THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:38

Tìm hướng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật do bom mìn

Mới được hỗ trợ như NKT

Ông Trần Văn Cường (65 tuổi) ở tỉnh Quảng Trị  bị tai nạn cụt chân trong lần đi cuốc đất trúng quả mìn từ thời chiến tranh. Ông Cường nhớ lại: “Mìn nổ, vợ chồng tôi được hàng xóm đưa đi cấp cứu, nhưng vì nhà xa trạm xá, nên lúc tới nơi chân tôi phải cắt cụt, còn vợ thì hỏng mắt”.

Cuộc sống sau đó của vợ chồng ông rất khó khăn. Nhà có tới 7 khẩu (4 con và mẹ già) nhưng chỉ trông vào 2 sào ruộng. Sau này, ông được địa phương rà soát đưa vào đối tượng người khuyết tật (NKT), mỗi tháng được gần 200.000 đồng trợ cấp.“Tâm nguyện của vợ chồng tôi muốn được Nhà nước hỗ trợ cho đi học nghề, vay vốn để về làm trang trại. Ở đây bà con cũng đang có phong trào trồng tiêu xuất khẩu, nhưng vì thiếu vốn nên gia đình tôi không làm được”- ông Cường trăn trở.

Giống như ông Cường, anh Triệu Văn Nguyên (sinh năm 1980) ở xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), cũng là một trong những nạn nhân của bom, mìn vật nổ sau chiến tranh. Tháng 8/2008, khi lên rừng lấy gỗ về làm nhà, do giẫm phải mìn nên anh Nguyên bị  cụt chân.  Là lao động chính, bị tai nạn do bom mìn nên nhà anh Nguyên luôn xếp vào hộ nghèo của xã. Anh có 3 con, trong đó 1 đứa bị dị tật bẩm sinh, đứa lớn 10 tuổi nghỉ học đi chăn trâu, đứa nhỏ theo mẹ đi hái chè. Hiện trên địa bàn xã Thanh Thủy có 50 người bị tàn tật do bom mìn, đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo mức độ thương tật của NKT, được vay vốn giảm nghèo, nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, ông Hoàng Văn Thông cho biết: Hiện toàn tỉnh có 83% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, hơn 7.000 người là nạn nhân, đều được xếp vào diện NKT và có tiền trợ cấp hàng tháng. Với những NKT nặng không còn người thân, được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chính sách bảo trợ, chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện đối với người bị ảnh hưởng của bom mìn.

Dự án RENEW triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế với tên gọi: “Sứ mệnh của Nấm” dành cho các nạn nhân bom mìn ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). 

Cần hỗ trợ sinh kế

Để hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, đã có những  dự án liên quan và những người bị ảnh hưởng được thực hiện ở khu vực miền Trung, tuy nhiên đều là những dự án riêng lẻ, hầu hết diễn ra trong một thời gian nhất định.

Tại Quảng Bình, từ năm 2011, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai dự án “Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội của nạn nhân bom mìn”. Dự án tập trung tuyên truyền cho người dân cách nhận biết, kỹ năng phát hiện, phòng tránh tai nạn bom mìn cho giáo viên và học sinh của các nhà trường. Thông qua đó, người dân đã thay đổi nhận thức, thay đổi công việc để tránh hiểm nguy như một số người chuyên đi lượm ve chai đã chuyển sang mở cửa hàng tạp hóa, chăn nuôi...

Dự án còn tổ chức hỗ trợ sinh kế cho 36 hộ gia đình là nạn nhân bị tai nạn bom mìn tại 8 xã, phường (19 gia đình được hỗ trợ nuôi bò, trâu, 10 hộ được hỗ trợ nuôi gà, 6 hộ được hỗ trợ nuôi lợn nái và lợn thịt, 1 hộ được hỗ trợ lò làm bánh cuốn). Nhờ được hỗ trợ sinh kế, cấp chiếc “cần câu”, các gia đình nạn nhân bom mìn đã phần nào cải thiện đời sống. Cũng theo ông Hoàng Văn Thông, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình trồng tiêu xuất khẩu để hỗ trợ nạn nhân bom, mìn tham gia sản xuất. Tháng 11/2014, đã xuất khẩu 500kg tiêu qua Mỹ giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn nguồn vốn để tổ chức mở rộng sản xuất”. 

 Trao đổi về việc hỗ trợ NKT do bom, mìn, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thừa nhận thực tế việc triển khai ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. “Hiện nay, chưa có cuộc khảo sát nhằm đánh giá chính xác số nạn nhân bị thương và chết vì bom mìn sau chiến tranh, lập danh sách các nạn nhân, đánh giá nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn thiếu các yếu tố mang tính kỹ thuật như các hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng; chưa đánh giá và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bom, mìn hòa nhập xã hội và tạo việc làm bền vững... Hy vọng tới đây, sau khi nắm bắt được chính xác số nạn nhân bom, mìn cũng như nhu cầu của họ, các cấp ngành sẽ có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả hơn”- ông Tô Đức chia sẻ.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh