THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:07

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Về với vùng khó, vùng nghèo để chia sẻ với người dân nhiều hơn

Tỉnh có huyện nghèo 30a nhiều nhất nước

Nói đến Thanh Hoá, nhiều người đều biết đến một tỉnh nghèo có 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện nghèo nằm trong Nghị quyết 30a giảm nghèo bền vững của Chính phủ, bao gồm Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân (năm 2018 huyện Như Xuân vừa ra khỏi huyện 30a). Đây là những huyện vùng cao, biên giới đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, nguồn lực đầu tư phát triển chủ yếu dựa vào ngân sách từ trung ương và của tỉnh. Đó cũng là những huyện có kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, sản xuất nông, lâm nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm bản NTM Piềng Mòn, huyện Mường Lát

 

Miền Tây xứ Thanh được xác định là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước. Dù vậy, trong nhiều thập kỷ qua, mảnh đất vùng cao này luôn phải đối diện với tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho công tác giảm nghèo ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng miền.

Mường Lát - huyện vùng cao xa nhất của xứ Thanh, từ trung tâm TP Thanh Hoá lên đến huyện lỵ gần 300 km đường núi và đường rừng. Mường Lát có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí hạn chế với nhiều tập tục lạc hậu còn duy trì, có lẽ điều đó khiến cuộc sống của người dân nơi đây đã nghèo lại càng thêm khó khăn. Thế nhưng, từ khi có “luồng gió, quyết sách mới” từ những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, đã tạo ra một “cú hích” giúp người dân nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.  

Để giảm nghèo bền vững, huyện Mường Lát đã chú trọng phát triển cây lâm nghiệp như một hướng tạo sinh kế cho người dân như Nghị quyết 30 a đề ra. Nhờ vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây con hàng năm đều tăng. Trong năm 2018, toàn huyện đã trồng được 5.000 cây phân tán, cây bóng mát, trồng mới được 150ha rừng sản xuất, đưa 19.406ha rừng tự nhiên vào bảo vệ và 1.419ha vào khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đạt 100% so với kế hoạch đề ra; triển khai thực hiện cấp hỗ trợ được 3.479 tấn gạo/ 6.471 hộ/ 33.779 nhân khẩu tham gia trồng và chăm sóc rừng trồng sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đời sống người dân nơi đây dần được cải thiện, yên tâm khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi bà con bản NTM Piềng Mòn

 

Hơn ba năm tháp tùng Bộ trưởng trong những chuyến đi dài tới miền Tây Thanh Hoá, tôi và nhiều đồng nghiệp cảm nhận được những trăn trở của ông trước những khó khăn của bà con miền Tây xứ Thanh. Bộ trưởng vẫn thường dặn chúng tôi, “Thấy cái khó, cái nghèo của bà con vùng dân tộc thiểu số, anh em phóng viên nên có những bài viết sâu sắc về đời sống của người dân, đóng góp cho công tác tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với bà con, giúp bà con hiểu rõ hơn về các chính sách, nắm bắt cơ hội, từng bước tự vươn lên thoát nghèo”. 

Còn nhớ có một lần, trong chuyến đi công tác tới huyện Quan Hoá, khi Bộ trưởng vừa bước xuống xe, một người dân vây lấy ông trình bày những nguyện vọng, ông dừng lại lắng nghe: “Bác cần gì, cứ bình tĩnh trình bày, những gì có thể giải quyết được, tôi sẽ trả lời và giải quyết ngay, còn những việc gì chưa thể đáp ứng ngay được, tôi hứa sẽ có câu trả lời bác sau”. Ngay sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến chính sách của ngành, Bộ trưởng gọi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá Trịnh Ngọc Dũng lại và giao luôn nhiệm vụ: “Những việc bác Thu vừa trao đổi, đề nghị anh Dũng giải quyết sớm, việc nào của Sở thì Sở phải giải quyết ngay, việc nào thuộc thẩm quyền tỉnh thì trình báo cáo lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá. Tập trung giải quyết những việc chính đáng cho người dân trong khả năng, chức trách của mình, tại sao lại không làm ngay?”.

Thanh Hoá cần có đề án riêng để giảm nghèo bền vững

Trong những chuyến công tác miền núi ấy, bao giờ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị lãnh đạo huyện, xã bố trí thời gian đến thăm các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em trường dân tộc nội trú... Chứng kiến những khó khăn của bà con vùng cao, sau mỗi buổi làm việc, ông thường trao đổi với lãnh đạo tỉnh, huyện và lãnh đạo một số đơn vị của Bộ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho huyện, cho bà con.“Về với vùng khó, vùng nghèo để hiểu người dân nhiều hơn, thấy được những khó khăn, vất vả của người dân và cũng để tìm cách giúp đồng bào các dân tộc ở miền tây Thanh Hóa”- ông tâm niệm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo ở huyện Như Xuân

 

Sau những lần đi ấy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn tâm tư, trăn trở mong muốn làm được nhiều điều hơn nữa cho người dân, cho đồng bào các dân tộc thiểu số, để bà con thoát nghèo, xóa bỏ tập tục lạc hậu, vươn lên cùng đoàn kết xây dựng vùng biên cương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững. Nhìn nhận Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo, có nhiều huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất: “Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nên có Đề án riêng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, tạo động lực thúc đẩy để các huyện nghèo tự vươn lên phát triển từ những khó khăn. Không thể chì vì những khó khăn hiện tại, mà nhụt ý chí, an phận huyện nghèo…”. 

Được biết,trong những năm qua, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội; các dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình đầu tư các xã, thôn,bản đặc biệt khó khăn; các dự án định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và 1342/QĐ-TTg hoàn thành những hạng mục công trình đường giao thông, hệ thống điện sinh hoạt, công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt của 2 dự án định canh định cư; Chương trình 134 (Quyết định 1592/QĐ-TTg) đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt... 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quan tâm dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy khu vực miền núi phát triển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa, trong đó mục tiêu chính của Nghị quyết là nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo, hộ nghèo, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực... Chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2017, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình 135 là trên 400 tỷ đồng, Chương trình 30a trên 500 tỷ đồng, Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới gần 500 tỷ đồng... 

Tôi còn nhớ, tháng 6/2018, cùng với đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tới thăm, làm việc tại huyện Yên Định (Thanh Hóa) về việc  triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đây cũng là huyện đầu tiên của Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm mô hình cấy mạ khay tại huyện NTM Yên Định

 

Sau khi cùng đoàn thị sát các mô hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng vui mừng chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy Yên Định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành công, đưa máy móc vào làm nông nghiệp, tăng năng suất cho bà con nông dân. Chuyển dịch kinh tế góp phần chuyển dịch lao động, đích đến của nông thôn mới phải là năng suất lao động tăng, thu nhập của người dân tăng, tỷ lệ hộ khá, giầu tăng lên, đồng nghĩa hộ nghèo giảm đi. Muốn vậy, theo Bộ trưởng, huyện Yên Định cần chuyển đổi các diện tích vườn tạp trở thành các vườn kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp về địa phương, trong đó chú trọng đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn…Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện Yên Định cũng cần lưu ý tới đời sống của người dân, đảm bảo “dân sinh, dân trí, dân khí”. 

Với huyện nghèo Như Xuân, Bộ trưởng cũng đã đặc biệt quan tâm. Trong chuyến đi công tác của mình tại huyện, Bộ trưởng đã chia sẻ niềm vui cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân, bên cạnh đó Bộ trưởng vẫn còn trăn trở với huyện, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo 30a, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, cố gắng làm sao để người dân thoát nghèo, không để tái nghèo…”. Được biết, giai đoạn 2008 - 2018 huyện Như Xuân đã được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hơn 425 tỷ đồng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Từ nguồn vốn này, huyện đã xây dựng các công trình hồ đập, giao thông, trạm y tế, trường học. Huyện cũng phân bổ nguồn vốn này cho các xã thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Từ việc thực hiện tốt nguồn vốn 30a và kết hợp triển khai các chính sách giảm nghèo khác như hỗ trợ về nhà ở, y tế, tiền điện cho hộ nghèo, xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Từ một huyện nghèo, huyện khó khăn của tỉnh Thanh Hoá, sau 10 năm Như Xuân đã vươn lên thoát khỏi huyện nghèo 30a. Ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định huyện Như Xuân ra khỏi danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2018-2020, một tín hiệu đáng mừng, một cú “hích” để các huyện 30 a còn lại của Thanh Hóa, nỗ lực vươn lên.     

Nói về công tác giảm nghèo của xã, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Phạm Văn Tiên cho biết: “Xã được chương trình 30a hỗ trợ 100 triệu đồng để mua 10 con bò giống, chương trình 135 hỗ trợ 280 triệu đồng để mua con giống cho 28 hộ dân. Đến nay, nhiều hộ dân được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo”. Chị Lữ Xuân Việt, người Thái, trú tại thôn Đồng Phống, xã Thanh Xuân chia sẻ: “Năm 2014 chị được hỗ trợ 10 triệu đồng mua 1 con trâu. Sau đó trâu đẻ 5 con, chị bán lấy vốn mua các giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, kết hợp trồng rừng kinh tế. Bằng sự chăm chỉ, đến nay gia đình tôi đã có 1 gia trại nhỏ với 3 con trâu, 8 con lợn sinh sản, 1 ha trồng rau, 2 ha trồng rừng. Thu nhập mỗi năm của gia đình đạt 60 triệu đồng/năm, nhờ đó gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo”. Thăm trang trại của ông Hoàng Văn Tuấn ở  thôn Vân Tiến, xã Cát Vân, chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Tuấn cho biết: “Trước đây tôi được hỗ trợ trâu giống, sau đó tôi đã thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Đến nay, trang trại của tôi đã mở rộng hơn 60 ha đất bao gồm 3 ha thanh long, 5 ao cá, 10 con bò, 4 ha diện tích trồng cây ăn quả như bưởi, gừng, chuối, mía và gần 40 ha trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, lát, cao su. Hiện thu nhập của gia đình tôi khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng”.

Thông qua các chính sách, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, các huyện miền Tây xứ Thanh đã từng ngày thay da đổi thịt. Đã thực sự tạo ra những cơ hội lớn cho miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện về KTXH cũng như giữ vững quốc phòng - an ninh.  Đến nay, các huyện miền Tây Thanh Hoá đã phát huy nguồn lực, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch. Thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc…  tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xứ Thanh đã có bước phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 9,2% (tăng 2,3% so với năm 2013); đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt, người nghèo được tiếp cận thuận lợi, đầy đủ hơn chính sách trợ giúp của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5%/năm (giai đoạn 2013-2015) và giảm 4,42%/năm (giai đoạn 2016-2017). Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2013. Sự thành công của các chính sách giảm nghèo của Nhà nước đối với Thanh Hoá đó là 1/7 huyện của tỉnh đã thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 17,4% xã đặc biệt khó khăn và 8,12% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định… Những kết quả, thành tựu đạt được mới chỉ là những “bước khởi đầu” cho một chặng đường dài, nhưng đó là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tỉnh Thanh Hoá có 27 huyện, thị, thành phố, có 635 xã, phường, thị trấn, trong đó có 11 huyện miền núi  với 100 xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 5.606 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 867 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tại 7 huyện nghèo 30a, có 16 xã và 55 bản giáp biên giới với 192 km đường biên giới với nước bạn Lào, có 106.963 hộ, trong đó có 18.412 hộ nghèo, 20.963 hộ cận nghèo, chiếm 19,76%, có 83.012 hộ/360.799 khẩu dân tộc thiểu số, chiếm 93,6% số hộ nghèo, 18.525 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

 

“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là một Tư lệnh ngành bình dị, luôn gần gũi người dân. Cùng đi với ông trong những chuyến công tác miền Tây mới cảm nhận hết được sự chân tình, giản dị chia sẻ của ông đối với nhân dân, với đồng bào miền Tây xứ Thanh. Có lẽ những năm làm Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, ông “ngấm”  cái khó, cái nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau mỗi chuyến đi ấy, những tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số luôn là những nỗi niềm canh cánh trong lòng Bộ trưởng Dung…”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn tâm sự. 

 

“Trong công tác giảm nghèo, Bộ trưởng luôn chỉ đạo, phải đặc biệt quan tâm không để người dân tái nghèo, vì vươn lên thoát nghèo vốn đã rất khó khăn. Trong suốt ba năm qua, Bộ trưởng đã luôn đồng hành cùng với tỉnh Thanh Hoá cùng triển khai, tháo gỡ những khó khăn trong cuộc xoá đói giảm nghèo. Quan tâm đến việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững, tìm hướng tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên, chú trọng dạy nghề, cấy nghề cho bà con - là những chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng. Năm 2018, Như Xuân - huyện 30 a đầu tiên của Thanh Hóa ra khỏi huyện nghèo, chính là một minh chứng cho sự thành công của Trung ương, của Bộ, của tỉnh trong cuộc chiến xoá đói giảm nghèo” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trịnh Ngọc Dũng, chia sẻ.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh