Đầu tư tiền tỷ “làng ung thư” vẫn khát nước sạch
- Sức khỏe
- 22:12 - 28/03/2015
Bể nước lọc xuống cấp chảy lênh láng xuống đất.
Chúng tôi tìm về bản Khe Ngát, thị trấn Việt Trung, (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nơi có nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Hàng chục năm nay người dân bản Khe Ngát đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác, nguyên nhân do ô nhiểm nguồn nước, thiếu nước sạch sinh hoạt để dùng. Thấy được khó khăn của đồng bào, năm 2006, Ban Dân tộc- Miền núi của tỉnh đã hổ trợ kinh phí, xây dựng cho dân bản hai bể nước sạch, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Khi dự án được triển khai, theo thiệt kế nước sẻ được dẫn từ thượng nguồn suối Khe Ngát sau đó sẽ theo hệ thống đường ống chảy về hai bể lọc. Nhưng do dân bản sinh sống chủ yếu ở vị trí cao hơn so với nguồn nước nên việc dẫn nước về tận trung tâm khu dân cư rất khó. Vì vậy hệ thống bể nước sạch đã xây dựng cách xa khu dân cư, nên mỗi lần muốn có nước sạch để dùng bà con phải gánh nước cách xa hơn cây số, đường dẫn đến bể nước sạch lại dốc, khó đi, nên mỗi lần đi lấy nước bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hồ Phan chia sẻ: “ Khi được Ban Dân tộc -Miền núi tỉnh đầu tư xây dựng cho hai bể nước sạch, thời gian đầu chúng tôi vui lắm, thế nhưng vì đường đến hai bể chứa nước xa lại khó đi nên chúng tôi không còn gánh nước ở bể nữa mà gánh nước ở khe suối ở gần nhà để sử dụng, chỉ có mấy hộ dân gần bể nước là còn sử dụng thôi”.
Ống nước bị bể từng khúc.
Vì ít người sử dụng, những năm trở lại đây do không được nâng cấp, sửa chữa nên hệ thống ông dẫn nước bị đứt gãy, rỉ trét…hệ thống bể chứa nước bị xuống cấp nghiêm trọng, bốc lên mùi hôi thối, chính vì lẻ đó, dường như công trình nước sạch đã không còn phát huy được tác dụng. Nên tất cả các hộ dân trong bản đã phải gánh nước dưới khe suối để sinh hoạt. Do đó, suốt 4 năm trở lại đây, dường như công trình nước sạch đã không còn phát huy tác dụng.
Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “ Trước đây khi có dự án, chúng tôi đã cân nhắc kỹ, không thể xây bể lọc ở trung tâm khi dân cư, vì nước không thể chảy ngược lên được, nên đành phải xây dựng ở vị trí thấp hơn”. Hỏi vì sao các bể nước xuống cấp lại không sửa chữa, ông Trường cho hay: "Sau Khi các bể nước hư hỏng chúng tôi đã đề xuất để sửa chữa, nhưng các hộ dân lại không đồng tình. Bởi, nếu sửa chữa lại mấy bể nước hoạt động kém hiệu quả đó thì nên lấy kinh phí đó khoan cho bà con một vài giếng khoan trong trung tâm của bản vì vậy, chính quyền thị trấn cũng đang đề xuất lên trên theo nguyện vọng của bà con và đang chờ để xem xét”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gần mười năm trở lại đây ở bản Khe Ngát đã có hơn 20 người chết vì bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan, ung thư đường ruột… còn nguồn nước mà dân bản đang dùng lại không bảo đảm bởi tỷ lệ vôi, phèn chứa trong nước khá cao, đặc biệt nhiều nơi nước đã bị ô nhiễm, nhiễm độc bởi các loại thuốc trừ sâu, hóa học chăm sóc cây cao su ở các vùng lân cận thải ra. Đây là mối nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà con dân bản.
Trước thực trạng đang buồn đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng cần quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ hơn nữa để cho những hộ dân sống ở bản Khe ngát không còn phải sinh hoạt trong nguồn nước ô nhiểm, đầy mầm bệnh.