THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

Đắk Lắk: Nước ô nhiễm - nơi dùng không hết chỗ lần chẳng ra

 

Nơi nguồn nước bị ô nhiễm giếng đầy nước vẫn khát

Cái nắng oi ả buổi trưa mùa khô hắt vào mặt nóng ran, ông Phạm Đình Dương (SN 1962, thôn Quỳnh Ngọc) đang đẩy xe lôi chở nước từ rẫy về, thở hổn hển: “nước giếng thì dồi dào, nguồn nước bơm lên dù màu nước vẫn trong nhưng chỉ để vài phút là xuất hiện một lớp váng có mùi hôi nồng nặc nên không ai dám dùng. Gần 5 tháng nay dân chúng tôi phải đi lên rẫy cách nhà 1 – 2 km để chở nước. Hiện tại, cuộc sống của hơn 30 hộ dân ở đây đang lao đao vì khát nước sạch. Giờ mỗi ngày gia đình tôi phải mua 3 bình nước để nấu ăn, bên cạnh đó, còn phải chở thêm 3 can 30 lít từ rẫy về để sử dụng cho sinh hoạt thường ngày. Mong các cấp, ban ngành tạo điều kiện cho người dân có nước sạch sử dụng, để chúng tôi yên tâm sinh sống và làm việc. Cũng mong cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm” .

Nước giếng bơm lên trong nhưng chỉ vài phút là nổi váng dầu

Nguồn nước bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà ngay cả hoạt động kinh doanh của người dân cũng trở nên khó khăn hơn. Ông Phạm Văn Thị (thôn Quỳnh Ngọc) buồn rầu: “gia đình tôi kinh doanh quán ăn, nên sử dụng nước sạch rất nhiều. Khi nguồn nước bị nhiễm bẩn, gia đình bỏ tiền ra đóng xe lôi. Mua 1 cái bồn 1000 lít về trữ nước. Sáng sớm và chiều tối tôi lên rẫy cách 2 km để chở nước phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của gia đình. Trước đây mỗi ngày gia đình bán được 45kg bún bây giờ bán chưa được 1/3.

Gia đình ông Phạm Văn Thị trữ nước mưa và mua nước bình lọc về dùng

Đầu năm 2016, một số hộ dân xung quanh khu vực chợ Quỳnh Ngọc, thôn Quỳnh Ngọc, khi bơm nước từ giếng bỗng thấy hôi như mùi khí ga, mặt nước nổi váng. Ban đầu, tình trạng này chỉ xuất hiện ở một vài hộ dân. Đến khoảng tháng 6/2016, tất cả giếng khoan, đào của hàng chục hộ dân ở khu vực lân cận đều chung tình trạng. Mỗi ngày, người dân chấp nhận bỏ tiền để mua nước sạch từ nơi khác hoặc tận dụng nguồn nước mưa sẵn có để sử dụng.

Ông Nguyễn Đức Chơn - phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết: “Sau khi nhận được ý kiến phản ánh và đơn kiến nghị của người dân, UBND xã đã kiểm tra, xác minh và báo cáo thực trạng trên lên UBND huyện Krông Na. Trước mắt, UBND huyện Krông Ana, UBND xã Ea Na thông báo cho các hộ dân xung quanh khu vực giếng nước có nghi ô nhiễm không sử dụng nước giếng để ăn, uống, sinh hoạt, chế biến thực phẩm... Xã cũng có tờ trình và đang được UBND huyện xem xét hỗ trợ kinh phí khoan giếng, lắp đặt máy bơm, bồn chứa nước tập trung và hệ thống đường ống tới cổng nhà các hộ dân để cấp nước cho những hộ gia đình bị ô nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến việc nước bị ô nhiễm thì vẫn đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng”.

Nơi giếng tự chảy nước vào mùa mưa

Những năm gần đây, vào mùa khô tình trạng hạn hán khốc liệt, sông suối trơ cạn đáy, giếng nước cạn kiệt thì giếng khoan của gia đình anh Dương Thanh Anh Tuấn ở buôn Đung, xã Enuôl, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk giống như “nhà máy nước” tự nhiên, cung cấp nước sạch miễn phí cho nhiều hộ dân trong vùng.

Anh Tuấn cho biết, giếng này anh khoan từ giữa tháng 4 năm 2011, sâu khoảng 50 mét với kinh phí hơn chục triệu đồng. Từ đó đến nay, cứ vào mùa mưa đến đỉnh điểm mùa khô (sau Tết Nguyên đán) giếng liên tục phun trào nước lên mặt đất mà không cần phải dùng máy bơm. Anh phải làm hệ thống đường ống dẫn tới một hồ nước nhân tạo cách đó khá xa để tránh tình trạng nước chảy lênh láng khắp nơi gây ô nhiễm. Vào mùa khô giếng không tự chảy lên khỏi mặt đất nhưng đủ nước tưới cho hơn 1 ha cây trồng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho rất nhiều người dân sống xung quanh rẫy anh.

 

Tháng 8/2016, phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với trung tâm Quan trắc Môi trường và Phân tích Môi trường thuộc sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp lấy các mẫu nước tại khu vực bị ô nhiễm ở thôn Quỳnh Ngọc để phân tích, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Tất cả các mẫu nước sau khi phân tích có kết quả: Các mẫu nước đều bị nhiễm dầu mỡ khoáng có hàm lượng từ dưới 0,3mg/l đến 2,72mg/l”.

Lê Nhuận-Ngọc Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh