CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:55

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: “Viết về cái ác để gieo mầm thiện”

Trước đó Nguyễn Xuân Thủy từng xuất bản ba tiểu thuyết gồm “Biển xanh màu lá”, “Sát thủ Online”, “Nhắm mắt nhìn trời” viết về đời sống của bộ đội ngoài Trường Sa, về tội phạm internet, về bi kịch trí thức trẻ thời đô thị hóa. Đến cuốn tiểu thuyết thứ tư này, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại tiếp tục với mảng đề tài khá mới mẻ: Buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em.

Tại buổi ra mắt, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Cách đây 2 năm, tôi đọc được một loạt tin tức về những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, nó làm tôi suy nghĩ rất nhiều về số phận con người. Tôi nghĩ không ai có quyền thay đổi số phận một con người, làm sai lệch nó ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, đó là một tội ác.Tôi quyết định ngồi vào bàn để bắt đầu những trang viết đầu tiên của cuốn sách từ ý tứ đó".

“Có tiếng người trong gió” kể về hành trình người mẹ đi tìm đứa con trai mất tích ở biên giới. Kèm theo đó là câu chuyện tổ chuyên án điều tra các vụ buôn bán, kinh doanh nội tạng người. Tác giả vận dụng lối viết huyền ảo để tạo ra tuyến truyện gồm linh hồn các chàng trai trẻ bị tước đoạt mạng sống khi bị lấy dần đi các bộ phận trên cơ thể ở vùng núi Tuyết Sơn Thạch hoang vu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (bên trái) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại lễ ra mắt sách.

Trong tác phẩm "Có tiếng người trong gió", người đọc không chỉ được đến với thế giới thiên nhiên kì vĩ, bí ẩn mà còn là nỗi buồn tê tái khi nhà văn cố gắng đi tìm căn nguyên của cái ác, nhắc nhở và cảnh báo về những điều phi nhân tính khi đề cập đến nạn buôn bán và đánh cắp nội tạng trẻ em. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho biết, anh không có dụng ý theo đuổi thể loại trinh thám một cách rốt ráo mà đi vào mổ xẻ tâm lý nhân vật cũng như thân phận con người.

Mặc dù tác phẩm viết về một mảng tối của xã hội nhưng Nguyễn Xuân Thủy cho biết:  “Khi viết về cái ác tôi không muốn gieo vào lòng bạn đọc sự ghê sợ con người. Tôi muốn nhìn nhận họ như những nạn nhân nhiều hơn, ngay cả những nhân vật mắc vào tội ác tày trời, tội ác chống lại nhân loại cũng thế. Dù viết về cái ác, cái tục hay sự cao cả, anh hùng thì để cho người đọc thấy được vẻ đẹp của văn chương, để họ có cảm giác đang thưởng thức một tác phẩm văn học là điều phải hướng đến. Viết về cái ác nhưng tôi muốn gieo vào lòng độc giả những hạt mầm của tính nhân văn, của sự thiện tâm trong sáng”.

Trong buổi ra mắt sách, Nguyễn Xuân Thủy đã nhận được khá nhiều lời khen từ các nhà phê bình và đồng nghiệp văn chương. Anh được nhà văn Nguyễn Đình Tú đánh giá là có ý thức rõ ràng về việc trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, thể hiện ở việc tìm giọng điệu, xây dựng tuyến truyện đan cài và riêng ở đề tài, anh không cạn vốn cũng như hướng khai thác. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn đánh giá cuốn tiểu thuyết kết hợp nhuần nhuyễn tư duy văn học và điện ảnh.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn tóm gọn tác phẩm thành hai tuyến chính: Tình sự và hình sự. Tuyến tình sự - tình mẫu tử, tình người - được đánh giá cao khi đi sâu vào tâm lý, cảm giác, khao khát nhân bản của con người. Tiến sĩ Chu Văn Sơn cho rằng đây là phần thành công nhất của tiểu thuyết. 

NGUYỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh