TP.HCM: 100% hộ nghèo sẽ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội
- Dược liệu
- 18:33 - 29/05/2020
Nhằm đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới, UBND TP sẽ phấn đấu đạt 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng từ 10% đến 15%; tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 1,0%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo lộ trình của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, UBND TP cũng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện tối đa để người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội một cách an toàn, thuận lợi. Hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Đồng thời, ứng dụng tin học chuyên sâu vào hoạt động quản lý, điều hành tại chi nhánh và hỗ trợ cho Ban đại diện các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong công tác nắm bắt tình hình, chỉ đạo hoạt động của cơ sở; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn vốn; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng là hộ có mức sống trung bình và nâng mức cho vay từ 2,5 triệu đồng lên mức 3,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường.
Có cơ chế khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ từ 3 đến 5 năm cho những trường hợp hộ gia đình vay vốn học sinh, sinh viên đã hết thời gian gia hạn nợ và có đơn đề nghị trả nợ dần, được chính quyền địa phương xác nhận về hoàn cảnh gia đình và học sinh, sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, không phù hợp với ngành học, không có thu nhập để phụ giúp gia đình trả nợ. Bổ sung chính sách cho vay ưu đãi đối với các hộ dân trên địa bàn thị trấn (thuộc huyện), các phường (thuộc quận) còn sản xuất nông nghiệp có nhu cầu được vay vốn để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh...
Theo ông Lê Minh Tấn - GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đầu giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn Thành phố có 27.432 hộ nghèo (chiếm 1,11% tổng hộ dân Thành phố) và 32.143 hộ cận nghèo (chiếm 1,3% tổng hộ dân Thành phố).
Đến nay, theo báo cáo của quận-huyện, đã giảm 17.685/15.700 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,72% (đạt 112,6% kế hoạch năm) và giảm 22.968/20.200 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,93% (đạt 113,7% kế hoạch năm.
Trong những năm qua, TP.HCM đã liên tục thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm và giai đoạn (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP trước thời hạn 1 năm), kéo giảm đáng kể các thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo TP. Tăng cường xã hội hóa và huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho Chương trình giảm nghèo bền vững của TP. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng, tạo niềm tin của người dân TP đối với chương trình.