CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:15

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Lặn sâu vào đời để bồi đắp trang văn

1. Có tiếng người trong gió là tiểu thuyết mới ra mắt gần đây của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Cuốn tiểu thuyết gây bất ngờ cho nhiều đồng nghiệp và người đọc, khi khai thác đề tài hết sức mới mẻ, chưa tác phẩm nào của văn chương Việt chạm tới, là tổ chức kinh doanh buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia.

Không chỉ gây sự tò mò bởi đề tài, Có tiếng người trong gió dẫn dụ, lôi cuốn người đọc bằng chính sự cao tay trong bày binh bố trận của tác giả. Vượt qua lối viết tiểu thuyết truyền thống kiểu các mảng miếng đánh án được dựng lên kể đơn tuyến từ trước ra sau, Nguyễn Xuân Thủy thành thạo và đầy kỹ thuật khi trình ra ba tuyến chuyện đan quyện vào nhau: câu chuyện người mẹ đi tìm con, câu chuyện xoay quanh linh hồn những đứa trẻ ở nơi có tên là Tuyết Sơn Thạch, và câu chuyện điều tra phá án của cơ quan an ninh. Vừa gây cấn vừa thấm đẫm tình người, tình đời.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định: “Chọn lập trường là ‘phe nước mắt’, cuốn sách phơi mở mênh mông sâu thẳm những thân phận khổ đau – nạn nhân của thứ mà các nhà nhân quyền gọi là ‘tội ác chống lại nhân loại’. Tạo thành công hiệu ứng rùng mình kinh hãi, sau cuối, tác giả cuốn sách vẫn tin và muốn người đọc cùng tin vào tính bản thiện sơ nguyên ẩn tàng trong những tên trùm tội phạm. Giàu khả năng lay động, thanh tẩy. Có tiếng người trong gió, có thể nói, đã chạm đến được mỹ học của cái ác.”

2. Tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 năm 2011, diễn ra trong không khí Tết Trung thu đậm bản sắc đặc trưng của miền gái đẹp Tuyên Quang, nhà văn mặc áo lính Nguyễn Xuân Thủy gây chú ý khi đăng đàn với tham luận Mỗi người viết trẻ hãy là một “thợ lặn” giỏi. Tham luận có đoạn: “Người viết cần lặn vào đời sống, sống hết mình, sống mạnh mẽ, tận cùng, và trách nhiệm, dấn thân vào đời sống để có thể dấn thân trong nghệ thuật.”

Thời điểm ấy, không ít người nghe tham luận trên, tặc lưỡi mà rằng: “Lính có khác. Khẩu khí đấy. Để xem lặn đến đâu.” Thực ra, trước đấy Nguyễn Xuân Thủy đã kịp “lặn” khá sâu khi “dắt lưng” 2 tiểu thuyết, là Biển xanh màu lá - giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ quốc phòng (2004 – 2009) và Sát thủ online - giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống do Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Công an tổ chức (2007 – 2010), cùng vài tập truyện ngắn, bút ký phủ khắp các thư viện trong quân đội.

Có người chỉ làm chứ không nói. Có người nói đi đôi với làm. Có người nói mà không làm. Có người nói một đàng làm một nẻo. Trong cái nhìn của tôi, với văn chương, Nguyễn Xuân Thủy không thuộc trường hợp thứ ba hoặc thứ tư. Thời gian và năng lượng chữ của anh minh chứng cho điều này, rõ ràng và đĩnh đạc.

3. Ngoài đời, Nguyễn Xuân Thủy là người hài hước. Chỗ nào có anh là chỗ ấy có tiếng cười. Cảm giác như trong đầu anh có hẳn một ngăn chỉ để cập nhật và chứa các chuyện tiếu lâm. Để rồi anh hào phóng góp vui cho các cuộc chuyện. Chưa kể, chuyện cười đi ra từ miệng anh thường được khoác thêm màu sắc mới. Dấn thêm bước nữa, nhiều chi tiết/ ngôn ngữ gây cười đi thẳng vào các tác phẩm của anh, tạo hiệu ứng cười tràn theo nhịp điệu chữ. Văn chương Việt trước giờ vẫn bị cho là dè sẻn tiếng cười. Thừa bi kịch u uẩn mà thiếu hài hước trào lộng, nhất là ít dám giễu nhại chính mình. Văn Nguyễn Xuân Thủy “nằm ổ” được trong lòng người đọc, tôi cho là, một phần nhờ có đặc tính này, tiếng cười rất đời và rất người.

Tôi nhớ “trại sáng tác trên mây” của tạp chí Văn nghệ Quân đội được tổ chức ở Sa Pa năm 2013. Sau khi làm lễ khai mạc tại tòa soạn, đoàn xuất phát với đông đủ các anh hào, gồm giàn “đội nhà” Văn nghệ Quân đội như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và các trại viên từ khắp ba miền hội tụ về. Mỗi người là một cây chuyện tiếu lâm. Nhờ vậy xe ngược Tây Bắc trong tiếng cười và cung đường dường như ngắn lại. Nhưng Nguyễn Xuân Thủy vẫn trội hơn hẳn, bởi “ngấp ngoải” rồi vẫn còn chọc mọi người cười. Hồi ấy chưa có đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai nên đoạn đường từ Yên Bái lên Lào Cai mới thấm cảnh đèo dốc và cua gấp. Nguyễn Xuân Thủy có dấu hiệu… say xe. Mặt anh dại đi, chực muốn nôn, vậy mà vẫn còn tếu táo. Anh bảo: “Chuẩn bị rồi… Sắp nôn rồi... Miệng mở ba phân rồi…”. Cả xe cười không nhặt được… miệng.

4. Có thể nói Nguyễn Xuân Thủy đến với văn chương hết sức… hồn nhiên. Truyện ngắn đầu tay anh viết trong khoảng thời gian được đơn vị cử đi ôn văn hóa để thi đại học. Đăng ký thi khối C lại bị đẩy sang khối A. Ngán quá anh quay ra… viết truyện. Viết xong thì không biết có phải là truyện không, nên cất biệt. Hai năm sau, khi dọn đồ đạc để chuyển đơn vị anh gặp lại bản thảo mà đinh ninh đã yên giấc ngàn thu bởi gián nhấm hoặc cóc gặm từ lâu, tiếc rẻ, anh liều mình gửi ra tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và rồi thật bất ngờ, ở nơi chỉ biển với trời khó để có chuyện bất ngờ xảy ra, Nguyễn Xuân Thủy được đồng đội tặng lại cuốn tạp chí đã nhàu nhò bởi ướp đẫm mồ hôi tay của lính và hơi muối của biển, trong đó có in truyện ngắn Hoa biển anh gửi trước khi lên tàu để ra công tác tại một trạm Rada thuộc quần đảo Trường Sa.  

Từ thuở in truyện ngắn đầu tiên trên Văn nghệ Quân đội, năm 2000, đến khi về công tác tại tạp chí này, năm 2012, là hành trình dài với nhiều chặng thử thách đối với người lính viết văn Nguyễn Xuân Thủy. Trở về từ Trường Sa không lâu, nhờ cộng tác với các ấn phẩm trong quân đội, anh được điều về làm Báo Phòng không – Không quân. Chân ướt chân ráo ở Hà Nội, Nguyễn Xuân Thủy vừa làm báo vừa lo học để tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tiếp đấy anh chuyển về NXB Quân đội Nhân dân vài năm trước khi chạm bến đỗ là ngôi nhà văn chương số 4 Lý Nam Đế. Theo dọc dài ấy, anh kịp làm dày lên lý lịch văn học của mình bằng giải A cuộc thi bút ký trên tạp chí Nhà văn (2009) cùng 2 Giải Ba về bút ký và truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội (2004 và 2010).

Trường Sa, với Nguyễn Xuân Thủy không chỉ là chút duyên ở truyện ngắn đầu tay nhờ câu chuyện của đồng đội kể lại mà còn là bước ngoặt trong quá trình cầm bút của anh, với tiểu thuyết Biển xanh màu lá. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả tiểu thuyết mini Đảo chìm đặc biệt duyên, đã không ngần ngại giành cho Biển xanh màu lá những lời ngợi khen: “Biển xanh màu lá đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta (…) Tác giả không dùng bất cứ một mẹo mực kỹ xảo nào của nghệ thuật tiểu thuyết. Câu chuyện cũng chẳng có gì éo le, gay cấn, mà rất bình dị. Bình dị như chính đời sống hàng ngày ở trên đảo. Cảm giác như Nguyễn Xuân Thủy cứ xắn từng mảng đời sống vật lên trang giấy mà không cần phải chọn lọc, hư cấu. Vì thế cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đó chính là vẻ đẹp của sự chân thật.”

Sau Biển xanh màu lá, Trường Sa gọi tên Nguyễn Xuân Thủy thêm lần nữa với cuốn sách dành cho thiếu nhi: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, giành Giải Vàng sách hay năm 2012 của Hội xuất bản Việt Nam.

5. Trở lại chuyện minh chứng ở trên. Càng ngày Nguyễn Xuân Thủy càng khẳng định được mình là “thợ lặn” có ý thức và trách nhiệm, như tham luận anh từng trình bày. Đã qua giai đoạn anh viết bằng “vốn tự có”. Nếu như Sát thủ online chạm đến thế giới tội phạm hình sự trên mạng Internet, thì Nhắm mắt nhìn trời lại khơi trúng vỉa đời sống ven đô trong quá trình phát triển cơi nới mở rộng với trăm sự vỡ ra. Nguyễn Xuân Thủy đánh tan mọi nghi ngờ về khả năng nhập thế, bắt mạch thời cuộc của mình bằng những tiểu thuyết sinh động, bề bộn, nhiều góc cạnh, đầy màu sắc. Quan trọng nữa là, anh không lặp lại mình.

Có tiếng người trong gió tiếp tục nối dài những trang văn nóng hổi hơi thở đời sống của Nguyễn Xuân Thủy. Anh đã lặn sâu vào đời để bồi đắp nên những trang văn. Nhà văn Nguyễn Đình Tú khẳng định: “Với sức sáng tạo dồi dào, Có tiếng người trong gió cho thấy một năng lực tiểu thuyết đang được khẳng định cũng như những ám ảnh từ trang viết của anh là kết quả của một tài năng bắt đầu vào độ chín.”

18/5/2016

Nhà văn Văn Thành Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh