THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:05

Nhận diện bom mìn, vật nổ sau chiến tranh

Nhận biết một số loại bom, mìn

Những loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh gây tai nạn cho con người là đạn M79, bom bi hình cầu và các loại mìn chống bộ binh, đầu đạn pháo cối... Số liệu cho thấy, tỷ lệ nạn nhân là thanh thiếu niên do chơi đùa với bom mìn chiếm gần 30%. Tại tỉnh Quảng Trị, trong 7.000 nạn nhân bom mìn, thì có tới 1.742 em học sinh (chiếm 31,57%), nguyên nhân chính là do các em thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của bom mìn.

Đạn M79 có nhiều loại, hình dáng và cấu tạo khá giống nhau. Đầu đạn có đường kính 4cm, cả viên đạn có ống phóng dài 10cm, khi không còn ống phóng dài 5,5cm. Đạn M79 nổ thường tạo ra các mảnh vụn dày đặc, bắn tung tóe trong bán kính 10m gây thương vong cho người và gia súc. Loại đạn này hiện tại tồn sót ở các dạng: Còn nguyên cả đầu đạn, ống phóng hoặc chỉ còn đầu đạn hình trụ côn vê hai đầu, có màu vàng hoặc sáng bạc óng ánh, bắt mắt dễ khiến trẻ em tò mò chơi nghịch, rất nguy hiểm. Nguyên nhân khiến đạn chưa nổ là do bị hỏng hạt lửa, có thể do đầu đạn được phóng ra khỏi ống phóng nhưng chưa nổ.

Học sinh THCS Quảng Bình được bộ đội công binh hướng dẫn cách nhận biết các loại bom, mìn, vật nổ.

Bom bi hình cầu có hình dáng giống quả ổi, đường kính 6,4cm, vỏ dày 7mm có chứa 300 -360 viên bi thép đường kính 5mm. Đây là loại bom chùm có mức độ sát thương cao đối với con người. Bom bi gây sát thương bằng bi thép, bán kính sát thương dày đặc khoảng 10m, nên trong phạm vi 20m khó tránh khỏi thương vong.

Bom bi hình cầu nằm trong quả bom mẹ. Khi máy bay thả xuống, bom mẹ rơi đến độ cao nhất định thì tách thành hai nửa để những quả bom bi bên trong văng ra rơi xuống, phát nổ. Nguyên nhân khiến những quả bom bi chưa nổ là do ngòi nổ của bom bi mẹ bị hỏng, rơi xuống đất vỡ tung, bom bi văng ra hoặc do máy bay thả ở độ cao thấp nên bom bi rơi chưa đủ lực ly tâm để ngòi nổ bom hoạt động...

Các loại đạn M79, bom bi hình cầu... sót lại sau chiến tranh còn giữ được màu của thép rất bắt mắt, kể cả khi han gỉ, biến dạng nhưng vẫn có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Việc nhận biết các loại đạn, bom mìn là biện pháp chủ động, tích cực hạn chế những tai nạn thương tâm cho con người, nhất là trẻ em, do bom mìn gây ra.

Phòng, tránh bom, mìn phát nổ

Luôn chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo khu vực có thể bị nhiễm bom mìn. Không nên đi vào những nơi bị nghi là nhiễm bom mìn vì bất kỳ lý do nào. Chỉ đi vào những nơi đã được kiểm tra và rà phá kỹ càng.

Không đụng vào bom mìn: Khi gặp bom mìn, tuyệt đối không ném bom mìn đi hay ném bất kỳ vật gì vào bom mìn. Không đá hay đạp bom mìn; không đụng vào bất kỳ vật thể nào trừ khi bạn biết chắc chắn là nó an toàn; không được tháo gỡ bom mìn, không ném bom mìn xuống ao hồ, không đốt bom mìn; không đi vào gần những nơi có dây chăng mìn vì xung quanh có thể có bom mìn; không rà tìm phế liệu chiến tranh; Cảnh báo người khác không đụng vào bom mìn; ngăn không cho người khác đi vào khu vực có bom mìn.

Hỏi người dân địa phương về lối đi an toàn. Một lối đi an toàn là con đường đã được đi lại thường xuyên. Tại vùng có nguy cơ còn sót lại bom mìn, bà con nên đi vào ban ngày khi có thể, vì vào ban đêm khó nhìn thấy được các dấu hiệu cảnh báo bom mìn. Luôn nhìn xung quanh xem có những dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của bom mìn. Những người đi cùng nhau qua một khu vực có mìn nên đi theo hàng một giữa tim đường và nên cách nhau ít nhất một mét. Nếu gặp bom mìn, hãy quay lại bằng con đường mình đã đi vào.

Khi gặp bom, mìn, lựu đạn, đạn pháo hay vật tình nghi là vật liệu nổ gây sát thương cần phải làm theo quy trình sau: Tuyệt đối ko chạm vào vật tình nghi – Đánh dấu nguy hiểm tại khu vực đó và kêu gọi sự trợ giúp cảnh giới; cho ít nhất 1 người đứng cảnh giới không cho người khác lại gần. Người cảnh giới phải đứng sau vật che chắn vững chắc và đảm bảo khoảng cách an toàn; thông báo cho công an phường, xã hoặc xã đội, hoặc đơn vị quân đội gần nhất, để họ xử lý vật liệu nổ.

MINH CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh