Sẽ kiểm tra liên ngành nếu doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn
- Bài thuốc hay
- 20:19 - 04/09/2017
Theo đó, LĐLĐ Thành phố và Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật Thuế và pháp luật công đoàn. Cụ thể, hai bên sẽ phối họp tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn và Nghị định 191/NĐ-CP do cơ quan công đoàn biên soạn bằng nhiều hình thức như: Gửi thư điện tử tới 100% doanh nghiệp có địa chỉ email kết nối với cơ quan Thuế, qua hệ thông một cửa khi doanh nghiệp đăng ký mới, qua các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
Ngành thuế các cấp sẽ phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, tập huấn chính sách, luật thuế mới của cơ quan thuế, lồng ghép để LĐLĐ quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến Luật và các văn bản hướng dẫn về kinh phí công đoàn đồng thời phối hợp phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật bổ sung về Luật Công đoàn 2012 và Luật Thuế trên trang thông tin điện tử, báo và tạp chí chuyên ngành của hai bên.
Liên đoàn lao động và Cục thuế TP Hà Nội phối hợp bảo vệ quyền lợi người lao động.
Hàng năm, LĐLĐ và cơ quan thuế cùng cấp cũng sẽ phối hợp tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật liên quan đến kinh phí công đoàn và thuế đến CĐCS, các đơn vị, doanh nghiệp, giải đáp hướng dẫn về chính sách, pháp luật cho người lao dộng biết để thực hiện.
Cùng phối hợp trong công tác tuyên truyền, LĐLĐ và cơ quan thuế các cấp cũng sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin để tăng cường công tác quản lý. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan Công đoàn và cơ quan Thuế, chậm nhất ngày 15 hàng tháng, hai bên sẽ trao đổi nội dung phối hợp về tình hình doanh nghiệp mới thành lập; doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể, cung cấp thông tin cho nhau để khai thác và sử dụng thông tin phục vụ cho công tác triển khai thu kinh phí công đoàn có hiệu quả.
Sau khi có dữ liệu hệ thống về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hàng năm, cơ quan thuế hỗ trợ cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, doanh nghiệp có dưới 10 lao động cho cơ quan công đoàn cùng cấp làm cơ sở dữ liệu tham khảo để xây dựng dự toán và đôn đốc thực hiện dự toán hàng năm (thời điểm cung cấp ngày 15/5 hàng năm). Tùy theo mức độ, tính chất của công việc, hai bên có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức trao đổi thông tin như: Văn bản, thư điện tử, trao đổi trực tiếp...
Đặc biệt, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, thanh tra việc đóng kinh phí công đoàn. Trong đó, đối với cấp quận, huyện, thị xã, trên cơ sở danh sách các tổ chức chi trả thu nhập không thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn, LĐLĐ quận, huyện thị xã tính số kinh phí phải nộp thông báo gửi đơn vị yêu cầu thực hiện theo quy định đồng thời chủ động đề nghị UBND quận, huyện, thị xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một số đơn vị đã nhắc nhở nhưng cố tình chây ỳ không thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn, thành phần đoàn gồm đại diện lãnh đạo LĐLĐ, Chi cục Thuế, Phòng Thanh tra, Phòng Lao động thương binh và xã hội, BHXH Thành phố... LĐLĐ quận, huyện, thị xã cũng có trách nhiệm lập danh sách các đơn vị đã kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã mà đơn vị không thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn gửi về LĐLĐ Thành phố.
Ở cấp thành phố, LĐLĐ Thành phố sẽ tập hợp lựa chọn những đơn vị lớn nhưng cố tình chây ỳ không thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn đưa vào danh sách kiểm tra liên ngành Thành phố.
Cục Thuế Hà Nội sẽ cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố về kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn và kiến nghị xử lý những doanh nghiệp cố tình vi phạm trong việc chấp hành pháp luật lao động, pháp luật công đoàn.