THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:04

Nghề không tuổi…hưu!

Còn sức khỏe, còn đi và viết

 Nhà báo Cao Ngọ, nguyên Trưởng đại diện Báo Thanh Niên khu vực Bắc Trung Bộ, người đã gần 30 năm gắn bó với nghề báo chia sẻ: “Biết đến với nghề báo như một cái duyên khi tôi đang là người lính. Tôi nhớ như in, những tháng đầu năm 1972, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có đợt tuyển quân rất đông, sau 2 tháng huấn luyện tôi vào Nam tham gia chiến đấu. Tôi được phân công làm công vụ cho một đồng chí Chính trị viên. Cũng từ những tháng ngày làm công vụ ấy, những dòng nhật ký ghi lại kỷ niệm tham gia chiến đấu của tôi và đồng đội đã len lỏi trong tôi niềm đam mê viết lách. Sau khi hòa bình lập lại, tôi đi học trường Đảng rồi trở về công tác tại Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Niềm đam mê tưởng ngủ quên ấy dường như không nguội đi mà thôi thúc tôi mỗi lúc một mãnh liệt, tôi bắt đầu cộng tác với một số tờ báo tại địa phương. Mãi đến những năm 1994-1995, tôi mới chính thức chuyển sang làm báo chuyên nghiệp và gắn với tờ báo Thanh Niên đến khi nghỉ hưu”.

 

Nhà báo Cao Ngọ

Nhà báo Cao Ngọ tâm niệm: “Làm báo chuyên nghiệp tôi là người đến sau, nhưng được làm điều mà mình yêu thích, được thỏa mãn đam mê thì chưa bao giờ là muộn cả! Trong đội ngũ làm báo mà tôi thường gọi nôm na là “bạn nghề”, mỗi người sẽ có chọn cho mình một lối đi riêng. Với cá nhân tôi, chọn hướng đi đã quan trọng, nhưng để khẳng định mình lại còn quan trọng hơn nữa. Có lẽ vì thế mà tôi chọn cho mình mảng đề tài điều tra. Làm phóng sự điều tra tuy phức tạp, nhạy cảm nhưng thỏa mãn được “chất lính” trong tôi. Và hình như, tôi “bén duyên” với đề tài này, phóng sự của tôi đã phanh phui những chuyện tiêu cực, những “mảng tối” của xã hội và gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả. Chuyện những nhà báo đi làm điều tra bị kẻ xấu chặn đường khủng bố tinh thần, dọa giết thì nhiều lắm, mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều lần gặp hoàn cảnh ấy, nhưng nghiệp viết đã ngấm vào máu, vào huyết quản tôi lại tiếp tục đi và viết. Từ những tác phẩm điều tra đã đăng tải, sau này tôi tập hợp lại, xuất bản thành cuốn sách “Những xứ quân lộng hành”. Nhìn lại những “đứa con” mình đã thai nghén thành hình đang góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, những thói hư, tật xấu được hạn chế và quê hương Xứ Thanh đang thay da đổi thịt, tôi càng say mê, tự hào và gắn bó với nghề hơn…”.

20 năm gắn bó với tờ báo Thanh Niên đến khi nghỉ hưu, đến nay nhà báo Cao Ngọ vẫn đi và viết. Không còn những mảng đề tài nóng bỏng, những phóng sự gai góc lật tẩy những mặt trái của xã hội, ông chuyển hẳn sang viết mảng văn hóa, du lịch. “Tháng 4/2015 nhân sự kiện Năm du lịch Quốc gia tại Thanh Hóa, tôi về làm đại diện cho tờ báo Du lịch tại Thanh Hóa. Chuyển sang làm cho báo Du lịch cũng là sự thay đổi 180 độ về trạng thái. Giờ đây những bài viết của tôi không còn những áp lực với những đề tài chống tiêu cực mà là những bài viết về văn hóa, về du lịch, nó mềm mại hơn nhiều. Tôi được viết về những thế mạnh du lịch của tỉnh nhà, những vùng đất, địa danh còn hoang sơ, quyến rũ, hay những miền đất đã trở thành di sản,… để từ đó du khách biết thêm về vùng đất và con người Thanh Hóa, quảng bá du lịch Xứ Thanh”. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ khi làm báo Du lịch, nhiều tác phẩm của ông như: “Từ công trường 101 đến sân bay Sao vàng”; “Sầm Sơn nổi tiếng và tai tiếng”; “Miền tây ký sự”… đã gây được tiếng vang lớn, được nhiều tờ báo đăng tải, được bạn đọc, đồng nghiệp đánh giá cao.

Đồng nghiệp tác nghiệp tại một sự kiện

 

Chia sẻ công việc với những người đồng nghiệp trẻ tuổi, nhà báo Cao Ngọ vui vẻ cho biết: “Dù làm báo chuyên nghiệp, hay trở về làm một công dân bình thường không đại diện cho một tờ báo nào khác nhưng những kỷ niệm với nghề báo vẫn đau đáu trong tôi. Tôi sẽ vẫn viết, viết càng nhiều càng tốt, còn sức khỏe tôi còn tiếp tục đi và viết bởi đấy chính là niềm vui, niềm hạnh phúc với nghề mà tôi luôn trân quý…”.

Nghề báo cho tôi nhiều kinh nghiệm sống

Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt mười năm, là cây bút sắc sảo và đủ độ chín khi đang còn là một người lính cầm súng. Và có lẽ vì thế với nhà báo, nhà thơ Huy Trụ những năm tháng lăn lộn trên chiến trường và cả trong nghề báo chính là thực tiễn để có những vần thơ mang đậm hơi thở cuộc sống.

Nhắc đến Huy Trụ, nhiều người sẽ biết đến ông với vai trò một nhà thơ với nhiều tập thơ đã xuất bản. Gần 40 năm, nhà thơ Huy Trụ đã lần lượt cho ra đời 10 tập thơ trong đó có những tập thơ nổi tiếng như: Đò ơi (1972); Chùm quả đầu mùa (1982); Nếu em không đến (1990); Lời của gió (1993); Miền riêng tôi (1998); Góp nhặt mà yêu (2003); Thơ lục bát Huy Trụ (2007); Thơ chọn lọc Huy Trụ (2011), Thức trong mơ (2014)… Thậm chí cùng với Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Huy Trụ được “suy tôn” là ba gương mặt lục bát Xứ Thanh.

 

Nhà báo Huy Trụ

 

Nhà báo Huy Trụ chia sẻ: “Xuất ngũ xong tôi về công tác tại Sở Văn Hóa Thanh Hóa, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho tờ báo Văn Hóa Thông Tin (nay là Văn Hóa Đời Sống - PV). Năm 1994, tôi chuyển về công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, năm 2010 về nghỉ hưu và tiếp tục làm Trưởng Ban đại diện Báo Gia Đình – Xã Hội khu vực Bắc Trung bộ đến nay. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ: Viết báo, làm thơ là hai mảng khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau; một bên phải thật tỉnh táo, gai góc; một bên lại cứ như là mộng, là ảo, là siêu thực. Thế nhưng với tôi điều đó lại không phải như vậy. Nghề báo cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều tư liệu, vốn sống, nỗi đau và có cả niềm vui để từ cái thực tiễn đó những trang thơ của tôi thấm đẫm tình đời, tình người. Chính những kinh nghiệm thực tiễn của một người làm báo, những lăn lộn trong nghề đã làm cho những sáng tác văn học của tôi trở nên sâu hơn. Và có phải vì thế nên có người từng nhận xét thơ tôi luận lý, triết lý chăng?”

Gắn bó với nghề báo, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, nhà báo Huy Trụ cho biết: “Những năm trước đây làm báo còn khó khăn, nhưng không vì thế mà mình lao vào làm kinh tế. Ngày tôi vẫn viết báo, đêm tôi lại làm thơ. Điều tôi luôn tâm niệm và lấy làm mục đích cho ngòi bút của mình là sử dụng ngòi bút, tiếng nói của mình để nhiều gia đình đòi lại quyền lợi chính đáng. Tôi còn nhớ, có những vụ việc tiêu cực mà mình phản ánh, một số người đã tới vây trụ sở, nhưng không phải vì thế mà mình nản lòng. Làm báo mà mang lại được quyền lợi chính đáng cho người dân là điều vô cùng hạnh phúc. Chính những điều đó đã làm cho mình thêm yêu và gắn bó với nghề hơn. Ở trên đời, không ai được cả và mất cả. Nếu ngày trước, tôi vì  khó khăn mà mình quá lao vào kinh tế thì sẽ không có những bài báo, vần thơ hay để lại cho đời như bây giờ. Tôi chưa bao giờ ân hận vì điều đó.”.

Dù đã nghỉ hưu, không còn lăn lộn nhưng nhà báo Huy Trụ luôn tự nhắc mình rằng: “Trong nghề nghiệp sẽ không ai tránh khỏi va vấp nhưng quan trọng từ va vấp ấy mà vươn lên, mà trưởng thành. Dù đã nghỉ hưu, không trực tiếp tham gia viết bài nhưng bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể định hướng cho anh em lớp trẻ. Mỗi một tờ báo sẽ có một tôn chỉ, mục đích riêng, do vậy, nên lựa chọn đề tài nào, cách triển khai, cách viết sao cho phù hợp với tờ báo mà mình công tác. Một nguyên tắc cho các nhà báo là luôn phải đủ bản lĩnh giữ mình để tiếp tục cống hiến..”.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh