THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:13

Gian nan nghề báo

 

Với những năm công tác trong nghề, tôi nhận thấy rằng thật khó để nói hết đặc thù công việc, sự vinh quang luôn đi kèm với quá trình lao động nghiêm túc và nhiều khi là phải đối mặt với nguy hiểm. Trong cách đánh giá của xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”. Có thể là “Người ta sợ vì có điều mờ ám trong việc làm, suy nghĩ. Ghét vì nhà báo và tác phẩm báo chí có thể ảnh hưởng đến "nồi cơm", đến quyền lợi vật chất không chính đáng của họ”. Vì vậy, nhà báo luôn phải đối mặt với nhiều gian nan và thử thách, nhiều khi phải vượt qua chính mình và chấp nhận sống trên dư luận.

Dẫu biết rằng, làm báo là phải đối mặt với những khó khăn, vất vả nhưng hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân” để viết và cho “ra đời” những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề báo không thể nào nói hết...

 

Phóng viên tác nghiệp


Nhiều anh chị trong nghề báo thường nói rằng, vinh quang đến với họ không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời. Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng để phục vụ cho bạn đọc.

Với tôi, tuy tuổi nghề cũng được gần 10 năm nhưng có bao nhiêu  là  kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì nhà báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp.


Nhà báo Vương Trang


Nhà báo Vương Trang, người đã hơn 10 năm gắn bó trong nghề. Cô tự nhận thấy rằng, mình hơi “đặc biệt” là người gốc Bình Định, sinh ra ở Gia Lai, học tập sinh sống hơn 10 năm Hà Nội, rồi bây giờ định cư và làm việc tại Sài Gòn.

Vương Trang chia sẻ: “Khoảng thời gian làm báo của tôi tuy không dài như các anh chị nhà báo có thâm niên trong nghề hai mươi đến ba mươi năm nhưng cũng đủ để cho tôi trải nghiệm, học học và đôi lúc phải rơi nước mắt. Và đến bay giờ, tôi còn nhớ như in về một lần đi tác nghiệp ở tận vùng xâu vùng xa, với tôi, đó là một kỷ niệm thật khó quên trong sự nghiệp làm báo của mình.

Vào năm 2007, tôi được phân công thực hiện một chuyên đề về dân tộc thiểu số tại Hà Giang. Đi ròng rã hơn nửa tháng qua các huyện của Hà Giang, nào Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Quản Bạ...  nơi sau cùng tôi đặt chân đến là Mèo Vạc. Tôi và một chị đồng nghiệp đến trung tâm huyện lúc đã nhá nhem tối, nghỉ lại tại nhà khách của huyện. Sáng hôm sau được hai anh cán bộ huyện đưa chúng tôi vào xã xa nhất của Mèo Vạc - xã Lũng Làn. Trước khi đi, các anh báo trước, đường cực kỳ khó đi, và có thể sẽ đi bộ, dặn chúng tôi chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận. Chúng tôi hăng hái lên đường. Quả thật tất cả những gì diễn ra ở thực tế khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Những con đường đất, sỏi lẫn lộn, bé tí, một bên là núi, một bên là vực thẳm. Đoạn thì đi xe máy được, đoạn thì đi bộ, gần một ngày trời chúng tôi cũng vào được đến xã, trời vừa chập tối, và cơn mưa núi cũng bất chợt xối xả.

Chúng tôi được gửi gắm ở nhờ đồn biên phòng Lũng Làn, mưa ướt hết tư trang quần áo mang theo. Vừa lạnh vừa đói, tôi nghĩ bữa cơm ăn với các anh bộ đội biên phòng là bữa cơm ngon nhất trong đời tôi lúc ấy. Các anh cho tôi mượn quân phục mới được cấp để mặc tạm. Đêm ấy mưa ngày một nặng hạt và cái điều tôi sợ nhất cũng đến. Lũ quét sập con đường độc đạo vào xã, sập luôn trạm phát sóng điện thoại. Chúng tôi ở lại và biết bên ngoài vùng cô lập mới là sự lo lắng khủng khiếp của gia đình và lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp nhưng lực bất tòng tâm.

3 ngày sau, trời hửng lên một chút, mới có người ra được bên ngoài kèm số điện thoại của gia đình, cơ quan để báo tin bình an về. 7 ngày sau nhờ sự tích cực của một công ty khai khoáng trên địa bàn xã và người dân con đường mới có thể khai thông trỏ lại. 7 ngày không sóng điện thoại ấy, tôi ở tại đồn biên phòng, đi khắp các bản trong xã, tìm hiểu phong tục, đời sống và con người nơi đây kỹ hơn bất kỳ nơi nào tôi từng đến.

Tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp cũng những người dân dành cho mình bằng bữa cơm trên nhà sàn hay đơn giản là những bắp ngô nướng đến những phần thịt gác bếp mà họ chỉ dành cho khách quý.

Tôi như quên đi cuộc sống ngoài con đường sập kia đến lúc được báo tin là có thể đi về được. Chia tay trong ngậm ngùi và cũng có những giọt nước mắt... tôi hứa tôi sẽ trở lại, đến nay đã 11 năm thất hứa bởi những bộn bề cuộc sống.

Đến bây giờ, khi không còn nhiều những cơ hội đi như vậy nữa, tôi vẫn thường tâm sự với các bạn phóng viên trẻ của tôi rằng khi còn có thể hãy đi và đi thật nhiều, đi thật xa khi còn có thể, để sau này sẽ có rất nhiều kỷ niệm, kiến thức và những trải nghiệm cuộc sống, có như vậy ngòi bút của các bạn mới thực sự “chấm vào nỗi đau nhân loại” một cách đúng nghĩa”.

 

Nhà báo Hồng Liên 


Cũng là nữ nhà báo chinh chiến khắp các vùng miền, với hơn ba mươi năm công tác trong nghề. Nhà báo Hồng Liên nhớ mãi về chuyến đi Tây Nguyên của mình và được gặp, trò chuyện cùng anh hùng Núp.

Chị kể, khoảng đầu mùa mưa năm 1992, lần đầu tiên tôi lên công tác tại Gia Lai để đưa tin về thủy điện Ya Ly. Phố núi Pleiku thơ mộng hiện ra trong mắt tôi. Rồi những Biển Hồ T’nưng, đỉnh núi Hàm Rồng, thác Chín tầng.v.v…thu hút cái nhìn của một cô gái từ miền sông nước đồng bằng được nhìn lần đầu ( chị quê Bến Tre – pv ). Dù mải mê với cảnh vật và công việc nhưng tôi vẫn tranh thủ đến thăm nhân vật huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên: anh hùng Đinh Núp!

Anh hùng Núp bằng xương bằng thịt bước ra từ trong tác phẩm "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc hiện ra trước mắt tôi: đôi mắt sáng rực, nụ cười hiền hòa, chòm râu và mái tóc bạc phơ dù ông đang nằm viện. Tuy sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn rất gần gũi, minh mẫn, hóm hỉnh  trong từng câu trả lời liến thoắng của tôi. Tôi có tật nói từ nhanh đến…rất nhanh nên anh Huỳnh, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai đi cùng đôi lúc phải “nhắc nhở” là ông bị lãng tai nặng nên tôi cần giảm… tốc độ khi nói! Tôi đùa: “Pháp bị cụ bắn bằng cung tên chạy rồi, nay chúng đến , có thêm Mỹ đông lắm, cụ thấy sao?”. Cụ liền bảo, Pháp hay Mỹ bây giờ là “bạn mần ăn”, không phải Pháp thực dân hay Mỹ xâm lược như hồi trước, nếu gặp cụ cũng chào tụi nó một tiếng! Rồi cụ chỉ từng tặng phẩm mà cụ nâng niu như kỷ vật của con cháu biếu tặng với giọng trìu mến: cái xì gà này do “thằng Fidel” tặng, cái máy cassette nhỏ này là “thằng Mười” cho để cụ nghe tin tức, còn cái gậy này là do “thằng Kiệt” tặng…Vì sức khỏe, cụ không thể ngồi lâu, nên tôi cáo lui sớm, nhưng vẫn nhớ ánh mắt sáng trưng của người con huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên…

Cách đây chừng 5 năm, qua một anh đồng nghiệp, tôi có dịp “nhậu” với Trung tướng K’sor Nham tại Sài Gòn, người tái hiện vai anh hùng Núp trong phim "Đất nước đứng lên". Lúc thủ vai lịch sử này, anh là Phó Giám đốc công an tỉnh Gia Lai. Đạo diễn khéo chọn diễn viên: K’sor Nham hơi bị … đẹp trai, nhất là nụ cười “sáng cả một vùng trời”. Nhưng công bằng mà nói,trong mắt tôi, anh không có nét gì giống anh hùng Núp cả, nhất là đôi mắt tinh anh, sáng rực như cụ năm xưa!...

Với tôi và những anh chị em trong nghề báo luôn cảm thấy rằng nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ. Nghề báo là vinh quang nhưng nghề báo cũng là “chiến tranh” khốc liệt. Có thể nói rằng, nghề báo, là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo chân chính.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh