THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nghề báo là nợ phải trả bằng Đời

 

Bỏ cọ cầm bút

Còn nhớ ngày học báo chí, thầy dạy môn phóng sự của tôi có chiều cao mà chồng sách và những bài phóng sự thầy viết chắc chắn vượt mặt. “Ông vua phóng sự” thập niên 90 lúc nào cũng kè kè gọng kiếng và say sưa mang đến những câu chuyện khiến lũ học trò ngồi dưới trầm trồ, thán phục. Để rồi chúng ước mơ được vẫy vùng tung cánh muôn phương như dặm đường thầy đã bước…

Ngày ấy, sinh viên chúng tôi thường được thầy dắt “đi bụi” hết nơi này đến nơi khác. “Phải đi, lăn lộn với cuộc sống và yêu nó thì mới viết được phóng sự”. Thầy vẫn hay bảo chúng tôi thế. Sau chuyến đi thực tập ở đơn vị Hải quân tại TP.Vũng Tàu, bọn con gái chúng tôi mang theo những mơ màng, mộng ước về những anh bộ đội khoác màu áo trắng xanh đầy hóm hỉnh, vui tính. Trên đường về, thầy cứ trêu hoài làm chúng tôi ngượng chín mặt, còn tụi con trai được một phen cười no bụng. Nhưng đến khi thầy nhận xét và trả bài phóng sự thu hoạch của sinh viên thì cả lớp như ong vỡ tổ. Có cô bạn viết thế này: “Ở đằng xa xa trên boong tàu, có một anh lính đang đứng gác. Tôi rón rén lại gần anh và hỏi: Anh ơi anh đang làm gì vậy?”. Nếu ai vô tình đi ngang qua lớp, hẳn người đó đinh ninh rằng lớp này đang học môn tiểu phẩm hay kể chuyện cười. Tiết học nào tụi trò cũng cười đau bụng trước những câu chuyện “trời ơi” của thầy. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi học hành mau vô và chẳng ai có cơ hội để... ngủ.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Khi bắt đầu dạy học, làm Tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh,  ông có vẻ chăm mặc áo sơ mi, làm cái gì cũng chỉn chu hơn chứ không phóng túng, bụi bặm như hồi còn cầm cuốn sổ, cây bút, máy ảnh, rong ruổi trên con ngựa sắt.  Thật có ai ngờ người thầy bé tẹo ấy có cả quãng đời rất dài tung hoành xuôi ngược, mang đến những thiên phóng sự làm sửng sốt cả làng báo: “Tôi đi “bán” tôi”, “Voi ơi ta bảo voi này”, “Góc tối ở thành phố Cảng”, “Con đường bia bọt”, “Ăn Tết trong rừng sói”, “Ngoài ấy là Trường Sa”, “Vàm Cỏ Tây một nhánh sông buồn”, “Kính thưa ôsin”…

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Một lần, cô giáo hỏi con tôi rằng “bố em làm nghề gì?”. Thằng bé trả lời ngon ơ: “Thưa cô, bố em làm nghề vắng nhà ạ”. Chuyện thật mà như đùa. Ngày ấy, những bữa cơm gia đình trở nên xa xôi với ông tưởng như chỉ nằm trong những cơn mơ nào đó trên dặm đường phiêu bạt. Có lúc nằm gác tay trên trán giữa căn lán của một cánh rừng già nào đó, ông lại tự hỏi, liệu mình gắn bó với nghề này là đúng hay sai.

Cậu bé Nhân sinh ra trong một gia đình có tổng cộng chín nhà báo, cả cha và mẹ (ông Huỳnh Hùng Lý và bà Lê Thị Lý ) đều công tác tại báo Nhân Dân trong giai đoạn 1951 – 1952.  Khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội mà gia đình cậu sinh sống, cứ hễ ra ngõ là gặp nhà báo. Mà toàn là nhà báo nổi danh đương thời. Nhân mê mẩn công việc của cha mẹ và cô chú hàng xóm. Khi đi học, cậu đã bắt đầu tập viết báo, tham gia nhiều câu lạc bộ và đã có tác phẩm đầu tiên được in thành sách tại NXB Kim Đồng. Ắt hẳn lớn lên Huỳnh Dũng Nhân phải là nhà báo. Ai cũng đinh ninh vậy cho đến khi sửng sốt nhìn cậu thi vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Hóa ra ước mơ của Nhân là trở thành một họa sĩ. Cậu bé cũng có lắm ước mơ, nào là trở thành cầu thủ bóng đá, anh lái xe... Ước mơ cầu thủ bóng đá tan tành vì vóc dáng không đủ tiêu chuẩn. Còn thành anh lái xe thì cậu không đủ sức cầm vô lăng và chuyên gia … thắng nhầm phanh! Hai ước mơ bị dẹp. Chỉ còn lại cái duy nhất là  họa sĩ có vẻ xán lạn hơn cả. Vậy là cậu khăn gói đi thi. Học nửa chừng, nhận thấy những sắc màu không xán lạn với mình như háo hức ban đầu, Huỳnh Dũng Nhân chuyển sang học văn và báo chí. Cậu nghĩ: “Chỉ có cây bút mới giúp mình đóng góp được cho xã hội và khẳng định được mình”. 

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thăm thương binh Khu điều dưỡng Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu (ảnh do nhân vật cung cấp).

“Đi, yêu và viết. Cứ thế...”

Ra trường, ông xuôi Nam làm báo. Năm 1990, ông rời báo Tuổi Trẻ để đầu quân cho báo Lao Động. Lúc này báo đang rất khan hiếm người viết phóng sự dù đây là mảng ăn khách. Thấy Huỳnh Dũng Nhân tướng bé nhưng chắc cú “tiêu cay” nên ban biên tập liền ngỏ: “Nhân viết phóng sự nhé, chúng tớ thấy cậu có vẻ bụi bụi, thích đi đây đó, lại viết được văn, chắc hợp với mảng này”. Mặt hiền khô, Nhân gật đầu cái rụp. Đâu ngờ cái gật đầu đại đấy đưa tên tuổi ông trở thành một trong những cây bút phóng sự xuất sắc của nền báo chí Việt Nam. 

Bài phóng sự đầu tiên mang tên “Hai giờ dưới lòng đất”. Bạn bè chẳng ai tin thằng Nhân thấp tủn, bé tẹo, quen ngồi bàn giấy lại chui được xuống hầm than, chịu khổ cực, lem luốc.  Mấy anh công nhân ở mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh) cũng nghĩ vậy, ai cũng can. Nơi đây nguy hiểm trùng trùng, chuyên xảy ra nạn sập hầm lò, nạn khai thác than thổ phỉ. Nhưng ai cũng chịu với cái lính liều của tay nhà báo trẻ. Ông không chỉ xuống được hầm than mà còn cùng bưng chén cơm trắng lấm tấm muội than, cùng ở, cùng thấm mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm như bao  công nhân hầm mỏ. Bài phóng sự đã khiến bạn bè và độc giả ngỡ ngàng. Những chi tiết trung thực và sinh động khắc họa cuộc sống đầy vất vả mà yêu đời của những người công nhân mỏ than. Hình thức viết phóng sự “văn trong báo, báo trong văn” với câu chữ giản dị, nội dung đời thường, gần gũi nhưng đầy ắp tinh thần nhân văn làm nên tên tuổi Huỳnh Dũng Nhân. Ở phóng sự của ông có một cái “tôi” thật khó lẫn, một cái “tôi” ào ạt cảm xúc, mang nhịp thở của từng mảnh đất, phận đời với một tình yêu kỳ lạ.

 “Tôi đi “bán” tôi” khai thác một câu chuyện đã cũ, thậm chí là rất cũ, nhưng đặt cái “tôi” của ông vào, câu chuyện lại trở nên rưng rưng, say nồng như ly bia ông mời người cửu vạn ở cuối phóng sự. Huỳnh Dũng Nhân hóa thân vào những thân phận cửu vạn để cảm nỗi vất vả, nỗi nhọc nhằn và trên hết là nội tâm của họ. “Kính thưa ô sin” là góc nhìn bi hài về nghề giúp việc nhà mà sau này đã được các đạo diễn lấy cảm hứng để thực hiện bộ phim, vở kịch cùng tên.

Nổi bật nhất phải kể đến ba chuyến xuyên Việt để thực hiện loạt ký sự trên dải đất chữ S. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Lúc đầu, ai cũng bảo tôi điên, khùng, thần kinh không bình thường vì một mình cưỡi chiếc xe máy đi bụi. Nhưng đến khi các bài phóng sự ở từng vùng đất tôi qua ra đời thì bạn đọc thích quá, thư gửi về tòa soạn ào ào. Người ta hào hứng theo dõi, bàn tán về chuyến đi. Có hai anh nông dân “máu” quá, “ngứa” chân không chịu nổi phải bán heo để đi xuyên Việt sau khi đọc bài của tôi. Kỷ niệm ba chuyến đi đáng nhớ đó, tôi đặt tên cho con trai là Xuyên Việt. Nghe tên, cô giáo cứ hỏi: “Ba em là vận động viên xe đạp à?.

Những chuyến tác nghiệp đầy rẫy hiểm nguy. Đó là những lần bị tai nạn xe, nươm nớp sợ thú dữ tấn công, hay  ăn uống bị ngộ độc phải đi cấp cứu... Nhưng hiểm nguy ấy đâu khiến cho đôi mắt ông phiền muộn khi kể chuyện “ba em làm nghề vắng nhà”. Ông cười đó mà chua chát đó. Hai, ba tháng, ông mới về nhà một lần. Cũng bởi vậy mà lửa nồng của cuộc hôn nhân thứ nhất lụi tàn. Ông khép mình, như một kẻ có lỗi: “Mỗi tan tầm ba rẽ sang đường khác/ Số nhà mới vẫn thỉnh thoảng ba quên/ Mỗi trưa nắng ba dừng xe ghé chợ/ Thương hai con những bữa cơm buồn/ Vẫn đôi lần xe chợt quen lối cũ/ Vội quay đi như một kẻ nhầm đường/ Đêm mưa về nhìn lên ô cửa sáng/ Nhà bốn người thiếu một hoá neo đơn…(Viết cho con).

Nghề báo như cái nợ mà kiếp này ông phải trả, trả bằng cuộc đời, thậm chí cả hạnh phúc riêng tư của mình. Cái nợ ấy ông đeo mang đến cuối chiều đổ bóng. Ông từng bảo: “Nghề báo không có khái niệm nghỉ hưu, nghề viết xa lạ với khái niệm nghỉ ngơi. Tôi thừa hưởng sự yêu nghề và chút tài vặt của ba. Tôi giống ba từ tính tình đến phong cách, giống đến cả việc không biết kiếm tiền”. Để rồi,  nâng chén rượu, ông nhấp môi tự trào:

“Tôi. Đầu, mình, tay chân. Quần áo

Đứng nhờ lực hút Trái Đất

Cố gắng dặn mình đứng thẳng (…)

Chẳng cần tìm cái thang cho mình

Đi, yêu và viết. Cứ thế...”.

(Trích bài thơ “Tuyên ngôn”)

HẠNH TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh