Vai trò của công đoàn trong xây dựng cơ quan "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả"
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:55 - 15/12/2017
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Đào Ngọc Thịnh cho biết: Tại hội nghị cán bộ, công chức viên chức của Bộ LĐ-TB&XH vào tháng 3/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phát động xây dựng cơ quan, đơn vị theo phương châm "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả". Từ đó đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã và đang triển khai thực hiện khá hiệu quả phong trào này. Nhằm thực hiện các phương châm ngày một thiết thực hơn, Hội thảo đã tập trung làm rõ thêm các khái niệm, đặc biệt là xây dựng tiêu chí đánh giá và cùng làm rõ vai trò của tổ chức công đoàn.
Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Đào Ngọc Thịnh phát biểu tại hội thảo.
Tổ chức công đoàn hiện nay hoạt động theo 4 nguyên tắc: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; liên hệ mật thiết với người lao động; đảm bảo tính tự nguyện của người lao động và tập trung dân chủ. Với các chức năng chính là đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp.
Trong đó, chức năng đầu tiên là chức năng trung tâm và cũng là mục tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Để thực hiện được chức năng này, công đoàn phải tập trung tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; gắn lợi ích của đoàn viên công đoàn với lợi ích của cơ quan đơn vị. Qua đó, có thể khẳng định công đoàn đóng vai trò quan trọng trong phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị; là nơi lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kịp thời có các giải pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; xử lý các tình huống có nguy cơ làm mất đoàn kết nội bộ cũng như góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức.
Quang cảnh hội thảo.
Theo PGS.TS Mai Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn Lâm KHXHVN, việc làm thế nào để đánh giá một đơn vị đạt được đầy đủ các tiêu chí "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hiệu quả", trước hết cần phải có sự đoàn kết từ bộ máy lãnh đạo, bao gồm các tổ chức Công đoàn, Chi bộ, Đoàn thanh niên; sự gắn bó giữa các thành viên trong tổ chức từ thấp đến cao theo cả chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, phải là người hiểu biết và thượng tôn pháp luật; có quy chế rõ ràng và minh bạch về nội dung hoạt động của cơ quan như quy chế phối hợp giữa các bộ phận, ban ngành, quy chế chi tiêu nội bộ… Cùng với đó là sự tìm tòi, sáng tạo trong công việc để đạt được hiệu quả như mong muốn. Để làm được điều đó, công đoàn phải thực hiện được chức năng của mình là: Cùng quản lý – Cùng chịu trách nhiệm – Tổ chức, động viên và đại diện xứng đáng cho người lao động trong mọi lĩnh vực hoạt động của cơ quan.
Ngoài việc tập trung làm rõ các khái niệm về vai trò, chức năng và quy chế hoạt động của tổ chức công đoàn nói chung, các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của công đoàn trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo Chủ tịch Công đoàn Bộ Đào Ngọc Thịnh: “Khi người lao động muốn biết được lợi ích của mình có được đảm bảo hay không, họ cần phải được biết, được bàn, được làm… nghĩa là mọi hoạt động của đơn vị phải “công khai, minh bạch, rõ ràng”. Một khi những kiến nghị của họ được giải đáp thỏa đáng, quyền lợi của họ được đảm bảo thì họ mới yên tâm làm việc”.