THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:48

Nguyễn Xuyến, nhà báo nghiệp dư lạ lùng

 

 Nhà báo nghiệp dư Nguyễn Xuyến

Ông sinh năm 1922, đã 95 tuổi mà chưa bao giờ đi viện! 95 tuổi mà ông viết mỗi ngày 1 đến 2 bài báo, nhuận bút một tháng nhận từ 7 đến 8 triệu. Riêng tháng Tết có lúc ông nhận được 25 triệu nhuận bút. 95 tuổi mà vẫn đi xe máy Honda 86 vèo vèo trên phố, mỗi bữa ăn uống 1 lon bia. Bản thân ông có tiền, con cái đều giàu có sung túc, lại ở tuổi thượng thượng thọ, đáng lẽ chỉ “ngồi chơi xơi nước” hoặc đi dưỡng lão.  Thế mà nhiều năm ông là cộng tác viên của mấy chục tờ báo trong cả nước,  từ các tờ nổi tiếng bán chạy như An ninh thế giới, Công an TP Hồ Chí Minh đến các báo địa phương trong Nam ngoài Bắc và cả những tờ “bản tin” ngành, quận, huyện. Ông là Phó Giám đốc Công ty vận tải ô tô Thừa Thiên Huế đã hưu gần 35 năm trước. Tôi thấy ông ngày nào cũng gò lưng trên cái máy chữ cũ kỹ như lấy từ viện bảo tàng ra. Tôi động viên mãi, năm 2012 ông mới mua một cái laptop 14 triệu. Rồi sắm một quyển vở học trò, hàng ngày lên nhớ tôi dạy vi tính. Viết liên tục, có lần ông bị tăng xông ngã lăn xuống đất xây xát mặt mày. Vợ ông là bà Dương Thị Chanh (em ruột của nhà thơ liệt sĩ Dương Tường) bảo:” Đừng viết nữa. Thiếu thốn gì mà viết! ”. Vợ mắng thế, nhưng nghỉ được ngày, ông lại viết. Đúng ông không nghèo, nhưng không viết báo ông không sống được.  Viết là niềm đam mê của ông.  Nguyễn Xuyến là “nhà báo ngiệp dư” lập rất nhiều kỷ lục: Viết và in 200 Bài báo về Bác Hồ, người 60 năm đọc báo Đảng, người bài đăng báo nhiều nhất, nhận nhuận bút nhiều nhất ở Huế và miền Trung hiện nay. Nhắc đến tên ông, vài nhà báo bỉu môi :” Ông Xuyến chỉ viết bài  “cúng kỵ”!”, bài”nhép”. Nói thế là họ chưa đọc bài  viết của Nguyễn Xuyến. Bài viết nào của ông cũng sắc sảo, cô đọng, chứng tỏ  một tư duy báo chí mẫn cảm và vốn tri thức uyên thâm. Là người viết, tôi rất kính phục tài năng và cách  thức làm báo của ông. Đàm đạo chuyện viết lách với ông, tôi  học nhiều kinh nghiệm , xin kể để các nhà báo cùng suy nghĩ …

 SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN

Nhà báo già Nguyễn Xuyến tâm sự :” Từ năm 1983 , sau khi về hưu đến nay tôi sống bằng nghề viết báo”. Vâng, viết báo là một nghề. Đã là nghề thì phải sống được bằng nghề . Đa phần nhà báo của ta hiện nay sống bằng lương và chạy quảng cáo, nếu thả ra làm báo tự do hỏi mấy ai sống được bằng ngòi bút ? Để “sống ” bằng nghề viết báo, Nguyễn Xuyến đã tạo cho mình một vốn liếng và phương án “làm ăn” rất bài bản và thức thời.  Ai cũng biết trên tờ một báo bao giờ cũng có hai loại bài vở, gọi nôm na là “báo sống” và “báo chết”. Báo sốngtin tức bài vở về các sự kiện nóng hổi đang diễn ra hàng ngày . Báo chết là  bài vở  khai thác truyền thống quê hương, đất nước và các nhân vật lịch sử để nêu gương, giáo dục. Loại bài nào cũng rất cần thiết. Các nhà báo trẻ thì đa phần thích viết “báo sống”, họ ít có vốn liếng để viết báo “chết”. Nhà báo ”nghiệp dư” Nguyễn Xuyến  biết lượng sức mình là  hưu, già cả, lại không có thẻ nhà báo để đi  thực tế, nên  ông đã chọn phương thức chủ yếu là viết các bài báo “chết”. Đó là cách lựa chọn đúng đắn và trí tuệ.

Thế giới này một năm 365 ngày, ngày nào cũng là ngày “kỷ niệm”.    Những ngày “lễ lạc” là dịp để các báo khai thác những tấm gương anh hùng, những bài học của lịch sử.v.v.nhằm nhắc nhở thế hệ trẻ “đừng quên nguồn cội”. Vì thế, hơn 1000 tờ báo Trung ương, địa phương đều phải có bài viết về những “sự kiện” ấy dưới nhiều góc độ  khác nhau, mùa nào thức ấy . Ở ta, hàng năm Trung ương còn quy định ngày lễ nào cần được tập trung  tuyên truyền đậm nét. Như  là 60 năm Điện Biên Phủ, 60  năm Đường Trường Sơn, 60 năm Hiệp định Gionevo, 70 Cách mạng tháng Tám…  Nguyễn Xuyến nhớ rất kỹ những ngày lễ ấy để lên lịch chuẩn bị bài vở ngay từ đầu năm. Ông lặng lẽ lục tư liệu, suy nghĩ  tìm  “tứ” rồi viết sẵn hàng chục bài. Bài của ông lúc nào cũng ngắn  khoảng 1200 chữ, cao nhất là 1400 chữ, nên các báo rất dễ dùng. Viết xong, trước lễ một tháng thì gửi cho các báo. Tạp chí  ra hàng  tháng  thì gửi sớm hơn , báo tuần, báo ngày thì gửi trước khỏang mười lăm hôm. Có khi đến ngày lễ Tổng biên tập báo quên mà ông Xuyến lại nhớ. Bởi thế khi nhận được bài ông, có  Tổng biên tập  đã điện cám ơn rối rít :” Nếu không có bài của bác nhắc, cháu quên mất”. Có ông TBT đến sát ngày “giỗ” mới nhớ ra, điện xin ông Xuyến viết bài “cấp cứu”, nếu không  thì “nguy”!. Hồi chưa có laptop, ông viết bằng máy chữ,  ,   viết xong là ra bưu điện gửi hoặc fax nếu gấp. Rất nhiều lần các báo Đảng ở Nam Bộ đã lấy bài  của Nguyễn Xuyến làm bài xã luận cho số báo ngày Lễ trọng.  Ông Xuyến kể rằng,  khi nhà thơ Tố Hữu đang hấp hối ở bệnh viện ,  hàng chục tờ báo đã  điện đặt viết gấp bài về Tố Hữu. Ông phải thức cả  mấy ngày đêm liền để viết . Có ngày viết tới  2 bài. Nhờ thế mà khi nhà thơ mất, ông  đã in hơn  chục bài viết về nhà thơ của cách mạng. Còn để có bài gửi báo Tết Nguyên Đán, ông phải viết từ Tết Trung thu. Viết dần cho đến cuối tháng 10 âm lịch thì dừng. Sau đó dành cả nửa tháng để “cân nhắc” bài nào gửi cho báo nào thì hợp. Vì thế mà mỗi cái Tết có gần bảy tám chụ, có năm trăm tờ báo in bài của ông.

Tính ra hơn 30 năm qua, Nguyễn Xuyến đã viết trên 200 bài báo về Bác Hồ. Lật mấy cắp ba dây lưu bài viết về Bác Hồ của ông, tôi thấy ông  viết đủ  các mảng đề tài : Bác Hồ với  bộ đội, với CM Tháng Tám, với Điện Biên Phủ, với phong trào Cộng sản quốc tế, với  Cuộc kháng chiến  chống Mỹ cứu nước…. rồi Bác Hồ với  bộ đội, Thiếu nhi, phụ nữ, nông dân, công nhân.v.v.. Có thể nói Nguyễn Xuyến là một trong số ít người viết nhiều bài báo về Bác Hồ nhất  nước ta, xứng đáng được khen thưởng trong  cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức của Hồ Chủ Tịch hiện nay. Ngoài ra ông còn viết hơn một ngàn bài báo về Các Mác, Ăng ghen, Lê Nin, các danh nhân Việt Nam và thế giới ; rồi các ngày lễ lớn của Dân tộc.  Riêng ngày báo chí Cách mạng  21/6, ông đã viết 70 bài về  lý luận, lịch sử báo chí,  40 chân dung nhà báo nổi tiếng.v.v .. Ngoài báo Đảng, ông rất chú ý viết bài hệ thống tập san, tạp chí văn nghệ , văn hóa, hoa học kỹ thuật, du lịch … ở các địa phương, vì các tờ này số nào cũng đăng các bài về các ngày kỷ niệm, sự kiện, không có không được. Đó là mảnh đất  tốt cho Nguyễn Xuyến tung tẩy ngòi bút.

Nhờ cách lựa chọn thông minh đó, bài của Nguyễn Xuyến  luôn đáp ứng được yêu cầu của rất nhiều tờ báo. Có tờ báo, tạp chí in một số  tới hai ba bài viết của ông với  những bút hiệu khác nhau như Nguyễn Xuyến,Văn Chính,  Chính Luận, Văn Luận, Văn Phong, Văn Định, Văn Huy…Ông luôn bền bỉ với “công nghệ viết báo” của mình.  Nhưng muốn viết báo “chết” ngoài sự nhạy cảm báo chí, còn phải có  nguồn tư liệu cực phong phú.  Vậy nguồn tư liệu nào để Nguyễn Xuyến viết báo  30 năm nay ?

  NGUYỄN XUYẾN LÀM TƯ LIỆU

  Nguồn tư liệu viết báo của Nguyễn Xuyến là học vấn và kho sách báo gia đình mà ông tự lập nên từ thời thanh niên tới giờ.

 Nguyễn Xuyến sinh ra trong một gia đình giàu có ở Bình Định . Những năm 40 của thế kỷ XX ông ra Huế học  trường Lycéum Việt- Anh ( Trường Nguyễn Trị Phương hiện nay) . Ông là bạn thân, cùng  trường với nhà thơ Dương Tường (Sau này là Trưởng nhóm thơ Nguồn Hàn, Quảng Trị , là liệt sĩ hy sinh trong Kháng chiến chống Pháp ở sông Cửa Việt) . Vợ ông là bà Dương Thị Chanh là chị ruột của Dương Tường.  Lycéum Việt-Anh là trường tư do ông Lafferrandrie, nguyên Giám đốc Giáo dục Trung Bộ làm hiệu trưởng, tuyển học trò từ nhiều tỉnh, trong đó nhiều người nổi tiếng sau này như giáo sư Cao Xuân Hạo, thi sĩ Bùi Giáng, giáo sư Hoàng Tuỵ (Quảng Nam)…. Dạy học ở trường Lycéum Việt- Anh  này cũng là những người rất nổi tiếng, tên tuổi của họ đến nay vẫn còn lẫy lừng đất nước. Đó là nhà văn hoá Hữu Ngọc,  giáo sư Cao Xuân Huy ( bố GS Cao Xuân Hạo), Lê Trí Viễn, Hoàng Dư ( bố giáo sư Hoàng Tuỵ), các nhà thơ nhà văn Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, các hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đức Nùng.v.v.. Thầy như thế làm sao mà trò không giỏi được ! Nguyễn Xuyến  thông minh, lại có vốn tiếng Pháp, nên đọc được sách từ nhiều nguồn. Từ thời học trường Lycéum Việt- Anh Huế, ông đã đam mê đọc sách, học làm thơ, viết báo. Năm 1946, ông về thăm quê bạn Dương Tường ở làng Cương Gián, xã Vĩnh Liêm, Vĩnh Linh (nay là xã Trung Giang, huyện Do Linh, Quảng Trị ) bên bờ nam sông Hiền Lương và yêu chị gái bạn là Dương Thị Chanh. Hai người chưa kịp cưới thì Mặt trận Huế vỡ, tất cả phải sơ tán ra vùng Tự Do Nghệ Tĩnh.   Đến Nghệ An, anh chị mới đến Toà án huyện xin “Truy trước giá thú” ( ngôn từ cũ của ngành toá án, thay giấy đăng ký kết hôn, do không làm trước, nay truy lại) . Thế là  Nguyễn Xuyến đi theo cách mạng ở Nghệ An , làm việc trong  các ngành kinh tế , không  có có điều kiện để làm thơ, viết báo như Dương Tường . Nhưng niềm đam mê đọc sách và viết  báo thì vẫn cháy bỏng trong ông. Bởi thế khi   nghỉ hưu, ông bắt đầu viết báo trở lại.

 Nhà ông có tủ sách lớn nặng tới vài tấn. Năm 85 tuổi, ông đã  cho ông con rể  cũng mê nghề viết lách khuân về nhà một tấn sách báo, gọi là “của nả bố  chia”. Số sách còn lại  vẫn còn cả tấn. Tủ sách  của ông đủ bộ Lê Nin toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng CS Việt Nam, Lịch sử Đảng, sách của Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai,  Hồ Ngọc Đại.v.v.. rồi sách về các danh nhân lịch sử, văn hóa. v.v..Đó là “phần  móng” của kho tư liệu mà ông khai thác hàng ngày. “Kho” của Nguyễn Xuyến còn có hàng chục loại báo và tạp chí ông đặt mua từ thời còn trẻ đến giờ. Ông ít mua sách báo đọc giải trí. Chỉ mua  các loại sách báo phục vụ cho công việc viết báo hàng ngày. Ông kể :” Từ 25 tuổi mình đã mua báo Nhân Dân , Tạp chí Học tập ( tạp chí Cộng Sản) cho đến nay”. Thật lạ, Nguyễn Xuyến không là Đảng viên vì lý lịch gia đình, nhưng ông là bạn đọc báo Đảng chí cốt, lâu bền nhất. Không đảng viên, nhưng  các bài viết của ông đều toàn bàn việc lớn của Đảng . Ông cho rằng báo Nhân Dân, Tạp chí Học Tập là những tờ báo có độ chính xác cao về tư liệu. Đó là cơ sở để tham khảo, đối chiếu, trích dẫn khi viết  các bài báo về các sự kiện. Ngoài tủ sách  báo gia đình, đi đâu, đọc được cái gì hay ông cũng mượn về  để  phô tô hoặc ghi chép lại những tư liệu cần thiết để cho vào “kho” của mình. Ông chăm lo “cập nhật”  kho tư liệu  như người thợ lo sắm sửa đồ nghề.

Để dễ tra cứu, ông xếp tư liệu được thành từng kẹp ba dây theo từng chuyên đề khác nhau. Có  tới hàng mấy trăm tập kẹp ba dây dày cộp như thế xếp chật trong  hai chục cái thùng tôn. Ví dụ riêng tư liệu về Bác Hồ ông có tới 10 kẹp ba dây dày theo từng chủ đề : Bác Hồ với công nhân, nông dân, thanh niên, quân đội, phụ nữ, thiếu nhi, Bác Hồ với chống tham nhũng, xây dựng Đảng.v.v..Khi các báo yêu cầu viết “cấp tốc” về bất cứ đề tài gì, ông chỉ mở kẹp ba dây, lục dăm chục phút là có đủ tư liệu để viết bài. Có lần ông đến tôi chơi, tôi  mở Internet, vào mục google  khoe với ông :” Cái mạng này là kho lưu trữ tư liệu lớn nhất thế giới”. Ông bảo tôi tìm mục Hồ Chí Minh. Xem xong ông bảo :” Tư liệu về Cụ Hồ của Google chỉ bằng phần  mười tư liệu riêng của mình” ! Ngắm kho tư liệu của ông Xuyến tôi rất thèm và càng thấm thía hai chữ “nghề báo” ! Nhờ nguồn tư liệu dồi dào, nên cùng một chủ đề, ông viết được một lúc nhiều bài báo có nội dung khác nhau : Ví dụ dịp kỷ niệm  30-4, ông viết tới 18 bài về Đại thắng Xuân 1975, như Chân tướng Nguyễn Văn Thiệu; Nhật ký chiến dịch Hồ Chí Minh; Bức điện giật gân đề ngày 30-4-1975.v.v..Hoặc kỷ niệm Đường Trường Sơn ông viết  5 bài  như : Đường Trường Sơn- Tuyến vận tải chiến lược; Đường Trường Sơn- Công  trình di tích lịch sử vĩ đại…

  MỞ SỔ THEO DÕI

 Có lẽ trong làng báo nước ta duy nhất chỉ có Nguyễn Xuyến mới  mở cả chục cuốn sổ  để ghi chép theo dõi bài vở, nhuận bút báo. Có sổ cho báo Trung ương, sổ cho báo địa phương, sổ cho báo ngành… Đặc biệt, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán ông mở sổ riêng. Sổ ghi đầy đủ: Tên bài- tên báo-ngày gửi- ngày đăng số- ngày- số tiền nhuận bút đã nhận.  Âu đây cũng là nét tính cách đặc biết của người “ sống bằng viết báo ”. Nhìn trên sổ, tôi biết  Tết Tết Mậu Tý ( 2008)  ông có 147 bài được đăng với 26 triệu đồng nhuận bút. Kỷ lục đó rất hiếm nhà báo đạt được. Nhuận bút có  báo trả bài  một triệu đồng, cũng có đặc san Tết của  huyện, quận chỉ 100 ngàn/bài, có khi  chỉ 50 ngàn.  Tết Kỷ Sửu ( 2009) ông có 124 bài được in, số nhuận bút hơn 20 triệu đồng. Tết Bính THân năm nay ông cũng có hơn 30 tời báo đăng bài. Ông mở “sổ nhật ký” thu nhuận bút còn dùng để khai báo tính thuế thu nhập cá nhân. Có lẽ ông là nhà báo  duy nhất ở nước ta nộp thuế thu nhập cá nhân tính trên nhuận bút. Từ khi chế độ thuế tính trên thu nhập 9 triệu đồng-người/ tháng, ông mới thôi nộp thuế thu nhập. Tính ông chặt chẽ và sòng phẳng  như thế .

Không phải Nguyễn Xuyến nghèo phải “năng nhặt chặt bị”. Ông  có 5 người con, gia đình  ai cũng đều rất khá giả, đều “nhà lầu xe hơi”. 5 đứa con thay nhau chu cấp thực phẩm , của ngọn vật lạ cho bố mẹ bồi dưỡng hàng ngày. Thế nhưng ông vẫn sống trong căn nhà cấp 4 ở Kiệt 65 Phan Bội Châu. Hỏi thì ông bảo :” già rồi, nhà ở nghĩa địa thì đã lo rồi, làm nhà mới làm gì nữa”. Viết báo đối với ông là niềm đam mê không thể dừng được khi còn sức lực. Thời sung sức tuổi còn 60, 70, tiền nhuận bút  báo của ông có tháng hơn chục triệu đồng, gấp năm bảy lần lương hưu. Bây giờ thì gấp  rưỡi, gấp đôi.  Vài ba ngày ông lại ra bưu điện lĩnh bốn năm cái măng-đa chuyển tiền một lúc. Ông rất ngại nói đến chuyện nhuận bút. Nhưng tôi nghĩ nhuận bút cũng là một tiêu chí để đo chất lượng nhà báo chuyên nghiệp. Mới đây ông tiết lộ với tôi số tiền nhuận bút mấy chục năm nay ông đều gửi  vào ngân hàng. Lãi mẹ lãi cơn, bây giờ số tiền gửi đã lên hơn tỷ rưỡi đồng !. Nghe mà sướng . Chứ  viết lách như tôi chỉ là loại tay làm hàm nhai…

Cuộc sống quanh ta hàng ngày quả có nhiều điều quá lạ lùng. Ở Tổ 2 phường Phước Vĩnh của chúng tôi có nhà  báo già Nguyễn Xuyến  đã 95 tuổi rồi mà ngày nào  cũng có  bài in trên báo là một chuyện lạ lùng mà gần gũi…

Ngô Minh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh