THỨ TƯ, NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 2024 12:41

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo ở Long An

Long An có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, dễ dàng giao thương hàng hóa với các nước trong khu vực và thế giới khi có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, sở hữu 1 của khẩu Quốc tế (Cửa khẩu Bình Hiệp), 1 cửa khẩu chính Quốc gia (Cửa khẩu Tho Mo) và cảng biển Tân Tập.

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, với vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tạo điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh Long An 20 năm qua khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù.

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh Long An 20 năm qua khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù.

Hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng do gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình được xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh, các hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn.

Sau hơn 20 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH Long An đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay 13.516 tỷ đồng, với gần 953.000 lượt hộ vay vốn.

Trong đó, nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm và duy trì mở rộng việc làm là 994,6 tỷ đồng, chiếm 18,35%/tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách với hơn 20.108 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 49,41 triệu đồng/khách hàng (trong đó nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm 76,6 tỷ đồng, nguồn vốn NHCSXH huy động 560 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm là 358 tỷ đồng).

NHCSXH tỉnh Long An có chất lượng tín dụng tốt và ổn định, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,14%/tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn cho vay hỗ trợ tạo việc làm chỉ chiếm 0,006%/tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn và chiếm 0,03%/tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Theo đó, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm có vai trò rất quan trọng là nền tảng để NHCSXH tỉnh triển khai tốt các chương trình tín dụng ưu đãi. NHCSXH tỉnh Long An đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, cấp ủy chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội triển khai các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động,...

Nguồn vốn tín dụng chính sách là đòn bẫy giúp người dân Long An triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là "đòn bẫy" giúp người dân Long An triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế.

Ngoài nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, NHCSXH tỉnh còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất đến HĐND, UBND tỉnh, các huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh hỗ trợ người lao động có việc làm ổn định, nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia còn tập trung cho vay các dự án, đề án ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi như Trồng sầu riêng ở xã Tân Lập - Tân Thạnh, Trồng Mai ở xã Tân Tây - Thạnh Hóa; Trồng thanh long công nghệ cao ở xã Bình Quới, An Lục Long, Phước Tân Hưng - Châu Thành; Trồng rau công nghệ cao ở xã Long Khê - Cần Đước; Nuôi bò công nghệ cao ở xã Mỹ Thạnh Đông - Đức Huệ; Hỗ trợ vốn cho người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để sản xuất chăn nuôi ở xã Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Hòa - Bến Lức,…

Anh Nguyễn Văn T. (ở huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Năm 2020, gia đình tôi làm thuê ở ngoài Bình Dương nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, 2 vợ chồng quay trở về quê để làm ruộng, nay nhờ có bên NHCS giải quyết cho vay vốn làm ăn, vợ chồng mới vay được 50 triệu để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để khỏi phải lên thành phố làm thuê”.

Tương tự anh T., nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội, mức vay tối đa 100 triệu đồng, nhiều gia đình ở Long An đã có điều kiện làm kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh Long An 20 năm qua khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn.

Mặc dù nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng nguồn vốn phân bổ cho chương trình vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn. Cùng với điểm bất cập, nhiều lao động cư trú hợp pháp tại địa phương này nhưng lại có dự án đầu tư ở địa phương khác thì không đủ điều kiện vay vốn vì theo quy định, người lao động phải cư trú tại địa phương nơi thực hiện dự án mới được hỗ trợ vay vốn từ chương trình này.

Trước những khó khăn, hạn chế trên, NHCSXH tỉnh Long An đã xin đề xuất kiến nghị đến NHCSXH hằng năm bổ sung thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Đồng thời, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành chức năng xem xét trình Chính phủ bãi bỏ quy định cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án đối với người lao động xin vay vốn. Cùng với đó, cho vay đối với tất cả người lao động có nhu cầu về việc làm, tự tạo việc làm mới hoặc thu hút thêm lao động. 

Ngọc Nguyễn

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh