Sau đó sắp lên bố sẽ thay mặt cùng cả nhà xếp hàng khấn lạy trời đất, tổ tiên. Lễ xong tất cả vào nhà quây quần, bà thay mặt phát lì xì cho bầy con cháu. Rồi bà bà cháu cháu súng sính áo dài, trang nghiêm khăn nhung vấn tóc bà dẫn đầu cùng đám cháu con đội lễ ra chùa lễ Phật đầu năm.

Nhớ quay quắt Tết xưa - Ảnh 3.

Đêm giao thừa cả làng không ngủ, nghe tiếng lách tách của những mầm chồi xuân nảy hạt vươn mình, tiếng giọt gianh của mưa bụi cầu may rơi đầy không gian nhỏ từng hạt khẽ khàng trên cánh lá ai cũng như đang chuyển mình cùng với nhịp thời gian. Văng vẳng trong không gian tiếng các cụ cầu kinh chúc phúc lành và hương trầm phảng phất quyện với hương trời, hương hoa ngan ngát. Ai ai cũng cùng một cảm giác yêu thương dâng ngập trong hồn và cả trời đất như giao hòa trong không khí thiêng liêng! Ở quê chị dẫu không còn nặng nề việc chọn người hợp tuổi xông nhà nhưng các lễ nghi xem chân gà, không quét nhà mùng Một và giữ gìn đầm ấm để cả năm khỏi "dông" (tức là tránh gặp rủi ro) vẫn còn giữ nguyên.

Ngày mùng Một, bà con chòm xóm tới chúc Tết nhau, con cháu ở xa từ nhà này sang nhà kia rủ nhau một bầy đi lần lượt các nhà trong xóm. Mùng Hai Tết, bọn trẻ lũ lượt kéo nhau đi lễ xa những nơi thờ Phật, thờ Mẫu vừa du xuân đầu năm, vừa cầu may mắn và có cớ để tụ tập sau bao ngày bận rộn, cách xa. Mùng Ba, hò hẹn đón bạn bè, bà con ở xa đến ăn Tết. Nhiều bữa tiệc vừa là hội tụ vừa để tạm biệt cho con cháu chuẩn bị lên đường đi công tác nơi xa...

***

Đã 20 năm kể từ một bữa tiệc đốt vàng ngày mùng Ba Tết xa xưa đó, chị đã khăn gói lên Hà Nội học hành và mải miết với dòng đời xuôi ngược ở nơi quê hương thứ hai này. Giờ đây, khi nắng chưa trở về chiều bỗng thấy rưng rưng một nỗi niềm hoài niệm thiết tha.

Làng chị nay đã thành phường, không còn những mùa hoa bưởi ngát hương phủ một màu mây thơm ngan ngát vào không gian mơ màng của năm mới. Bà và bố chị đã yên giấc ngàn thu, nhiều điều đã đổi thay cùng năm tháng. Nhưng quê hương cũng khoác lên mình những màu áo mới vừa uy nghiêm nét cố đô xưa, vừa thân thương, vừa lãng mạn. Chị cùng bè bạn sẽ lại tụ tập nhau đến từng nhà chúc tết, lại rủ nhau đi lễ cầu may và du xuân trong một không khí thiêng liêng và ấm áp!

Theo THỤC NHI/Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh