THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:41

Nhân rộng mô hình tốt vì người lao động

 

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh tham dự Hội nghị; Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không để gia đình công nhân nào không có Tết.

 

Không để gia đình công nhân nào không có Tết

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017, kinh tế đất nước không chỉ có tốc độc tăng trưởng cao hơn so với nhiều năm, mà chất lượng tăng trưởng, yếu tố bền vững trong tăng trưởng ngày càng rõ. Kết quả này có sự đóng góp không thể thiếu của Tổng LĐLĐVN và công đoàn các cấp. “Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao quyết tâm đổi mới của các cấp công đoàn từ trung ương đến địa phương. Điều này thể hiện qua việc triển khai rất nhiều mô hình mới. Có mô hình được nhận rộng, có mô hình mới bắt đầu, nhưng đều thể hiện sự sáng tạo, đúng như quan điểm của Chính phủ: Để phát triển nhanh, bền vững thì phải đưa ra các mô hình mới, khơi dậy sự sáng tạo của xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn trong thời gian tới cũng như tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Bối cảnh này yêu cầu Tổng LĐLĐVN ngày càng đổi mới hơn nữa. Điều quan trọng là giai cấp công nhân với vai trò tiên phong đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thảo luận cùng các đại biểu tham dự hội nghị.

 

Bên cạnh những thách thức như nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là lao động giản đơn trong các đơn vị dùng nhiều lao động thì cũng có nhiều cơ hội. Cơ hội này sẽ dành cho những người có chuẩn bị trước và nắm bắt được. Phó Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn sát cánh cùng Chính phủ để chỉ rõ cho người lao động cần phải làm gì trước bối cảnh mới này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với Chương trình Vì phúc lợi đoàn viên công đoàn, cần nhân rộng mô hình tốt, tránh tình trạng khi làm thí điểm, quy mô nhỏ thì hào hứng, nhưng khi nhân rộng thì lại không được chú ý đúng mức. Để thực hiện tốt thì cần phải làm quyết liệt, quyết tâm năm sau phải cao hơn năm trước; Chính phủ sẽ cùng Tổng Liên đoàn củng cố, nhân rộng các mô hình tốt.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 2018 là năm bản lề, năm đánh giá lại 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển giai cấp công nhân và là năm diễn ra đại hội công đoàn các cấp. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền sát cánh cùng công đoàn đồng cấp; nhìn nhận lại tổng thể các vấn đề liên quan để tận dụng được thời cơ cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp đến, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã họp bàn và có chỉ đạo không để gia đình nào, trước hết là gia đình công nhân vì bất cứ lý do nào mà không có cái Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

Gần 20 nghìn người lao động được công đoàn can thiệp, bảo vệ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, năm 2017 được lựa chọn là “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” nhằm đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cụ thể cho đoàn viên, làm cơ sở để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên mới và gắn kết bền vững đoàn viên với tổ chức công đoàn. Tết Sum vầy 2017 là hoạt động mở đầu cho “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, đã chăm lo cho 3,3 triệu đoàn viên công đoàn với hơn 1.500 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn ký kết 18 đơn vị, mang lại lợi ích cho đoàn viên công đoàn với mức giảm giá từ 5-25%. Các cấp Công đoàn chủ động đàm phán, ký kết 562 thỏa thuận với các đối tác; tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tạo điều kiện cho 786.586 đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đạt trên 83 tỉ đồng...

 

Các đoàn viên công đoàn được mua hàng giảm giá bằng thẻ ưu đãi dành cho đoàn viên.

 

Để bảo về quyền lợi của người lao động, các cấp công đoàn chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với 27.866 bản, tăng 817 bản so với năm 2016; có 1.196 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 275.698 người lao động từ 15.000 đồng trở lên. Tham gia với doanh nghiệp tổ chức 30.641 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng 1 lần, góp phần kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc, bức xúc của người lao động ở cơ sở.

Hệ thống trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật của công đoàn đã nỗ lực tư vấn, hỗ trợ bảo vệ tại tòa án cho 1.565 người lao động, có 19.851 người lao động bị xâm phạm quyền, lợi ích được tổ chức công đoàn can thiệp, bảo vệ...

Để góp phần giải quyết những bức xúc của công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây các dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn, gồm: Nhà trẻ, nhà ở, siêu thị, nhà văn hóa, cơ sở vật chất hoạt động thể dục, thể thao…  Tổng Liên chuẩn bị đồng loạt khởi công 12 thiết chế công đoàn trong năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của Công đoàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đoàn viên công đoàn là công nhân.

 

Năm 2017, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 5,2 triệu đồng, tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2016. Tình trạng nợ lương tuy có giảm hơn, nhưng vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương với tổng số tiền trên 321 tỷ đồng. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền hơn 5.700 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Năm 2017, cả nước đã xảy ra 4.925 vụ tai nạn lao động làm 542 người chết và 4.942 người bị thương.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh