THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 08:04

“Nhật ký thời chiến Việt Nam”: Rưng rưng ký ức thời bom đạn

Đây là lần đầu tiên, những cuốn nhật ký thời chiến hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách mang tên "Nhật ký thời chiến Việt Nam", với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Bộ sách do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang, được in ấn trình bày đẹp, sang trọng và phải mất 16 năm (2004 - 2020) ông mới hoàn thành công trình tâm huyết này.

“Nhật ký thời chiến Việt Nam”: Rưng rưng ký ức thời bom đạn - Ảnh 1.

4 cuốn sách Nhật ký thời chiến Việt Nam

Trong "Nhật ký thời chiến Việt Nam", không chỉ có nhật ký "Mãi mãi tuổi Hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thủy Trâm", mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác, nhiều bạn chưa được đọc như: "Gửi lại mai sau" của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt, là những trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng:"Nhật ký chiến tranh" của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; "Nhật ký chiến trường" của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; "Những ngày trong vòng vây" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; "Nhật ký vượt Trường Sơn" của TS. Phạm Quang Nghị; "Nhật ký Bê trọc" của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và "Nhật ký đi B" của cố nhà văn Triệu Bôn.

Đặc biệt, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký "Trở về trong giấc mơ" của liệt sĩ Trần Minh Tiến – Chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô Văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký "Tài hoa ra trận" đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân – chàng họa sĩ đẹp trai (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng)…

“Nhật ký thời chiến Việt Nam”: Rưng rưng ký ức thời bom đạn - Ảnh 2.

Những cuốn sổ tay viết nhật ký chiến tranh của các chiến sĩ

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, bạn đọc sẽ gặp những dòng nhật ký như những lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình, bạn sẽ gặp những lời dặn dò như những lời di chúc, những lời thề quyết tâm thắng quân xâm lược, những lời hứa bảo toàn danh dự của những người con yêu quý của Tổ quốc trong cảnh đất nước có chiến tranh, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi…

"Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày từng tháng của các văn nghệ sĩ, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết cận kề bên nhau và hầu như không có ranh giới. Họ thật sự là những người con của Tổ quốc, của dân tộc trong những ngày đạn bom và máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước, và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh.

Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng "sống trong sợ hãi" tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết "tự nguyện" nói ra tất cả điều ấy…" – nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.

“Nhật ký thời chiến Việt Nam”: Rưng rưng ký ức thời bom đạn - Ảnh 4.

4 cuốn sách Nhật ký thời chiến Việt Nam

Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình...

Đánh giá bộ sách "Nhật ký chiến tranh Việt Nam" là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi cho biết: Bộ sách mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi tôi nghĩ, trước sự sống còn của một cá nhân và sự sống còn của một dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đó được chứng minh rõ ràng nhất và bền vững nhất.

HIỀN NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh