THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:42

Nghề báo “xưa” và “nay”

 

Làm báo cực mà vui

Nghề làm báo cho tôi được tiếp xúc với nhiều người, không ít người trong số họ gây ấn tượng mạnh, thậm chí có người đã làm thay đổi nhận thức của tôi về cuộc sống. Tôi yêu công việc của mình cũng như chân thành yêu những người đã “có mặt” trong bài viết của tôi. Bây giờ, mỗi sáng khi thức dậy, bạn chỉ cần vào mạng mở ra các trang báo, sẽ thấy những bài “hot” hiện diện ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất. Cô diễn viên A vừa ly dị chồng sau nhiều năm chung sống, ca sĩ B thú nhận mình gay, người mẫu C tuyên bố không thèm đàn ông Việt... Quá nhiều những “món ăn tinh thần” lôi kéo người đọc, báo này ganh với báo kia. Cùng một nội dung được các biên tập viên tài năng xào xáo, thay cái tên thật hấp dẫn, thật kêu, thật vang,... để “câu” được nhiều độc giả.

Ngày  nay làm báo nhất là báo điện tử là thế, với tốc độ bão của công nghệ hiện đại, không cần đi thực tế cũng có bài. Trao đổi với chúng tôi về làm nghề cách đây chưa xa. 15-20 năm trước, anh Nguyễn Đức Trung (Báo SGGP) kể: Tôi bước chân vào cái nghề lắm điều thị phi này từ năm 1999. Lúc ấy các phương tiện công nghệ hỗ trợ nghề báo không được như bây giờ. Phóng viên ở xa viết xong tin, bài muốn chuyển về tòa soạn chỉ thông qua bưu điện. Đối với những bài chìm, nguội không cần xử lý tức thời, tôi sẽ bỏ vào bì thư và chuyển về cơ quan. Còn những tin, bài nóng sẽ dùng tới máy fax . Mà ngày đó, máy fax là một thứ dụng cụ quý hiếm, không phải ai cũng có. Vì thể sau khi viết xong tin, tôi phải nhanh chân kiếm ngay bưu điện gần nhất fax về tòa soạn.

Đó là về thông tin, còn hình ảnh càng khổ hơn. Ngày đó, làm gì có máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại Smartphone có chức năng chụp hình mà chỉ có máy ảnh cơ chụp bằng film. Sau khi chụp xong đem tới tiệm in ra, cho vào bì thư rồi gửi về tòa soạn. Vì thế, khi chụp hình, phóng viên phải chọn góc chụp, cân chỉnh sao cho chính xác để khỏi lãng phí film quý giá (thời đó, một cuộn phim chụp ảnh cũng bằng cả tuần ăn cơm bụi). Thế nhưng, không phải phóng viên nào cũng “tậu” được máy ảnh để tác nghiệp. Muốn sắm được, nhiều phóng viên phải cật lực tiết kiệm, nhịn đủ thứ trong vòng mấy năm mới đủ. Anh em thường tranh thủ mượn nhau hoặc sử dụng cơ quan là chính.

Ngoài ra, phương tiện đi lại cũng là vấn đề khó khăn, thời đó nghèo, mỗi chiếc xe máy đều là Dream (giấc mơ) nên rất ít phóng viên có xe. Phần đông vẫn đi tác nghiệp trên chiếc xe đạp cọc cạch. Đường gần thì không sao, đường xa thì vô cùng vất vả, nhất là những lúc nhận được tin nóng ở xa, vắt chân lên đạp xe, thế nhưng khi tới được hiện trường thì mọi thứ đã xong xuôi. Thôi rồi coi như công cốc về không.

Nhiều lúc khó khăn tưởng chứng như bỏ nghề nhưng tâm huyết của tuổi trẻtình yêu nghề báo đã thôi thúc tôi vượt qua cái vất vả, cực nhọc. Nhớ lại ngày được tiếp nhận vào làm phóng viên chính thức, tôi sung sướng như phát điên lên vì tự hào, hãnh diện vô cùng. Tuy nhiên, đây là một công việc đặc thù, không phải ai cũng làm được, và làm giỏi ngay. Vì thế, tôi phải rất cố gắng để làm sao viết được cái tin ra tin, một bài ra bài và được bạn đọc chấp nhận. Tới giờ, tôi vẫn không thể nào quên được, lần đầu tiên sản phẩm của mình hiện diện trên mặt báo. Đó là thứ cảm xúc khó tả.

Ngày đó, số lượng các cơ quan báo chí còn ít (không như bây giờ), phóng viên cũng ít và người dân, xã hội rất tin tưởng, trọng vọng người làm báo. Do đó, mặc dù có những khó khăn thế, nhưng tôi vẫn  tâm huyết với nghề. Nhất là khi sản phẩm mình làm ra được đón nhận và được trả công xứng đáng. 

Cái tâm của người làm báo

Anh Nguyễn Đức Trung tâm sự: Ngày nay, thế hệ trẻ rất thông minh và năng động. So với chúng tôi ngày trước, phóng viên trẻ ngày nay có nhiều thuận lợi hơn về mọi mặt như: Phương tiện tác nghiệp, phương tiện đi lại, mạng internet. Đặc biệt là sự phát triển các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội... đã giúp các phóng viên rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Với những phóng viên chân chính, chăm chỉ thì họ chỉ xem các kênh kia như là một thông tin để tham khảo. Nhưng với những người lười biếng thì khác, các phương tiện đó vô tình đã tạo ra những phóng viên “salon” và bạn đọc tất nhiên sẽ nhận được những sản phẩm không chất lượng. 

Cũng như anh Trung, anh Nguyễn Văn Việt, Trưởng Phân xã TTXVN tại Bình Phước, với hơn mười mấy năm nếm đủ vị “đắng”, “cay”, “ngọt”, “bùi” với cái nghề cầm bút, anh tâm sự: Nếu nói đủ “tâm” đề lao vào nghề thì chưa đủ, nếu nói đủ “tầm” để có thể yêu cái nghề đầy chông gai thì cũng chưa toát, còn nếu nói đủ “tài” đề thực hiện được niềm đam mê thì cũng chưa thỏa. Nghề báo với biết bao sự trải nghiệm, những chông gai trên con đường tưởng chừng như phẳng lặng.  Nhưng người làm báo luôn luôn có cái nhìn đầy tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Nhà báo không chỉ những người dự báo tương lai mà còn định hướng cho  tương lai từ những trải nghiệm qua thời gian, qua lăng kính và cái tâm của mỗi người. Cái chính là làm báo ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, nhà báo phải có tâm huyết và trách nhiệm với tác phẩm của mình, dẫu là một cái tin, cái ảnh. 

Ảnh trong bài: Các phóng viên đang tác nghiệp.

Theo anh Việt, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta cũng đều cần đến cái tâm, nhờ cái tâm mà ngòi bút của người làm báo mới giúp ích cho xã hội. Điều đó có nghĩa chúng ta cần phải xem xét và nhìn nhận ở nhiều góc độ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau về một vụ việc, sự kiện. Hiện nay tình trạng các quan chức, các đại gia mua dâm  rất nhiều, chúng ta có thể biết được danh tính từng đối tượng mua dâm. Việc đó đăng lên báo thì quá dễ, không sai và rất cần thiết trong khi giới truyền thông chúng ta đang nỗ lực góp phần cùng Đảng và Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội làm trong sạch bộ máy công quyền. Tuy nhiên trong quá trình đưa thông tin chúng ta cần nghĩ đến ông quan chức kia cũng sẽ có những người thân, nhất là con cái, hoàn toàn không có lỗi với những gì mà người cha của chúng gây ra. Nhưng chắc chắn tinh thần của chúng sẽ bị ảnh hưởng khi sự cố kia được công khai trên báo. 

Trang bị đầu tiên mà nhà báo cần có đó là “đạo đức và tác phong nghề nghiệp”. Phải đưa lợi ích của tập thể, của xã hội lên hàng đầu. Viết và phản ánh đúng những gì mà họ thấy, họ trải nghiệm như vậy độ sâu của bài viết, nội dung truyền tải tới công chúng sẽ mang tính nhân văn đẹp đẽ.

  Sự hiểu biết cộng thêm một tình yêu trong nghề nghiệp sẽ tạo nên nhân cách trong mỗi nhà báo. Đó chính là thước đo để khẳng định giá trị tâm hồn trong mỗi nhà báo. Cần có cả ba đức tính để tạo nên một tác phẩm báo chí. Tuy nhiên tâm có sáng làm gì cũng vững, mọi việc làm nên xuất phát từ “tâm”. Báo chí không những được biết đến là nơi khai thác thông tin thời sự, nóng hổi, mà những nhà báo còn là những con đò lặng lẽ, âm thầm tìm kiếm, để khai quật những bản ngã mang lại giá trị đích thực cho tình người.  

Ngọc Tánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh