THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Người thương binh già "canh" những chuyến tàu

 

 

 

 

 

 

 

 

Sáng sớm. Ông Nguyễn Huy Chi đạp chiếc xe đạp lọc tọc đi khoảng 2km đến chốt canh tàu. Hành trang của ông, ngoài chiếc xe đạp cũ kỹ là một cây cờ hiệu, mấy quả pháo sáng, một chiếc võng, một áo mưa, một tấm bạt và một chai nước. Chốt canh tàu của ông ở địa bàn xóm 7 cùng xã Quỳnh Tân. Đây là điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc Nam và đường ngang dân sinh nối quốc lộ 1A và một số xã phía Tây của huyện Quỳnh Lưu. Chốt gác của ông là một cái “bốt” lợp bằng mấy tấm bờ rô xi măng, xung quanh không phên che. Ông Chi cho biết, vì không có phên chắn nên ông phải mang theo một tấm bạt. Gió chiều nào che chiều ấy. Mùa đông gió mùa Đông Bắc lùa về lạnh cắt da. Mùa hè gió Lào thổi rám mặt.

Sáng sớm, ông Chi bắt đầu ra chốt gác đường ngang làm nhiệm vụ.

Ông Chi vừa nói chuyện vừa mắc võng lên hai phía đầu cọc chốt. Xong, ông ngồi đong đưa, kể về những năm tháng quân ngũ của mình. Ông vào bộ đội năm 1964, chiến đấu ở chiến trường Lào. Ông bị thương hai lần vào năm 1967 và 1968, hưởng chế độ thương tật 1/4. Năm 1970, sau một thời gian đi an dưỡng, ông được cho đi học để về phục vụ quê hương. Ông Chi vừa kể, chốc chốc lại đưa tay vào túi áo lấy cái đồng hồ đeo tay, bảo: “Sắp có tàu khách qua. Buổi sáng có 3 chuyến tàu “to” đi qua đây. SE20, SE8 đi ra, SE7 đi vô…”. 

Ông Chi chuẩn bị cờ hiệu để vào ca trực. 

Công việc canh đường của ông Chi bắt đầu từ năm 2005. Thời gian ấy xã Quỳnh Tân nhận với ngành đường sắt để trông nom tuyến đường ngang dân sinh này. Đây là tuyến đường huyết mạch của xã Quỳnh Tân và các xã lân cận nối với quốc lộ 1A nên người, xe qua lại rất đông. Trong khi đó, tuyến đường sắt đoạn qua đây lại đi theo lối vòng cung, cả hai đầu đều khuất tầm nhìn bởi núi, cây cối và nhà cửa. Ban đầu, các bạn thanh niên nhận làm, nhưng sau một thời gian thôi không nhận nữa. Sau đó, xã giao cho Hội Cựu chiến binh nên ông Chi và một người nữa nhận việc. Nhưng chỉ được một thời gian thì người làm cùng xin nghỉ công việc không lương này. Chỉ còn mình ông Chi cần mẫn với những chuyến tàu. Hình ảnh của ông Chi - người thương binh hạng ¼, người cựu chiến binh 77 tuổi dần dần trở nên quen thuộc với người dân thường qua lại khu vực này. 6 giờ sáng ông có mặt, gần 12 giờ trưa về. 2 giờ chiều ra chốt lại, 4-5 giờ chiều về. Ngày nào không thấy ông ở chốt gác mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc ông bị ốm.

Với cánh võng trong chốt gác đơn sơ, ông Chi ngồi đợi từng chuyến tàu qua. 

Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Chi, tâm sự: “Rõ khổ các chú ạ. Tôi, rồi các con, các cháu khuyên can ông ấy ở nhà, nói xin thôi làm đi, nhưng ông ấy cứ nhất quyết đi, nói nếu ở nhà thì ông ấy sẽ ốm, đi mới khỏe”. Mới đây, ghi nhận những đóng góp và động viên ông Chi, ngành đường sắt đã hỗ trợ ông 1.000.000đ/tháng.

Ông Chi thực hành thao tác cài pháo sáng báo cho lái tàu nếu không may có sự cố xảy ra.

Suốt 12 năm qua, từ khi có ông Chi, cung đường sắt qua điểm giao ở xã Quỳnh Tân này trở nên an toàn. Mặc dù điểm giao cắt này không có barie nên mỗi lần tàu đến là rất vất vả đối với một người già như ông Chi. Nhưng nơi đây không có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ông Chi kể, mới đây, một chị đi xe máy chở muối lên trên xã Quỳnh Tân bán. Khi tàu chuẩn bị tới, mặc cho ông thổi còi ra hiệu nhưng chị này vẫn cố vượt qua đường sắt, chẳng may bị ngã xe. Rất may mọi người đỡ dậy kịp, kéo người và xe ra được nhưng bì muối thì bị tàu tông tung tóe. Một lần khác, một anh thanh niên đi ô tô con đến thì tàu chuẩn bị qua. Ông Chi thổi còi ra hiệu dừng lại nhưng anh này vẫn cố vượt qua. Khi xe ô tô vừa qua khỏi thanh ray tầm 2-3m thì tàu lao tới. Ông Chi đọc biển số xe và ghi nhớ. Khi anh này quay về, ông dừng xe “mắng” cho một trận. Anh này xuống xe trình bày, do không biết ở đây cung đường cong, lại khuất nên không ngờ tàu đến nhanh như thế. Với lại anh ta đang có việc gấp nên phải đi vội. Ông mắng: Anh không nghe câu nhanh một phút chậm cả đời à? Ông Chi tâm sự: “Sau mỗi việc xảy ra như thế bác thấy rất lo. Cứ như mình không hoàn thành nhiệm vụ vậy”.

Những chuyến tàu qua đường ngang an toàn có đóng góp của người thương binh già.

Ông Bùi Đăng Sáu, Trưởng ga Hoàng Mai (Nghệ An) cảm kích: “Nếu ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung có những người như ông Chi, có thêm những người như ông Chi thì chắc chắn tai nạn đường ngang sẽ bị đẩy lùi, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ đồng và sẽ bớt đi những nỗi đau về tai nạn giao thông đường sắt”.

HOÀNG TÙNG-KIỀU NHƯ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh