CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Nghề báo; tình cờ duyên nghiệp

GẶP LẠI THẦY CŨ

Năm 1994, lúc bấy giờ tôi còn “mài đũi quần” trên ghế trường đại học thì tôi gặp thầy - GS sử học Trần Quốc Vượng, lúc bấy là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Thầy Vượng vào dạy chúng tôi môn lịch sử các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài công việc giảng dạy, thầy Vượng còn nằm trong nhóm chủ biên của Tạp chí Nguồn Sáng thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Năm 1996, tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng kinh tế Đông Nam Á, ra trường loay hoay với đủ thứ công việc của sinh viên mới ra trường với mong muốn tìm một chỗ đứng giữa Sài Gòn hoa lệ. Tình cờ, người bạn cùng phòng trọ rủ tôi đi phỏng vấn ở một tạp chí. Nghe bạn nói vậy tôi cũng theo cho vui chứ chẳng hiểu làm báo là như thế nào.

Buổi phỏng vấn gồm 30 người, đa phần sinh viên mới ra trường với đủ ngành học, ai cũng háo hức vì chuẩn bị được làm phóng viên. Tôi tham dự để hóng hớt sơ qua chứ không có hồ sơ kèm theo. Cuối buổi anh Ngọc Quang, Giám đốc tạp chí mời tất cả đi nhậu để làm quen, còn kết quả phỏng vấn sẽ được thông báo sau.

Bạn tôi lại rủ, thôi đã lỡ đến đây rồi thì đi nhậu luôn chứ 2 thằng đi một xe làm sao tách được. Với lại, thú thật với sinh viên mới ra trường như chúng tôi được “nhậu chùa” cũng là điều hạnh phúc lắm rồi.

Địa điểm quán nhậu là quán "Cầy tơ" có tên Trần Tiến trên đường Cống Quỳnh-quận 1. Vào cuộc, anh Ngọc Quang thông báo tí nữa sẽ có một nhân vật đặc biệt là một trong những thành viên chính của ban biên tập tạp chí cùng tham dự. 20 phút sau, “nhân vật chính” xuất hiện, hóa ra đó là thầy Trần Quốc Vượng, người đã từng dạy tôi.

Cuộc giao lưu diễn ra vui vẻ. Sau vài tuần rượu, tôi mạnh dạn tiến về phía thầy nói khẽ, em chào thầy, em là sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học, ngày xưa thầy dạy em môn đó. Thầy Vượng ngỡ ngàng, vậy à, bây giờ em xin về tạp chí này rồi hả. Tôi thưa; dạ không thầy, em theo bạn đi phỏng vấn thôi ạ. Nghe vậy, thầy bảo thì cứ thử đi xem sao, biết đâu có duyên với nghề này cũng nên.

Anh Ngọc Quang cũng đưa thông điệp mở rằng ai cũng có thể làm báo, và làm báo có nhiều cách, nhiều vị trí, quan trọng là các bạn có thực tâm tham gia hay không. Thạch Thảo hồi ấy là thư ký tòa soạn cũng nói với tôi, bắt đầu từ tuần tới sẽ có lớp tập huấn cơ bản, anh cứ đến dự đi, chứ biết đâu lại trúng tuyển hoặc ít ra cũng có được chút kiến thức về cuộc sống.

Tác giả tại Vịnh Hạ Long năm 2017.

Tác giả tại Vịnh Hạ Long năm 2017.

 Suốt 1 tuần sau, tôi tham gia đều lớp tập huấn ấy và ngày cuối cùng sau khi làm bài thử kiểm tra thì chỉ còn 10 người được tuyển chọn, trong đó có tôi, riêng bạn tôi cũng rớt luôn.

 

Có lẽ, đó là cái duyên đầu tiên để tôi khi bước nghề báo, dù sau này tôi cũng chỉ làm ở Tạp chí Nguồn Sáng có 2 năm.

Cơ duyên để gắn bó với Báo Lao động và Xã hội cũng diễn ra đầy tình cờ. Ngày đó, hình như năm 2003 thì phải, lang thang ở Đà Nẵng. Lúc bấy giờ VP miền trung của báo còn đóng ở số 84 Trần Phú. Tôi ghé qua văn phòng khi thấy tấm biển phía trước. Tiếp tôi là anh Giang Sơn.  Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng muốn tìm việc làm, anh Giang Sơn cũng phỏng vấn sơ sơ và nói sẽ cho tôi thử việc 3 tháng trước khi thông báo ra tòa soạn. Biết tôi quê Quảng Ngãi anh Sơn giới thiệu tôi về Quảng Ngãi làm phóng viên thường trú luôn.

Và tôi đã “trú thường thường” tại Quảng Ngãi cho đến bây giờ. Duyên nghiệp như vậy là đã rõ, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ có thể làm được nhiều nghề khác, chưa chắc đã giỏi, hoặc sẽ thất bại, nhưng “duyên nghiệp” báo chí cứ vấn vương tôi mãi đến bây giờ.

CHƠI VỚI THẦY MỚI 

Tôi chơi với nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo đã trên 10 năm. Dường như cuộc đời này chơi với nhau cũng là cái duyên. Tôi về Quảng Ngãi từ năm 2003 nhưng đến 2009 mới hay “bù khú” với ông Thanh Thảo.

Thanh Thảo không hề dạy tôi làm báo, nhưng chính những ngày tháng chơi với ông, tôi học từ con người này rất nhiều "điều hay, ý đẹp" để làm báo.

Thanh Thảo cũng đã từng kể với tôi và mọi người rằng, nghề báo với ông là cái duyên, còn cái nghiệp lại là làm thơ. Nhưng bây giờ thì nghề báo đã trở thành cái nghiệp của ông trong nhiều năm qua.

Sở dĩ Thanh Thảo làm báo là vì hồi ấy, khi mới tốt nghiệp sự phạm Hà Nội, Thanh Thảo là "con trai độc đinh" nên được giữ lại làm việc ở Hà Nội, nhưng cái máu “làm thơ” đã ăn sâu vào con người ông. Vì thế, muốn vào chiến trường làm thơ, Thanh Thảo phải xung phong vào bộ đội với nghề làm báo.

Sau này, những trường ca bất hủ của Thanh Thảo đều được phát tiết từ những năm tháng làm báo ở chiến trường.

Tác giả và Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo(bìa phải) giao lưu cùng điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tại Quảng NGãi năm 2016.

Tác giả và Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo (bìa phải) giao lưu cùng điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tại Quảng Ngãi năm 2016.

Sau giải phóng, Thanh Thảo bỏ nghề báo, ông chỉ thực sự trở lại nghề báo khi anh Công Khế lập ra tờ tuần san Thanh Niên. Có thể nói đây là quãng thời gian Thanh Thảo làm báo với một trí lực toàn vẹn nhất. Ông cày xới trên cánh đồng chữ một cách miệt mài. Chuyên mục “chào buổi sáng” trên báo Thanh Niên hầu như ngày ấy là “lãnh địa” riêng của Thanh Thảo. Thậm chí người ta lại biết đến Thanh Thảo qua vai trò là nhà báo hơn là nhà thơ.

 

Nghề báo là vậy, tôi đã đến, gặp gỡ và đã sống những năm tháng thanh xuân với nghề này. Chắc có lẽ sẽ không có sự thay đổi nào khác với nghề báo nữa. Bởi vì nghề báo đã cho tôi biết được nhiều điều, đi được nhiều nơi và dường như cái “duyên”, cái “nghiệp” nghề báo đã vận vào số mạng tôi rồi.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh