CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Nhà báo nữ: Đam mê nghề và giữ lửa hạnh phúc

 

 “Cháy” hết mình với đam mê nghề nghiệp

Nữ phóng viên an ninh Nguyễn Minh Phong, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Công an tỉnh Sơn La chia sẻ, gần 20 năm gắn bó với nghề, trải qua những vất vả, tôi hiểu rằng phụ nữ làm báo có nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Là phóng viên của ngành công an, nên đòi hỏi thông tin phải trung thực, chính xác, vì vậy phóng viên phải đi thực tế nhiều hơn. Dấn thân vào thực tế, hiểu nghề hơn, chúng tôi mới có được những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng.

Phóng viên Nguyễn Minh Phong kể, tôi còn nhớ như in chuyến công tác của chúng tôi cách đây đã nhiều năm. Hôm đó, vào lúc 18 giờ tôi được lệnh lên đường làm một vụ án giết người ở xã vùng sâu của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Khi chúng tôi di chuyển từ thành phố đến địa bàn đã 21 giờ. Đến nơi chúng tôi được biết nạn nhân là một phụ nữ, bị chồng sát hại đã 3 ngày trước, xác nạn nhân được giấu tại một khe suối, khi tìm thấy đang trong tình trạng phân hủy.

 

Trung tá Nguyễn Minh Phong - Đội trưởng Đội Tuyên truyền Công an tỉnh Sơn La tại phòng dựng chương trình.


“Chuyến công tác đó chỉ có hai phóng viên nữ. Chúng tôi tác nghiệp trong cảm giác sợ hãi và mùi hôi bốc lên kinh khủng. Cả hai chúng tôi đều phải tự trấn an mình bởi nếu cứ sợ hãi như vậy sẽ chẳng làm được gì. Thế rồi người quay phim, người chụp ảnh. Sau này những thước phim đó rất có giá trị, không chỉ phục vụ công tác tuyên truyền mà còn phục vụ lực lượng điều tra để họ tìm ra những dấu vết phá án nhanh” - chị Phong chia sẻ.

Theo chị Phong, công việc của cán bộ chiến sĩ ngành công an rất gian nan, vất vả, thường xuyên đối mặt các đối tượng phạm tội manh động. Phóng viên ngành công an muốn cái hồn trong các tác phẩm của mình phản ánh được những chiến công, thành tích của các chiến sĩ và mang hơi thở của cuộc sống phải luôn bám sát địa bàn, theo chân cán bộ, chiến sĩ trong các vụ điều tra phá án. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên phải đi công tác, có những tháng cao điểm tôi phải đi tới 5 lần. Một chuyến đi dài nhất khoảng 5, 6 ngày, ít thì cũng 2, 3 ngày. Vì thường xuyên có lệnh lên đường đột xuất nên chúng tôi rất cần sự cảm thông chia sẻ của gia đình.

 

Nữ phóng viên an ninh Nguyễn Minh Phong (thứ hai từ trái qua phải) tại Chương trinh giao lưu nói về nghề.


 “Khi đã chọn nghề báo, phụ nữ chúng tôi đều tâm huyết với nghề. Với ưu thế và trách nhiệm của mình, chúng tôi đã không ngừng học hỏi, tận tâm và đã làm nên nhiều tác phẩm có giá trị. Nếu không yêu nghề, không đam mê với nghề, phụ nữ sẽ không thể có được vinh quang của người làm báo”, chị Phong chia sẻ.

Giữ lửa hạnh phúc

Nhà báo Mai Ngọc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa cho rằng, theo nghề làm báo, các nhà báo nữ đều biết gia đình mình chịu những thiệt thòi nhất định. Nhưng trong khả năng nhất định các bạn ấy luôn phải nỗ lực gấp 2, 3 lần người khác để giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình. Là người được giao phụ trách thực hiện phim tài liệu, phóng sự, ký sự dài tập của cơ quan nên chị Ngọc thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày, có những chuyến công tác kèo dài hàng tháng, vì vậy việc dành thời gian chăm sóc tổ ấm của chị Ngọc gặp rất nhiều khó khăn.

 

Phóng viên Mai Ngọc gặp gỡ những người Thanh Hóa ở lại xây dựng Điện Biên sau 1954.


 “So với đồng nghiệp, tôi may mắn khi có một người chồng luôn sát cánh, tạo điều kiện cho mình trong bước đường làm nghề. Lúc các con còn nhỏ, khi tôi đi công tác xa mọi việc chăm nom con cái đều do anh đảm nhiệm. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mỗi chuyến công tác dài ngày tôi phải chuẩn bị thực phẩm sẵn cho cả nhà, thậm chí tôi phải lên lịch rất sát từng bữa sữa, cháo cho con. Cũng có những khi tôi đi công tác xa, con ốm con đau anh đều chăm sóc rất tốt. Vì không muốn tôi lo nên anh thường chỉ nói con ốm sơ sơ để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đã gần 20 năm, cũng như bao phụ nữ làm báo, việc vừa tạo dựng được những vinh quang với nghề, vừa giữ được gia đình hạnh phúc là một bài toán khó và đến thời điểm này tôi tự hào là mình đã tìm được lời giải cho bài toán khó ấy để vừa trở thành một phóng viên, biên tập viên tên tuổi trong làng báo tỉnh, lại vừa là người giữ lửa yêu thương và hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình”, chị Ngọc tâm sự.

Phóng viên Nguyễn Thị Nhuần, Báo Thanh tra cho rằng, giống như nhiều ngành nghề khác, dù công việc phức tạp hay bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Với nghề báo cũng vậy. Tuy nhiên, với phóng viên nữ, công việc còn áp lực hơn vì phụ nữ ngoài việc hoàn thành tốt công việc của mình thì còn phải làm tròn nghĩa vụ chăm sóc gia đình.

 

Phóng viên Mai Ngọc phỏng vấn con liệt sĩ tại nghĩa Trang Trường Sơn.


15 năm gắn bó với nghề báo, được đi nhiều, hiểu biết nhiều điều thú vị, nhưng đôi lúc bản thân chị Nhuần cũng từng rơi vào “khủng hoảng” bởi hoàn cảnh gia đình, chồng chị là bộ đội xa nhà nên để hài hòa giữa công việc cơ quan và gia đình không hề dễ dàng, bản thân chị phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo được công việc và gia đình được vui vẻ.

 “Làm báo đối với tôi không phải là sự bon chen hay phải kiếm được thật nhiều tiền. Mà đó là niềm đam mê. Và có lẽ do công việc đặc thù của nghề báo khiến nhiều phụ nữ mạnh mẽ hơn, độc lập hơn và tự mình thích ứng với hoàn cảnh khác nhau. Nhưng những đứa trẻ có mẹ làm báo sẽ phải chịu thiệt thòi hơn, bởi đặc thù công việc, khung thời gian làm việc không ổn định. Tôi đã từng giật mình trước câu hỏi rất hồn nhiên của cô con gái 6 tuổi “Sao mẹ không phải là giáo viên hay một nghề gì đó để mẹ không phải chạy nhiều trên đường, không phải vội vàng mỗi buổi sáng đưa con đi học”, chị Nhuần tâm sự và cho biết thêm: “Bây giờ nếu ai đó hỏi tôi sự lựa chọn giữa gia đình hay công việc, tất nhiên tôi vẫn muốn cả hai. Tuy nhiên để làm được điều đó, phóng viên nữ chúng tôi cần phải cố gắng nhiều hơn. Nhất là trong thời đại 4.0, đòi hỏi mỗi phóng viên nói chung và phóng viên nữ nói riêng cần linh hoạt, nhạy bén để đáp ứng được công việc”.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh