THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

Nguyễn Xuân Lương - nhà báo yêu đời, yêu nghề

Người chiến sĩ viết báo

Như bao bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Xuân Lương tự nguyện gác lại trang sách hăng hái lên đường chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc. 3 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ trấn động địa cầu với Mường Thanh, Him Lam, đồi A1… Năm 1957 nhà báo Nguyễn Xuân Lương khi đó đang là chiến sĩ tại Sư đoàn 316, nhận lệnh đơn vị trở lại Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương của Trung ương vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Ông cùng các đồng đội trở lại xây dựng nông trường, cùng nhân dân Tây Bắc viết nên trang mới “Đất vỡ hoang - Điện Biên Phủ”.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương trong một dịp được tiếp đón Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Trên mảnh đất Tây Bắc anh hùng với 56 ngày đêm chiến đấu và thắng lợi lịch sử, các trận đánh ở phía đông đồi A1. Những chiến tích xưa gợi cho ông các đề tài, thôi thúc ông viết lại những câu chuyện về cuộc sống con người nơi đây. Chính nơi đây các tác phẩm báo chí đầu tiên của ông ra đời, tạo nên một cây bút - một chiến sĩ - nhà báo Nguyễn Xuân Lương sau này. Tất cả những bài báo đó của ông đều được đăng tải trên các cơ quan báo chí Trung ương như: Báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam…những thành công bước đầu tạo cho ông nhiều hứng khởi trong những năm đầu bén duyên nghề báo.

Năm 1960, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhà báo Nguyễn Xuân Lương. Ông rời Điện Biên, rời cây súng trở thành nhà báo chuyên nghiệp công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1978 theo yêu cầu công tác, nhà báo Nguyễn Xuân Lương chuyển sang Hội Nhà báo Việt Nam, ông giữ những chức vụ quan trọng như: Hàm Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Hội Nhà báo, Phó tổng biên tập thường trực Báo Nhà báo và Công luận…

Ở tuổi ngoài tám mươi, nhà báo lão thành Nguyễn Xuân Lương vẫn làm bạn bên những trang viết và chiếc máy tính

Chia sẻ về những năm tháng làm báo trong thời kỳ đất nước còn đang đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước đầy gian khổ, nhà báo Nguyễn Xuân Lương vẫn nhớ như in ký ức về chuyến tác nghiệp năm 1965 khi Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Nhận lệnh cấp trên, 9 giờ tối nhà báo Nguyễn Xuân Lương tức tốc vào Thanh Hóa đưa tin, đến Cầu Ghềnh không may chiếc xe chở ông cùng đồng nghiệp gặp tai nạn, ông bị gẫy 2 chiếc răng và cánh tay bị thương nặng. Tuy nhiên, điều đó vẫn không cản được bước chân ông tiếp tục có mặt tại hiện trường, ghi lại những thời khắc lịch sử thắng lợi của quân dân ta khi bắn rơi máy bay địch ở cầu Hàm Rồng. Theo nhà báo Nguyễn Xuân Lương đó là một trách nhiệm vẻ vang của người làm báo, ký ức đó luôn đi theo ông trong suốt cuộc đời mình.

Những năm chiến tranh, nhà báo Nguyễn Xuân Lương đã có mặt ở hầu khắp các chiến trường từ Vĩnh Linh, Quảng Bình hay các trận đánh bom của Mỹ xung quanh Hà Nội… cho đến những năm tháng sau giải phóng, lạm phát kinh tế sau 30 năm chiến tranh, tiếp đó khủng hoảng sau cấm vận của Mỹ và 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Bắc, Tây Nam thực sự là cuộc vật lộn khó khăn của đất nước cả về kinh tế và chính trị. Chia sẻ với chúng tôi nhà báo Nguyễn Xuân Lương cho biết, trong những điều kiện ấy trách nhiệm quan trọng nhất của nhà báo là phải đồng hành với đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua bài viết, các tác phẩm của mình làm sao khích lệ động viên nhân dân hướng đến sự phát triển ổn định đất nước.

Trải qua những giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của dân tộc, trên chặng đường làm báo của mình dù ở bất cứ cương vị nào, phóng viên hay làm công tác quản lý nhà báo Xuân Lương cũng đã để lại những dấu ấn nhất định. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huy chương chiến thắng; các Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam; Vì sự nghiệp Truyền hình Việt Nam…

Dùng ngòi bút để cống hiến

Nhiều bạn bè nhận xét rằng, sau khi cầm sổ hưu nhà báo Nguyễn Xuân Lương lại viết nhiều hơn, viết hay hơn. Tuần nào ông cũng có một bài báo được đăng tải và cách 2 năm nhà báo Xuân Lương cho ra đời đầu sách. Với ông luôn có một nỗi trăn trở là làm sao để sử dụng những kiến thức tích lũy trong cuộc đời mình tiếp tục phụng sự bạn đọc.

Nói về nhà báo Nguyễn Xuân Lương, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo, nhà văn Phan Quang nhận xét: “Giá mà cây bút Nguyễn Xuân Lương được đời dành cho nhiều thời gian, vật chất hơn để anh thoải mái rong ruổi theo đuổi đam mê từ khi là anh bộ đội Cụ Hồ phơi phới tuổi hai mươi đã bộc lộ năng khiếu văn chương qua nhật ký hành quân, để rồi trở thành nhà báo chuyên nghiệp mấy năm sau tại đài phát thanh quốc gia… thì sự nghiệp văn chương, báo chí của Nguyễn Xuân Lương sẽ đồ sộ hơn rất nhiều”.

Trong cuốn “Hoa cỏ may phố Hiến” cố nhà văn Tô Hoài viết: “Nhà báo Nguyễn Xuân Lương là người chịu khó đi, đi nhiều, viết khỏe, bởi anh là người biết “chớp” lấy cái mới, cái hay khi nó xuất hiện và chắt lọc của quá khứ đó là quê hương yêu dấu của mình hay xứ người… Có thể nghĩ rằng, Nguyễn Xuân Lương là người “đã quá Tam Giang, vượt ngũ Hồ”. Nói cách khác anh đi không phải để biết, mà chính là để viết, để cảm nhận, để suy tư và hoài niệm những việc, những điều đã chắt lọc để rồi đơm hoa kết trái”.

Hơn tám mươi mùa xuân cuộc đời, nhà báo Nguyễn Xuân Lương viết không dưới 2000 bài báo, cho ra hơn 10 đầu sách như: “Có một ngày đẹp như thế - Đẹp mãi”, “Gió từ rú thổi về”, “Hoa cỏ may phố Hiến”... Các tác phẩm của ông đều chứa đựng một kho tư liệu, trí tuệ, đầy ắp hơi thở cuộc sống.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương bên các kỷ vật trong sự nghiệp làm báo của mình

Trong sự nghiệp văn chương, báo chí của mình, nhà báo Nguyễn Xuân Lương dành nhiều thời gian để viết về các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả lòng tri ân và sự biết ơn. Cùng với đó là tình yêu quê hương, xứ sở; những trang sách dành cho những đồng đội, những liệt sĩ trong cuộc kháng chiến hào hùng, oanh liệt của dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương cho rằng: “Nhiệm vụ của một nhà báo là luôn học tập, tiếp tục đi, tiếp cận đời sống đương đại, phải cập nhật tri thức mới, không để kiến thức bản thân bị mai một. Cập nhật cái mới, cái tốt thì tích lũy sẽ tốt, cùng với đó phải có sự khiêm tốn, viết theo đúng lẽ phải, viết theo đúng yêu cầu thực tiễn của xã hội thì mới có thể tạo ra những tác phẩm tốt”.

“Đặc biệt trong sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội. Các nhà báo khi tham gia mạng xã hội cần có lập trường chính trị vững vàng, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, nhất là các nhà báo lão thành cần trở thành tấm gương. Dù ở bất cứ cương vị nào, cũng nên dùng tri thức của mình, thông qua các tác phẩm báo chí có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, cổ vũ tinh thần cho các thế hệ trẻ, đó là những việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất”, nhà báo Nguyễn Xuân Lương chia sẻ.

Là một con người luôn yêu đời, yêu nghề. Với nhà báo Nguyễn Xuân Lương quá trình học hỏi là một dòng sông không bao giờ dừng lại. Để từ đó, ông có cho mình những hành trang tri thức phụng sự xã hội, đất nước. Đây luôn được coi là mục tiêu suốt đời của nhà báo lão thành Nguyễn Xuân Lương.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh