THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:24

Chợ Tết: Xưa và nay

 

Rực rỡ những mảng màu Tết xưa

Xưa, để chuẩn bị cho Tết, người ta phải tích cóp, dành dụm cả năm trời. Phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và  mua sắm vật dụng, thực phẩm. Còn lũ trẻ, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố đi chợ hoa để mua hoa, mua quất về trưng Tết.

Đối với người dân Thủ đô, nói đến chợ Tết không thể không nhắc tới chợ hoa Hàng Lược. Trong cái lạnh se se của trời đông Hà Nội những ngày giáp Tết, những đứa trẻ được bố mẹ đèo đi chơi chợ hoa để mua hoa về chưng Tết. Những sắc đào, mai rực rỡ, những bông thược dược cánh to và dày đủ màu sắc, những bông cúc đại đóa vàng rực cả một góc phố. Màu hoa, mùi hương  ấy sẽ theo về những  căn hộ nhỏ và sẽ bừng lên rực rỡ trong những ngày đầu xuân mới, xua tan đi bao mệt nhọc của cả một năm dài lo toan.

 

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, chợ Thanh Mai (huyện Thanh Oai) vẫn giữ được những nét đặc trưng của chợ Tết xưa

 

Sau chợ hoa sẽ là chợ thực phẩm. Sản vật bốn phương được đưa về các chợ để phục vụ người dân Thủ đô mua sắm. Vài chục năm trở lại đây,  Hội chợ Xuân ở triển lãm Giảng Võ được mở ra, không cần phải đi đâu xa, đến đây người ta sẽ thưởng thức từng món ăn Tết, từng hương vị Tết ở khắp mọi miền Tổ quốc từ cái bánh chưng nổi tiếng làng Ước Lễ, mứt Tết cổ truyền Hà Nội, từ hũ rượu ngọt vùng cao Hà Giang, miếng thịt trâu Cao Bằng đượm mùi gác bếp, trái bưởi ngọt Cần Thơ…

Với những người con xa xứ lên thành phố công tác, làm ăn, mua sắm xong sẽ tạm biệt Hà Nội, cả nhà lại về quê cùng ông bà ăn Tết. Về quê, những đứa trẻ lại được lẽo đẽo theo bà, theo mẹ  thăm thú chợ quê. Ở những vùng quê nghèo, chợ Tết đơn sơ và giản tiện hơn với những mặt hàng nông phẩm, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân chất phác. Họ quẩy hàng đi chợ Tết có khi chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy cái rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa. Người chăn nuôi được thì mang cặp trống thiến, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu … Tất tả bận rộn giữa những lo toan, vất vả nhưng chợ Tết vẫn không kém phần huyên náo, xôm tụ với một sắc thái rất riêng.  Với những đứa trẻ sống ở thành phố, một năm mới được về quê một lần vào dịp Tết để thăm ông bà thì rất khó để quên cái cảm giác lạ lẫm, hân hoan khi được cùng bà, cùng mẹ đi chợ Tết, được ngắm nghía những trò chơi dân gian xen giữa gánh gồng nơi góc chợ quê hương...

 

Hình ảnh ông đồ trong những phiên chợ Tết xưa

 

Chợ về, cả nhà mười mấy người mỗi người một chân một tay náo nức chuẩn bị, rôm rả tiếng cười, lanh canh tiếng đũa bát. Đêm 30 Tết, trong cái khoảnh khắc giao thời của năm cũ và năm mới, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa, lan tỏa những hơi ấm, những khoảnh khắc đoàn viên, hạnh phúc …

 Chợ Tết online thời 4.0

Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.  Chợ Tết không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách của cuộc sống trong sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình dịch vụ. Việc chuẩn bị Tết cũng trở nên dễ dàng hơn, cần một tiếng ra chợ hay vào siêu thị là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi vất vả chuẩn bị Tết như xưa. Rất nhiều mặt hàng từ quần áo đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, giò chả, bánh chưng nấu sẵn, các loại đồ khô như măng miến, nấm hương, mộc nhĩ... đã được bày bán la liệt khắp các chợ từ thành phố đến nông thôn trước cả tháng trời. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 27, 28 Tết ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho ba ngày Tết.

 

Chợ Tết online cũng nhộn nhịp không kém chợ truyền thống

 

 Không phải nấu nướng hay sửa soạn công phu nên thời gian chuẩn bị trong những ngày giáp Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi, đủng đỉnh lo công việc cơ quan có khi đến ngày ba mươi mới ra chợ hoặc siêu thị. Thậm chí, thay vì tất tả ra đường để hít khói xe với những quãng đường ùn tắc kéo dài,  vài năm gần đây, các bà nội trợ chỉ ngồi nhà vẫn có thể mua sắm đầy đủ các loại đặc sản, thực phẩm, vật dụng cho ngày Tết ở các chợ Tết online.

Có thể nói chợ Tết bình thường có gì thì chợ Tết online có đủ, cũng nhộn nhịp, sôi động không kém. Loại hình chợ Tết này ngày càng trở nên phù hợp với các gia đình trẻ, không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị trong vòng xoay của công việc trước ngày nghỉ lễ. Chỉ cần  lướt facebook, tra Google một hồi với các từ khóa: Chợ tết online, hoa tết, dịch vụ nấu cỗ tết, đặc sản tết, quà tết, dọn nhà đón tết… là có tất cả những gì người  ta muốn mua sắm. Chỉ cần click chuột vào các trang mua sắm online là đã  đủ cho cả cái Tết với tất cả các loại hàng hóa với giá cả đi kèm và thủ tục thanh toán nhanh chóng. Không phải nghĩ nhiều, tính nhiều, người ta có thể vừa đi chợ, vừa  nghe điện thoại của khách hàng, đầu vẫn đang triển khai các kế hoạch vi vu du lịch cho kỳ nghỉ lễ dài ở một miền đất lạ. Thời đại số giúp người  ta chỉ mất vài phút là đã có đủ tết ở trong nhà. Từ giỏ quà để biếu ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại, cây đào Hà Nội hay cành mai tận miền Nam, hoa quả đặc sản  các tỉnh, thành, bánh kẹo, rượu bia ngoại nhập nguồn gốc đảm bảo, thậm chí cả một mâm cỗ tết tinh tươm… Chỉ sau một cú click chuột, tất cả cứ thế nườm nượp theo các shipper đến tận cửa nhà đúng ngày, đúng giờ dù là đó đã là chiều 30 Tết.

 

Chỉ cần một cú click chuột, mọi thứ sẽ được mang đến tận nơi

 

Đương nhiên, mua hàng mà tuyệt nhiên không cảm xúc, không náo nức mừng vui khi chọn được món đồ ưng ý, khác lắm với cảm giác cầm một món đồ, nâng lên đặt xuống, hít hà khám phá, cảm nhận, giữa không khí của chợ Tết năm nào. Chợ Tết ngày nay do đó cũng không còn không khí đặc trưng đầy màu sắc, tươi vui và đông đúc như một lễ hội như trước nữa. Người mua thì lo làm sao mua thật nhanh để khỏi phải chen chúc, trẻ em gần như không được phép lui tới những chỗ đông người. Chính vì vậy, dù hòa mình trong nhịp sống số, nhiều người vẫn da diết nhớ những hình ảnh đầy màu sắc, những hương vị Tết đậm đặc trong  những phiên chợ Tết xưa

Có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và cũng có những cái Tết không giống nhau của mỗi thời, mỗi người. Bên cạnh những  cái tết online, giữa dòng chảy  của cuộc sống xô bồ, hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình  vẫn cố giữ lại chút gì đó hương vị Tết truyền thống qua việc đi chợ Tết, gói giò, nấu bánh chưng…  để con cái họ được trải nghiệm Tết một cách trọn vẹn. Ngày ba mươi Tết đi qua phố thỉnh thoảng vẫn thấy những bếp củi đỏ lửa bên vỉa hè cho xanh nồi bánh chưng, vẫn bắt gặp những góc chợ Tết đầy màu sắc hay phút giao thừa đi hái lộc, phong tục tảo mộ, lễ chùa ngày đầu năm... Có thể đâu đó vẫn còn có những băn khoăn giữa Tết truyền thống và hiện đại bởi những khoảng cách thế hệ, nhưng sự đan cài đó cũng như là một cách thức  để mỗi người có một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh