CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:55

Nhà báo với huyện nghèo 30a

Nhân dịp 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi có dịp gặp những nhà báo luôn đồng hành cùng với người dân trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Thế Lượng – Phóng viên báo Giáo dục thời đại

Công tác thông tin tuyên truyền đến các địa phương vùng cao luôn được lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và các huyện miền Tây quan tâm, chú trọng. Qua những bài viết của các phóng viên, giúp đồng bào dân tộc hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó giúp họ nâng cao trình độ nhận thức, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Nghề báo vốn đã vất vả nhưng với những phóng viên vùng miền núi lại càng vất vả hơn. Khó khăn là vậy song với mỗi phóng viên tác nghiệp ở miền núi đều là những trải nghiệm khó quên. Ngoài ra, đó còn là cơ hội để họ rèn luyện và trưởng thành hơn.

Phóng viên Thế Lượng trao đổi với cụ Ngân Văn Tọi ở bản Poọng,

xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa)


Hồi tháng 7/2017, tôi và người bạn đồng nghiệp cùng nhau lên đỉnh Hin Phăng, đến với bà con đồng bào người Mông, với mục đích để xem họ giữ đất, giữ rừng. Hin Phăng – địa danh một đỉnh núi cao nhất, khó khăn nhất và còn ít người nhất của xã Tam Chung, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa.

Trước kia, đồng bao người Mông ở Hin Phăng đông lắm. Thế nhưng, sau khi có chủ trương của Nhà nước, kêu gọi bà con xuống núi, định canh, định cư và lập bản Suối Loóng, thì đa phần bà con đã rút khỏi đỉnh Hin Phăng. Giờ đây, ở đỉnh núi cao vòi vọi ấy chỉ còn lại 8 hộ người Mông đang bám trụ, để giữ đất, giữ rừng.

Chặng đường từ TP. Thanh Hóa tới trung tâm huyện vùng cao, biên giới Mường Lát đã “ngốn” mất của tôi hơn nửa ngày, giữa cái nắng bỏng rát. Với tôi, dù các địa danh ở vùng đất biên ải đầy rẫy những khó khăn ấy, như: Sài Khao (Mường Lý), Pha Đén (Pù Nhi), Tà Kóm (Trung Lý), Con Dao, Suối Tút (Quang Chiểu)… hay các bản Chai, Lách xa xôi ở xã Mường Chanh… tôi đều đã đặt chân. Thế nhưng, đỉnh Hin Phăng, là lần đầu tiên đối với tôi.

Nghe tôi bày tỏ ý nguyện của mình muốn leo đỉnh Hin Phăng, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông, bảo sẽ cử cán bộ xã Tam Chung dẫn đường cho chúng tôi, vì đường lên Hin Phăng vô vàn khó khăn. Sau đó, Bí thư Thông gọi điện cho Chủ tịch UBND xã Tam Chung, đề nghị cử cán bộ dẫn đường cho chúng tôi. Thế nhưng, lúc bấy giờ, cán bộ xã Tam Chung đều đi xuống bản, không còn ai dẫn đường.

Bằng kinh nghiệm đi miền núi của mình, tôi và đồng nghiệp quyết định tự đi theo lối bản Suối Loóng (xã Tam Chung) để lên bản Sài Khao rồi leo Hin Phăng. Khổ nỗi,  khi lên tới bản Suối Loóng, thì đường bị sạt lở, không thể đi được. “Muốn lên Hin Phăng, phải vượt qua đỉnh Sài Khao của xã Mường Lý, rồi vòng ngược về phía Tây Bắc, thì mới tới đỉnh Hin Phăng được”- một chàng trai người Mông ở bản Suối Loóng chỉ đường cho tôi như vậy.

 Quay đầu xe máy, chúng tôi vượt qua con suối Loóng, nhằm hướng chỉ tay của chàng trai Mông. Mặt trời mỗi lúc một chói chang. Những quả đồi cao vót, trơ trọi, khô khốc không một bóng cây. Những tảng đá mồ côi đen sì như chiếc thuyền lật úp tỏa nhiệt, bốc hơi nóng lên khiến tôi cảm thấy rát mặt. Suốt một chặng đường dài, vượt không biết bao quả đồi, ngọn núi, mà tuyệt nhiên không có một cây rừng nào để có thể ghé vào bóng mát của nó nghỉ ngơi lấy sức. Càng đi lên, lối mòn chỉ có đất pha cát càng hun hút, xe máy không thể trườn lên được vì lốp xe không bám mặt đường. Tôi phải đẩy xe giúp anh đồng nghiệp vượt qua các con dốc gần như dựng đứng.

Giữa cái nắng chang chang, mỗi lúc càng nóng hầm hập. Những cơn gió phơn (gió Lào) thổi ràn rạt trên sườn đồi, càng khiến cổ họng khô khốc, miệng đắng ngắt, tim đập loạn xạ. Giữa lưng chừng núi, tôi phải đi bộ một mình, người đồng nghiệp trườn được chiếc xe máy vượt lên đỉnh núi, ngồi đợi tôi. Lúc đó, cảm thấy không còn sức để leo lên nữa, bởi mồ hôi vã ra như tắm...

Chúng tôi chạm đỉnh Sài Khao vào lúc 11 giờ trưa. Ghé vào điểm trường Sài Khao xin nước uống, một thầy giáo bảo: “Từ đây đi Hin Phăng còn mất khoảng hơn một giờ chạy xe máy nữa. Các anh nên đi sớm, nếu không chốc nữa trời càng nắng, gió càng nóng”. 

Không thể ngồi lâu, vì trời nắng mỗi lúc một chói chang, nên chúng tôi quyết định lên đỉnh Hin Phăng càng sớm càng tốt. Khoảng chừng hơn 12 giờ trưa, chúng tôi chạm đỉnh Hin Phăng . Đi dưới những tán rừng nguyên sinh tươi xanh, một cảm giác mát lạnh. Đứng trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt quan sát, tôi thấy những nóc nhà của người Mông nằm nép dưới tán rừng.  Gặp một cặp vợ chồng người Mông đi làm rẫy về, tôi hỏi thăm nhà trưởng cụm Hin Phăng. Anh chồng tỏ vẻ phấn khởi, chỉ tay về phía ngôi nhà lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới. 

Sùng A Lù – Trưởng cụm Hin Phăng thấy có khách, thì săng sái đi lấy nước đã lam sẵn trong ống bương ra mời.“Cụm Hin Phăng bây giờ chỉ còn 8 hộ dân, bà co chuyển xuống ổn định ở dưới bản Suối Loóng rồi. Số hộ còn lại trên này, là bà con quyết tâm ở đây để giữ đất, giữ đất và sinh sống như bấy lâu nay thôi!”- A Lù tâm sự.

Trong câu chuyện A Lù kể, thì ở đỉnh Hin Phăng bây giờ vẫn còn nhiều cây gỗ rừng nguyên sinh quý hiếm. Những cây gỗ sến, táu, dổi… đang được bà con bảo vệ  hàng ngày. A lù, bảo: “Rừng còn nhiều cây gỗ quý, nên có nhiều lần, bọn lâm tặc cũng lăm le vào đây định khai thác, nhưng bà con ta quyết ngăn chặn bằng được. Nhất định, không thể để cho bọn người xấu làm chuyện không tốt”.

Đến bữa trưa, A Lù kêu A Vảng đi bắt gà, làm thịt để thết khách. Chỉ trong nháy mắt, con trai của A Lù đã đuổi bắt được chú gà trống cựa, dù nó chạy tung khắp khu đồi xung quanh nhà. Và cũng chỉ trong chốc lát, A Vảng đã chế biến con gà thành hai món luộc và nấu canh bí Mông. “Thàng trai cả của nhà mình là Sùng A Vảng, năm nay gần 30 tuổi, được Chi bộ bản Suối Loóng giới thiệu cho đi học lớp cảm tình Đảng rồi. Chi bộ và cấp trên đang động viên A Vảng phấn đấu để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng đấy nhà báo à!”- A Lù tự hào khoe.

Trong lúc chờ cơm, A Lù lấy khèn Mông ra ngồi ở bậc thềm thổi cho tôi nghe những làn điệu lạ tai, mà theo A Lù đó là những bản nhạc mừng cây lúa mới, mừng mùa ngô non… Và đặc biệt, là những bản tình ca mời gọi bạn tình của chàng trai người Mông. Tôi hỏi A Lù xem nhà còn trữ súng để săn con thú không? A Lù, bảo rằng: “Súng săn bây giờ ở đây không còn nhà nào có nữa. Người Mông ta nghe theo vận động của cán bộ, nên giao nộp hết rồi. Thức ăn của bà con bây giờ chủ yếu là tự chăn nuôi và lấy măng, rau rừng thôi. Gạo, muối ăn,  dầu thắp sáng thì bà con chúng tôi được Nhà nước cấp không hàng tháng rồi. Khoái nhất là trên đỉnh Hin Phăng bây giờ cũng đã có sóng điện thoại di động rồi”.

Chia tay A Lù, chúng tôi xuống núi bằng một con đường khác mà A Lù chỉ dẫn. Khoảng hơn một giờ tụt dốc, con suối Lét của bản Poọng, xã Tam Chung đã hiện ra trước mặt. Đứng ngửa cổ nhìn về phía đỉnh Hin Phăng, tôi mới thấy “rùng mình” bởi những ngọn núi cao vòi vọi.  

Tôi thầm nghĩ, mất bao công sức vượt đỉnh Hin Phăng, nhưng được gặp A Lù, A Phàng, A Vảng…, được nghe họ kể về cuộc sống, về công cuộc giữ đất, giữ rừng, về tâm huyết, quyết tâm gây dựng, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho Đảng… của đồng bào Mông ở đây. Và, tôi nhớ đến cha con A Lù, A Vảng lúc xin số điện thoại của tôi, bằng câu nói dí dỏm “Ta phải xin nhà báo số điện thoại, để khi có việc cần thiết, sẽ a lo cho nhà báo lên thăm đỉnh Hin Phăng lần nữa”.

Anh Tuấn – Phóng viên báo Lao Động và Xã Hội

Với những người phóng viên trẻ như chúng tôi, vùng cao luôn là điểm đến hấp dẫn với rất nhiều đề tài mới bởi sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán cùng những chuyến đi trải nghiệm đầy thú vị về mỗi vùng đất, con người. Chính điều đó đã mang lại nguồn động lực quan trọng thôi thúc những phóng viên vùng cao chúng tôi đến nhiều hơn với những bản, làng xa xôi cách trở.

Phóng viên Anh Tuấn đang tác nghiệp

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong những năm công tác, đó là chuyến đi về  bản Thống Nhất xã Thanh Quân - Như Xuân huyện 30a Thanh Hoá vào cuối năm 2017, để viết bài về cuộc sống của người dân ở đây khi huyện chuẩn bị thoát huyện nghèo 30a. Vượt qua quãng đường hơn 20km đường đồi núi quanh co, dốc cao dựng đứng, chiếc xe máy của người dẫn đường ì ạch vít ga để lên dốc. Đi được khoảng 15 phút, cơn mưa rừng bất ngờ ập xuống khiến chúng tôi không kịp trở tay. Người ướt sũng nhưng vẫn cố ôm chặt chiếc ba lô để che cái máy ảnh, đường càng lúc càng trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế dần bởi màn mưa trắng xóa chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dưới cơn mưa rừng tầm tã ấy, tôi tự nhủ với bản thân quyết không bỏ cuộc để có thể đến với bà con ở bản Thống Nhất, hoàn thành bài viết của mình thật trọn vẹn. Chuyến đi ấy thật không uổng phí khi tôi được trải nghiệm những thử thách mới, được gặp gỡ, hòa mình vào không khí vui tươi phấn khởi của người dân ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này khi có con đường mới cùng với nhiều sự đổi thay hàng ngày nơi đây.

Trước sự thay đổi và phát triển từ năm 2010 đến nay, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ của các doanh nghiệp, cùng với sự cố gắng vươn lên không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Như Xuân, từ một huyện nằm trong top các huyện nghèo nhất nước, năm 2018, huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo 30a. Đó chỉ là một trong số rất nhiều kỷ niệm của tôi khi tác nghiệp ở miền núi. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại giữ riêng cho mình những kỉ niệm đẹp về mỗi vùng đất, con người đã đi qua và bản thân cảm thấy mình trưởng thành hơn, sâu sắc hơn trong từng tác phẩm.Trước những đổi thay hàng ngày của các huyện nghèo 30a, các bài viết, các tác phẩm của các phóng viên đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền về các chương trình giảm nghèo tại các huyện nghèo 30a. Với những phóng viên không chỉ chứa đựng nhiều nỗi vất vả, nhọc nhằn trong những chuyến đi dài miền Tây, mà còn có tình yêu nghề và tinh thần quyết tâm cao mới giúp họ vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hình ảnh phóng viên  một mình một xe máy cùng chiếc ba lô đựng đồ nghề đeo sát người đi tác nghiệp dường như không còn xa lạ với mỗi người dân ở miền núi. Để có được lượng tin, bài đáp ứng được bạn đọc, đội ngũ phóng viên đã không ngại lăn lộn, dấn thân. Bàn chân của phóng viên in dấu khắp các làng, bản, dốc núi và sông suối ở vùng sâu, vùng xa để đưa về những thông tin, những hình ảnh chân thực nhất của cuộc sống. 

 Hẳn ai cũng biết nghề báo gian nan, đầy thử thách, đặc biệt với những phóng viên chuyên viết bài miền núi, vùng nghèo, vùng khó. Nhưng với tình yêu và sự đam mê với nghề đã giúp các phóng viên vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trên con đường mà mình đã lựa chọn. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc các phóng viên sẽ tiếp tục cho sự nghiệp báo chí,  để có được những tin, bài và những hình ảnh đẹp của bà con vùng cao, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền tại địa phương. Đưa đến cho bạn đọc những hình ảnh mang hơi thở cuộc sống, mang đầy đủ thông tin được đăng tải trên báo đến với đông đảo người xem luôn là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để các phóng viên nỗ lực hoàn thành tốt công việc.

Nghề báo là đam mê, là vinh quang nhưng cũng thực sự khó khăn, vất vả, nhất là đối với những phóng viên công tác tại miền núi. Bằng nhiệt huyết, yêu nghề, say nghề, dường như những trở ngại đó không làm chùn bước chân họ. Chính điều này đã thôi thúc, động viên họ không ngừng nỗ lực trong công việc, trong công tác, trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa trọng trách là cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh