Nhà văn Tô Hoài: Một nhà báo thâm thúy - dí dỏm - cẩn trọng mà thanh thản
- Văn hóa - Giải trí
- 15:47 - 21/06/2016
Vốn mê văn chương và quý trọng các nhà văn lớn của Hội, nên tôi đồng ý ngay. Nhưng khi sang đến nơi, ngoài hôm đầu tiên được đón tiếp nồng nhiệt, mấy hôm sau, anh em xì xào là tôi bị Hà Nội Mới phê phán tội mua lại 1/2 phòng của hai chàng ở chung cùng căn hộ mà cơ quan Hà Nội Mới phân cho 3 người, nên bác Tô Hoài và nhà thơ Bằng Việt... cứu sang Hội (để khỏi phải trả lại 1/2 căn phòng đã mua - hồi đó mua đi bán lại là tội rất to!). Vậy là tôi bị cho “ngồi chơi xơi nước”. Nhà văn Tô Hoài an ủi: “Tôi cũng khuyết điểm quá, cứ nghĩ cô về làm báo bên này là anh em rất mừng, thành ra chưa xin đủ giấy tờ trên thành phố đã kéo cô về. Thôi, cứ nghỉ sáng tác 3 tháng nhé. Với người viết như bọn mình thì đi được là tốt cô ạ”.
Đi sáng tác trong miền Nam về, đã có giấy tờ đầy đủ, tôi chính thức là phóng viên, rồi trưởng ban biên tập, rồi Phó Tổng biên tập và... quyền Tổng biên tập của tờ Người Hà Nội. Lúc đầu, nhà thơ Bằng Việt là Chủ tịch hội kiêm Phó Tổng biên tập, công vệc rất bận nên nhà văn Tô Hoài tuy đã cao tuổi, vẫn là Tổng biên tập và trực tiếp đọc, duyệt bài, xuống nhà in, họp giao ban trên thành phố, gặp cộng tác viên... Cái gì bác cũng làm một cách tỷ mỷ, cẩn thận và chu đáo nhưng vẫn rất thanh nhàn, từ từ không vội vã.
Đã cùng làm báo với nhà văn Tô Hoài nhiều năm, nhất là khi bác là Tổng biên tập, tôi là Phó Tổng biên tập, tôi đã học được rất nhiều, không phải bác dạy dỗ, mà qua những việc làm cụ thể của một nhà văn lão thành đầy kinh nghiệm làm báo và đầy tự trọng, luôn nhận trách nhiệm về mình, dù bài vở có khi do tôi chọn mà sau đó bị cấp trên phê phán.
Nhà văn Tô Hoài
Năm 1989, nhà báo Nguyễn Triều viết cho chúng tôi bài phóng sự dài với cái tít “Cà phê xanh” nêu hiện tượng một vài quán cà phê lúc đó trá hình chứa gái làm tiền phục vụ khách. Tôi muốn in cả bài, vì nó dự báo một hiện tượng xấu có khả năng trở thành phổ biến ở thủ đô. Nhưng lúc ấy, việc nêu những chuyện tiêu cực còn rất hạn chế và dễ bị qui là... bôi đen chế độ. Tôi trao đổi với Tổng biên tập xem nên sử dụng cách nào. Nhà văn cầm bài báo, đọc qua rồi cười: “Cô để tôi”. Nói rồi, bác rút gọn bài báo, không còn là phóng sự nữa, mà chỉ là ý kiến nhỏ trong chuyên mục “Sổ tay phóng viên”. Tuy thế, sau khi đăng, bài báo nhỏ vẫn bị phản ứng dữ dội. Một chủ quán cà phê ở đường Lò Đúc đến gặp tôi, nói sẽ kiện Báo Người Hà Nội vu cáo cửa hàng giải khát của ông ta. Tôi cười: “Nhưng bài báo có nêu tên quán nào, phố nào đâu mà bác lại nhận là quán của mình?”. Ông ấy hằm hằm: “Đọc lên, cả phố cứ bảo đúng là quán của tôi rồi thì chị bảo sao”... Nhà văn Tô Hoài cũng cười: “Thế thì bác cứ rút kinh nghiệm đi, sao ai cũng bảo là quán của bác chứ? Chúng tôi không nêu tên quán nào, vậy bác cứ lên cấp cao hơn mà kiện”. Ông ta tái mặt lủi thủi ra về.
Tuần ấy, trong cuộc giao ban báo chí của thành phố, Báo Người Hà Nội bị nhắc nhở là Thủ đô có bao nhiêu việc tốt sao không biểu dương, lại nêu một hiện tượng làm xấu mặt Hà Nội, phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm! Nhà văn Tô Hoài thay mặt báo nhận lỗi và hứa sửa chữa (!). Lúc về, tôi than phiền với nhà văn:
- Em chán quá, làm báo kiểu này thì sao mà hay được?
Nhà văn an ủi:
Báo có gì sai sót bị nhắc nhở, cô cứ đổ hết tội cho tôi. Tôi đối phó giỏi hơn cô mà. Anh em trong cơ quan hay cấp trên phê bình cái gì, ta đừng thanh minh mà cứ nhận lỗi hết cô ạ.- Nói rồi nhà văn nháy mắt: “Nhưng sau đó, nếu thấy mình đúng , họ mới sai, mà có giỏi, thì cứ việc ta, ta vẫn làm. Thời gian sẽ trả lời chính xác cô ạ”. Coi tôi như một nhà báo trẻ, thiếu kinh nghiệm, bác Tô Hoài thủ thỉ:
Phê bình là quyền của mọi người, nhất là cơ quan mình thì cô biết rồi, ai cũng mạnh miệng lắm. Làm báo như người làm xiếc, lúc nào cũng đi trên cái dây cheo leo giữa xung quanh dư luận. Làm sao để mình chỉ đung đưa mà không bao giờ ngã xuống. Điều quan trọng nhất, là cô phải tránh không gây ra những lỗi chính trị. Cái này thì khó gỡ lắm, tôi có đứng ra cũng... chẳng ăn thua gì. Mà chính trị thì có khi chỉ một câu, một chữ do mình vô ý khi duyệt bài, mà tác giả lại có ý khác, là chết ! Nhưng cô hãy tin là chúng ta không cố tình làm sai, chúng ta là những nhà báo chân thành, chỉ muốn cái tốt cho xã hội, thì cấp trên cũng rất hiểu và thông cảm. Đừng có chưa gì đã nản.
Vậy mà đến năm 1991, khi báo đăng bài thơ “Sám hối” của Trịnh Thanh Sơn, sáng sớm báo vừa ra, tôi đến cơ quan là nhận ngay điện thoại của nhạc sỹ Trần Hoàn - lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo, thì phải: “Cô là Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội phải không? Sao báo lại đăng bài thơ có ý xuyên tạc trắng trợn như vậy. Cô nói Tổng biên tập phải thu hồi ngay!”. Tôi nghe xong, toát mồ hôi, vội giở tờ báo ra đọc lại. Bài thơ có câu:
“Nếu sống lại tuổi hai mươi
Tôi sẽ đi ngược lại”
Ý này của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn bị cho là phủ nhận cuộc cách mạng, phủ nhận quá khứ của Việt Nam (!). Tôi lo quá, đạp xe đến nhà Tổng biên tập Tô Hoài ở ngõ Đoàn Nhữ Hài, báo cáo việc báo phải thu hồi ngay theo lệnh của cấp trên. Thấy mặt tôi tái mét, nhà văn cười:
- Cô cứ yên trí, bất cứ ai gọi điện, cô đều đề nghị gửi cho công văn có ký tên, đóng dấu đàng hoàng với lý do cụ thể vì sao phải thu hồi báo đã phát hành. Chúng ta chỉ chấp hành theo lệnh chính thức từ cấp trên cụ thể. Tôi mới là người chịu trách nhiệm chính, không phải cô mà, đừng lo.
Ra về, tôi thấy nhẹ cả người, chẳng phải vì tôi không là người chịu trách nhiệm, mà vì thái độ bình tĩnh, tự tin, phản ứng có lý, có tình của Tổng biên tập đã làm tôi yên tâm.
Hôm sau, vẫn chưa có lệnh thu hồi báo bằng công văn, nhưng Tổng biên tập và tôi được triệu tập lên Ban Tuyên giáo Thành ủy để giải trình về bài thơ của Trịnh Thanh Sơn. Bác Tô Hoài bảo tôi:
Hôm nay cô có cuộc họp bên phụ nữ, cô cứ đi bên ấy, để tôi lên Ban Tuyên giáo một mình cho. Nói rồi, bác nháy mắt tinh nghịch: “Tôi đã bảo tôi đối phó giỏi hơn cô mà”!
Hôm ấy, Thành hội Phụ nữ mời tôi sang họp để chuẩn bị đại hội, vì tôi là ủy viên Ban chấp hành của Hội. Khi tôi đến, chị em đã đông đủ, song rất muốn được có mặt chứng kiến sự đối đáp đầy bản lĩnh và rất khôn ngoan của nhà văn Tổng biên tập của mình, nên tôi trình bày và xin phép chủ tịch Hội Phụ nữ sang Ban Tuyên giáo. Thấy vấn đề có vẻ nghiêm trọng, chị đồng ý để tôi đi.
Khi tôi bước vào phòng họp, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, nhạc sỹ Trần Hoàn, các chuyên viên theo dõi báo chí của Trung ương và Thành phố cùng Tổng biên tập Tô Hoài đã ngồi quanh bàn và đang nói. Không khí có vẻ nặng nề. Tôi xin lỗi đến muộn rồi ngồi xuống bên cạnh Tổng biên tập của mình. Bác Tô Hoài quay sang tôi, khẽ nháy mắt mỉm cười rồi vẫn chăm chú nghe mọi người phân tích tác hại của bài thơ trong tình hình thời sự năm 1991, rất không có lợi cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Phải nhận đó là sơ suất nghiêm trọng của báo!
Nhà văn Tô Hoài nghe mọi người phân tích xong, khác với mọi lần là nhận ngay sai sót và hứa sửa chữa, bác nói chững chạc:
- Đây không phải là sơ suất, mà là chủ trương của tôi, Tổng biên tập báo, Tôi nghĩ chính trong tình hình phức tạp hiện nay, chúng ta, nghĩa là chính các đồng chí, nên thực sự cởi mở, tin cậy hơn vào văn nghệ sỹ và báo chí. Nếu không bị phê phán, có lẽ chẳng ai chú ý đến bài thơ. Đó chỉ là tâm tư của một người viết. Trong thực tế thì đúng là chúng ta đang có nhiều việc phải làm lại, có khi ngược với chủ trương cũ, ví như giao ruộng đất cho mỗi gia đình nông dân, không còn hợp tác xã nông nghiệp đi làm theo kẻng, chia thóc theo công điểm, rồi khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, rồi ai giỏi thì các cơ quan nhận vào làm. Không ưu tiên giai cấp vô sản như trước... Vậy thì tác giả viết, nếu sống lại tuổi trẻ sẽ đi ngược lại con đường anh ta đã đi, ví như anh ấy sẽ không làm thơ làm báo nữa, vì nghèo, mà sẽ học buôn bán hay làm kỹ thuật chẳng hạn, theo tôi là được. Mà cứ cho là tác giả có ẩn ý gì đi nữa, báo của chúng ta dám đăng thì chỉ chứng minh là đường lối của ta đã thực sự cởi mở, ai cũng có quyền nói thật quan điểm của mình. Báo của chúng tôi sẵn sàng đăng bài của bất cứ ai phê phán bài thơ đó, rồi để tác giả thanh minh hoặc tranh luận lại. Như vậy không khí báo chí mới thực sự đổi mới và hấp dẫn. Như vậy có lợi hơn, công bằng hơn, phải không ạ?
Tôi ngồi nghe, tim đập thình thình. Không hiểu nếu tôi là người chịu trách nhiệm về bài vở của báo, về bài thơ bị phê phán ấy, tôi sẽ trả lời sao?. Các vị lãnh đạo, chắc nể uy tín và tuổi tác của nhà văn, nhìn nhau im lặng. Bác Tô Hoài cười:
- Tuy nhiên, chúng tôi xin nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi đăng bài để tránh những hiểu lầm khiến các đồng chí phải lo lắng. Thú thật là nếu hôm qua, tôi ra lệnh thu hồi báo, thì hôm nay cả Hà Nội lại đổ xô tìm mua và đâu đâu cũng bàn tán chuyện này.... Cảm ơn các đồng chí đã không ra lệnh thu hồi bằng văn bản.
Hôm ấy ra về, Tổng biên tập rủ tôi ngồi uống cà phê và hỏi: “Cô thấy thế nào? Cái gì cũng sợ xanh mặt và cuống lên làm theo lệnh miệng của cấp trên như cô hôm qua là... hỏng hết bánh kẹo nhá!”.
Một lần khác, tôi chọn đăng lại bài “Tổng thống Goóc Ba Chốp sinh năm con dê” đã in trên Báo Thanh Niên của Nga, mình chỉ dịch đăng lại. Thế nhưng hôm họp báo chí cuối tuần, nhiều vị lãnh đạo các báo khác và một vài Thành ủy viên phê phán là Báo Người Hà Nội nói xấu lãnh tụ nước bạn (!). Nhà văn Tô Hoài lại đứng lên, “bênh” Phó Tổng biên tập của mình: “Các bạn vẫn nghe nói là chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống, còn cái đầu thì luôn hoàn hảo. Nhưng các nước phương Tây và cả ở Nga không thế đâu. Nước Mỹ thì tha hồ chế diễu, phê phán Tổng thống. Ai cũng có nhược điểm. Và dân chúng biết rõ nhược điểm của lãnh đạo sẽ càng thấy gần gũi, thân thiết hơn. Mà Báo Thanh Niên Nga cũng khen ông Goóc Ba Chốp nhiều, chỉ chê là ông cũng... giống dê: Kén ăn, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, hay đi và đôi khi... mê gái. Tôi nghĩ, có sao đâu.”... Cả cuộc họp cười. Thế là tôi lại thêm một lần nữa thoát nạn nhờ nhà văn đầy bản lĩnh và hóm hỉnh của mình.
Nhiều buổi trưa, cả tòa soạn ở lại cơ quan. Có hôm tôi thấy Tổng biên tập mở cặp, lấy ra bữa trưa và thong thả ngồi nhai. Tôi nhìn mà không biết bác đang ăn món gì, bèn lại gần xem thử:
- Bánh mì hay cơm nắm đấy ạ?
Nhà văn cười, chìa ra một nắm trăng trắng vàng vàng. Tôi kêu:
- Ôi giời! Phẩm oản từ hôm Tết hay sao ạ? Chắc là bác gái đi chợ chưa về, cụ thấy trên ban thờ có sẵn, cứ thế cho vào cặp mang đi rồi!
Nhà văn vẫn cười hiền:
- Nhai kỹ, nó vẫn bùi bùi, thơm thơm, ngon đáo để! Nhưng thôi, các cô các cậu đi với mình ra ngõ Hàng Chiếu nhé.
Cả bọn nhao nhao vỗ tay và đi cùng Tổng biên tập ra cái ngõ phía cửa ngách chợ Đồng Xuân. Ở đây bày bán la liệt các loại hàng ăn: Bún thang, bún ốc, xôi chè, phở chua, nem rán...Trong khi ngồ ăn, nhà văn Tô Hoài thường kể cho chúng tôi nghe lai lịch từng món: Nem rán gốc ở Sài Gòn, phở chua từ Trung Quốc, bún ốc là quà quê, bún thang mới là món ăn Hà Nội.
Sau bữa trưa vui vẻ và đạm bạc, tất cả về quây quần bên bàn nước, chuyện trò sôi nổi. Lúc này Tổng biên tập Tô Hoài từng hóm hỉnh và nhẹ nhàng phê bình những sai sót của chúng tôi trong công tác biên tập. Có lần nhà văn hỏi tôi:
- Bài chân dung văn nghệ sỹ vừa đánh máy, cô viết: “Tôi và Xuân Quỳnh”, đúng không?
- Vậng ạ.
Nhà văn nghiêm nét mặt:
- Hôm trước, Vương Trí Nhàn gửi bài đến, viết: “Tôi và nhà văn Nguyễn Tuân”, tôi đã nhắc cô sửa lại rồi mà không chịu nhớ. Người viết bao giờ cũng phải để chữ “tôi” sau: Bác Nguyễn Tuân và tôi - nhà thơ Xuân Quỳnh và tôi - kể cả Người quét rác và tôi hay là Con gái tôi và tôi nữa. Cô nhớ nhé.
Tôi lè lưỡi:
- Em nhớ rồi ạ. Nhưng khi nào viết về bác, nhất định em sẽ viết: Tôi và nhà văn Tô Hoài!.
Tất cả mọi người cười vui trong khi nhà văn Tô Hoài cốc nhẹ vào đầu tôi: “Bướng hả?”.
Cũng hôm ấy, nhà văn dặn dò chung anh chị em biên tập của báo:
- Các cậu vừa đưa tớ duyệt bài “Chuyện cũ Hà Nội” có hai chi tiết nếu không biết thì sẽ không sửa được. Đó là câu “phần thưởng là một dải lụa đỏ” và “ Chiếc kiệu sơn đen”. Tớ đã sửa lại cho đúng: “Phần thưởng là một Tấm lụa điều”. Tấm lụa điều là cách nói vừa dân dã, vừa trân trọng từ ngàn xưa, còn “Dải lụa đỏ” là cách nói thông thường nhưng không trang nhã. “Sơn đen” cũng là tiếng nói của hôm nay. Trong không khí của chuyện cũ Hà Nội, tớ sửa lại cho chính xác, là sơn then. Các cô các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều. Muốn là người biên tập giỏi thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ.
Bọn đàn em chúng tôi gật gù chịu trận.
Những năm cùng làm báo với nhà văn Tô Hoài, tôi đã học được rất nhiều từ kinh nghiệm của một người từng trải, điềm tĩnh, tự tin và luôn dám chịu trách nhiệm với những sai sót của cấp dưới. Đó là một Tổng biên tập khôn ngoan, dày dạn kinh nghiệm trong những tình huống khó khăn. Nhà văn đồng thời còn là một người dí dỏm, hài hước và không quá quan trọng những chuyện xảy ra hàng ngày. Với Tô Hoài, cuộc sống thật nhẹ nhàng, cẩn trọng mà yên vui.