Thầy giáo say mê sưu tầm đá cổ
- Dược liệu
- 17:02 - 05/04/2015
Bén duyên với nghề
Năm 1985, thầy giáo Lê Quốc Tường được phân công dạy môn lịch sử tại trường THCS Phú Định. Nhằm minh họa cho bài dạy thêm phần sinh động và cuốn hút, sau những giờ lên lớp, thầy tranh thủ đi tìm kiếm những tư liệu, tranh ảnh, các hiện vật liên quan phục vụ cho bài giảng lịch sử.
Thầy Lê Quốc Tường với một số bộ sưu tập của mình.
Một lần tình cờ đến thăm học trò, thầy Tường phát hiện một chiếc rìu bằng đá, vì đam mê nên mượn về tham khảo. Bằng những kiến thức, nghiên cứu lịch sử sẵn có, thầy đưa ra đối chiếu, so sánh với những tư liệu, thầy Tường khẳng định đây đúng là rìu đá của người Việt cổ.
Từ đó, thầy Tường bắt đầu bén duyên với đá cổ. Mỗi khi lên lớp, thầy đã phát động phong trào “Chúng em làm khảo cổ học”, “Nhân dân làm khảo cổ học” để vận động học sinh, phụ huynh tìm kiếm, thu thập các hiện vật bằng đá cổ. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều mẫu hiện vật rìu đá cổ được các em phát hiệnmang về để thầy Tường sưu tầm, nghiên cứu.
Hơn 30 năm theo đuổi, đam mê với công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật đồ đá cổ. Bộ sưu tập đá cổ của thầy đã có trên 50 hiện vật, nhiều hiện vật thầy tặng cho các giáo viên ở trường, người quen làm kỷ niệm. Hiện thầy Tường chỉ giữ lại 36 hiện vật, trong đó chủ yếu là các loại rìu đá.
Hiện tại, những hiện vật rìu cổ được thầy Tường trân trọng lưu giữ cẩn thận. Thầy sắp xếp, phân loại rìu vai ngang, rìu vai xuôi, lưỡi cuốc, bôn, mảnh tước thành từng hộp để dùng dạy học. Vì vậy, không chỉ riêng những giờ dạy sử, những tiết ngoại khóa trong chương trình, qua các hiện vật, thầy Tường thổi vào đó niềm đam mê, tự hào của quê hương cho các em học sinh.
Vùng đất có nhiều di chỉ tiền sử
Phú Định là vùng đất khá đặc biệt, với địa hình có nhiều khe suối, hang đá, cây cối rậm rạp, rất thích hợp để người nguyên thủy di cư, cư trú tạm thời. Từ đây, đã diễn ra sự trao đổi công cụ sản xuất giữa các nhóm người với nhau, chính điều này đã làm nên sự có mặt của những hiện vật của các nền văn hóa…
Theo bà Trần Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, bộ sưu tầm hiện đồ đá cổ của thầy Lê Quốc Tường thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới văn hóa Bàu Tró có niên đại khoảng 12.000 năm đến 4.000 năm trước công nguyên.
Những hộp đựng rìu đá cổ được thầy Tường sắp xếp, phân loại dùng cho việc dạy học.
Cũng theo bà Hồng, bộ sưu tập gồm các mẫu vật như: mảnh tước, bôn đá, lưỡi cuốc, lưỡi rìu, phác vật rìu đá…là những công cụ mà người nguyên thủy chế tạo sử dụng trong lao động, sản xuất. Chất liệu được sử dụng khá phong phú từ những lưỡi rìu bằng đã cuội ghè đẽo một mặt đến các mẫu rìu vai xuôi, vai vuông được mài toàn thân. Đặc biệt, còn có một mẫu rìu một bên vai vuông, một bên vai cắt hình đuôi cá nên chất liệu đá cẩm thạch là hiện vật độc đáo, duy nhất ở vùng đất Phú Định này.
Qua việc sưu tầm hiện vật cộng với kinh nghiệm lịch sử bao năm của mình thầy Tường nhận định, những hiện vật mà mình mài công tìm kiếm được, đó là những di chỉ của các nền văn hóa được phân bố theo hình cánh cung từ huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa về Khương Hà, Phú Định (huyện Bố Trạch), xuống tận Bàu Tró (TP Đồng Hới).
Những hiện vật đồ đá cổ được phát hiện tại vùng đất Phú Định và những giá trị khoa học to lớn của nó mà thầy Lê Quốc Tường đã mất hơn 30 năm “gom nhặt” đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Bình. thông qua những hiện vật mà thầy Tường sưu tập được thì trong lòng đất ở đây còn ẩn chứa những di chỉ khảo cổ cần được khám phá…
“Giá trị của những hiện vật này không phải ở số lượng nhiều hay ít mà chính là sự đa dạng, phong phú về chủng loại, hình thức, mẫu mã, chất liệu đá. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, tìm hiểu và có những lý giải sâu hơn về dấu tích của người Việt cổ ở vùng đất Phú Định này”, thầy Tường chia sẻ.