Nghề báo và những thời khắc lịch sử
- Văn hóa - Giải trí
- 01:26 - 22/06/2018
Nhà bá
Ông Trần Mai Hạnh: Nghề báo và thời cuộc đã chọn tôi
“Đó là những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, con người ta dường như không có sự chọn lựa cho nguyện vọng cá nhân của mình. Năm 1965, Cách mạng miền Nam chuyển giai đoạn, Việt Nam Thông tấn xã khi đó (sau ngày đất nước thống nhất đổi tên là Thông tấn xã Việt Nam) được lệnh tuyển gấp phóng viên mở các phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại các tỉnh, thành miền Nam suốt từ Quảng Tri, Thừa Thiên - Huế tới tận mũi Cà Mau. Số đông sinh viên khóa 7 Khoa Ngữ văn chúng tôi được tốt nghiệp trước một năm và được điều về làm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã để tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nghề báo và thời cuộc lúc đó chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nghề báo”, ông Trần Mai Hạnh mở đầu câu chuyện.
Giai đoạn 1965 -1975, Trần Mai Hạnh làm phóng viên chiến tranh cho Việt Nam Thông tấn xã tại các mặt trận ở cả miền Bắc và miền Nam. Đầu năm 1975, ông được chọn cử vào đoàn công tác đặc biệt do đích thân nhà báo Đào Tùng, khi đó là Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã làm Trưởng đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn phóng viên đã tiến vào hầu hết các thành phố, thị xã vừa được giải phóng tức thì suốt từ Huế tới Sài Gòn.
Sáng sớm 29/4/1975, từ cửa rừng Tây Ninh, Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo được lệnh tiến về Sài Gòn trên chiếc honda 90 phân khối mới tinh do Tổng biên tập Đào Tùng ký giấy bảo lãnh mượn tiền của T.Ư Cục Miền Nam để mua. Với chiếc honda mở hết tốc lực, vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường, khoảng 11 giờ 45 trưa 30/4/1975, Trần Mai Hạnh tới được Dinh Độc Lập, cũng là lúc lá cờ của quân giải phóng được kéo lên cột cờ cao nhất trên nóc Dinh Độc Lập.
Nhà báo Trần Mai Hạnh (đeo kính) hành quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh
“Tôi không phải là phóng viên đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Một vài phóng viên đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử. Tôi tập trung tìm hiểu những dữ liệu không thể thiếu của bài tường thuật rồi ra ngay Cảng Sài Gòn. Trên bến cảng, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào. Ngay sau đấy, khi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của Bến cảng Sài Gòn bỗng hiện trước mắt đã khiến tâm trí tôi hiện lên dòng chữ “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm tựa đề bài tường thuật”, ông Trần Mai Hạnh kể lại.
Sau đó, bài tường thuật của Trần Mai Hạnh đã được điện về Tổng xã ở Hà Nội ngay chiều 30/4/1975 và được phát báo trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngay trong đêm 30/4/1975, sau đó, bài báo được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975 cũng với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”...
Không chỉ dừng lại ở một bài báo, Trần Mai Hạnh cho biết, ý định về một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử nảy sinh trong ông ngay từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. “Với suy nghĩ những sự kiện, sự việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ, lớp bụi thời gian sẽ khiến thời khắc lịch sử ngày một lùi xa. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên tôi cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia mà mình có cơ duyên được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc khai thác, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”, nhà báo Trần Trần Mai Hạnh kể lại.
Được Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp “Giấy công tác đặc biệt”, cùng với chiếc máy chữ xách tay, Trần Mai Hạnh cần mẫn gõ lại từng bản báo cáo tường trình, từng bức điện tác chiến, từng biên bản của Hội đồng An ninh quốc gia... mà ta thu được tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Để rồi cuốn tiểu thuyết để đời "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã được ông cho ra đời hơn 40 năm sau đó…
Bản tin chiến thắng: Một phút thôi mà sức nặng ngàn cân
Nếu như nhà báo Trần Mai Hạnh là người đầu tiên viết bài tường thuật thời khắc lịch sử buổi trưa ngày 30/41975 thì NSƯT Thu Cúc lại vinh dự là người đầu tiên đọc bản tin chiến thắng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những khán thính giả thân thuộc của Đài đều biết đến NSƯT Kim Cúc qua chương trình Đọc truyện đêm khuya, nhưng không phải ai cũng biết bà chính là một trong hai phát thanh viên đọc Bản tin chiến thắng đầu tiên trong thời khắc trọng đại của đất nước.
Hơn 40 năm trôi qua, NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in giờ phút bà nhận bản tin đặc biệt đó. Bà kể, ca trực hồi đó thường phân công hai phát thanh viên, một nam, một nữ, hoặc hai phát thanh viên nữ của hai miền đất nước cùng đảm đương nhiệm vụ đọc tin trên sóng phát thanh. Khi có tin chiến thắng của quân dân ta hay tin máy bay B52 bị bắn rơi ở khu vực nào thì những phát thanh viên có nhiệm vụ đọc trực tiếp xen giữa các chương trình đã thu băng sẵn.
Hai phát thanh viên đọc bản tin chiến thắng đầu tiên: Kim Túy và Kim Cúc (phải)
“Hôm ấy tôi và chị Kim Túy cùng ca trực. Mặc dù đến giờ phát bản tin trưa, vừa thu xong một phần băng thì anh Trần Trọng Trủy - người nhận và biên tập tin của ca trực đó quăng vội chiếc xe đạp chạy ào vào phòng reo lên: “Chiến thắng rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi!” và dúi bản tin vào tay chúng tôi “Hai chị vào đọc tin chiến thắng đi!”. Hai chị em tôi ôm chầm lấy nhau sung sướng, chị Túy rưng rưng nói với tôi “Em ơi, thế là chị sắp được về với má chị rồi!”, rồi hai chị em chạy như bay xuống tầng hầm, nơi đặt hệ thống truyền và phát thanh trực tiếp…”.
NSƯT Kim Cúc bảo, bà vẫn không thể nào quên cái cảm giác khi bà và đồng nghiệp cầm bản tin chiến thắng để đọc. Thường ngày bà vẫn là người đọc trước bản tin, nhưng với tin Sài Gòn giải phóng nên đồng nghiệp người miền Nam là người đọc trước.
“Chị Túy đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Chúng tôi đã phải nắm chặt tay nhau, cố gắng giữ bình tĩnh để đọc cho hết bản tin. Bản tin ấy chỉ ngắn chừng một phút nhưng tôi không thể quên được giây phút vô cùng hạnh phúc ấy…”, NSƯT Kim Cúc hồi tưởng lại.
NSUT Kim Cúc
“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Vào hồi 11 giờ 30, quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng Tham mưu, Dương Văn Minh đã phải đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng..” - Bản tin ngắn ngủi mà lúc đó khi đọc nó, tôi cảm thấy sức nặng tới ngàn cân. Quân dân cả nước đã đợi chờ tin chiến thắng này suốt bao năm ròng. Niềm sung sướng dâng lên tột độ trong tôi, thế là đất nước đã độc lập, kẻ thù đã phải khuất phục trước sức mạnh của dân tộc ta…”.
“Sau khi hết phiên trực, tôi và chị Túy đạp thẳng xe ra hồ Hoàn Kiếm, nơi chúng tôi biết chắc có nhiều người tập trung để chia vui tin mừng chiến thắng. Ngồi trên xe mà người tôi nhẹ bẫng như bay trên mây. Trụ sở của Đài hồi đó ở gần Đại sứ quán Cuba, nên vừa ra khỏi Đài, thấy các cán bộ và nhân viên của Đại sứ quán đổ ra đường vẫy cờ và hò hét rất to. Người mình hồi đó chưa có thói quen biểu lộ tình cảm mạnh mẽ như người nước ngoài, nhưng có lẽ niềm vui chiến thắng lớn đến nỗi nhiều người Việt hòa cùng không khí đó, nhảy lên reo hò cùng các bạn Cuba… Trên đường ra bờ Hồ, đâu đâu cũng thấy người ăn mừng tin chiến thắng, rất nhiều người đổ ra đường, hân hoan vẫy cờ... Cảm giác đó chỉ có một lần trong đời mà không phải ai cũng may mắn được trải qua, tôi thấy mình thực sự may mắn", NSUT Kim Cúc chia sẻ.