THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:33

Người mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh

 

Ông Đào Văn Hà giới thiệu về chiếc bình gốm cổ.


Minh chứng của 2 cuộc chiến tranh hào hùng

Khu trưng bày hiện vật chiến tranh của ông  Đào Văn Hà nằm tại thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng rộng hơn 1.500 m2 và được xây dựng thành 3 khu: Khu thứ nhất trưng bày các cổ vật liên quan đến văn hoá Việt. Khu thứ hai trưng bày các di vật trong  chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ gồm: Bi đông, hòm đạn, vỏ đạn, vỏ bom, mũ sắt, bánh máy bay, đồ lặn của lính Mỹ, tăng, dù, mũ cối, xác ngư lôi, điện thoại dã chiến, vỏ lựu đạn, vỏ đạn 12 ly 7, bát ăn cơm, túi đựng súng... Trong đó, chiếm nhiều nhất là các loại bi đông. Khu thứ ba trưng bày các hiện vật liên quan đến tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô cũ.

Ông Hà kể, ông từng công tác tại Ty Công an Hà Sơn Bình sau đó chuyển về Bộ Công an rồi giảng dạy tại Học viện An ninh và cuối cùng nghỉ hưu tại Công an TP Hà Nội. Ông Đào Hà rất mê đồ cổ nhưng đến với các kỷ vật chiến tranh là một cái duyên. Trong số hàng nghìn hiện vật đang trưng bày có 2 hiện vật ông biết rõ chủ nhân và luôn dành tình cảm đặc biệt, đó là chiếc thắt lưng của liệt sĩ Đào Văn Nghếch (tên gọi  khác là Khoa), hy sinh tại khu vực đèo Hải Vân năm 1973, được gia đình lưu giữ nhiều năm qua và đã chuyển đến nhờ ông Hà giữ hộ. Hiện vật còn lại là chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, hy sinh năm 1968. Chiếc mũ này được một đồng đội của ông Cường gìn giữ mấy chục năm qua. Trước khi quyết định sang định cư ở nước ngoài, người này đã mang tới gửi gắm ông Hà vì sợ sẽ thất lạc.

 

Băng đạn được Đào Hà tìm thấy tại Điện Biên Phủ.


Ngoài một số đồ vật được những cựu chiến binh yêu quý, tin tưởng tặng và gửi gắm, còn lại tất cả là do Đào Hà tự bỏ tiền ra mua. Tiền lương hưu ít ỏi không đủ để thực hiện niềm đam mê của mình, Đào Hà đã mở một xưởng may mũ và đồ rằn ri bán cho các cửa hàng trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) để có tiền mua đồ vật chiến tranh. Đào Hà lặn lội đi nhiều nơi, nhất là những vùng từng diễn ra các trận chiến ác liệt thời chiến tranh để lùng mua những món đồ mà người thân bảo “trời ơi đất hỡi”.

"Nhiều người có thể nghĩ tôi khùng, ngay cả vợ tôi chưa cũng phản đối gay gắt, nhưng với tôi những hiện vật này là minh chứng của hai cuộc chiến tranh, cho giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng là những hy sinh, mất mát mà dân tộc  phải gánh chịu. Để có cuộc sống độc lập, tự do như hôm nay, thế hệ cha ông chúng ta đã đổ bao xương máu, nhưng hiện nhiều người trẻ sống vô cảm với chính người thân, hàng xóm của mình. Do đó, những hiện vật chiến tranh mà tôi sưu tầm cũng giống như lưu giữ về một quá khứ hào hùng của dân tộc để thế hệ trẻ nhớ đến”.

Nơi cựu chiến binh gặp nhau

Đã từ lâu gian trưng bày hiện vật chiến tranh của ông Hà trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều cựu chiến binh. “Từ khi thành lập đến nay có rất nhiều cựu chiến binh tìm về để ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa. Trong số đó có cả những thương binh, dù ở xa, sức khỏe không được tốt vì cơ thể bị mất đi một phần từ các trận đánh, các anh đến đây để cùng đàn hát những bài hát về chiến tranh, kể lại những trận đánh ác liệt và nhớ về những người đồng đội đã hy sinh”, ông Hà cho biết.

 

Những chiếc mũ cối sờn rách của bộ đội Việt Nam.


Không chỉ có vậy, trong nhiều năm qua, ông Hà đã tiếp nhiều cựu chiến binh Nhật, Pháp, Mỹ đến tham quan gian trưng bày. Ông Hà nhớ lại: “Có một cựu chiến binh Mỹ đã đến tham quan gian trưng bày của tôi rồi ở đến 23 giờ  mới chịu đi. Khi đến đây, ông ấy ngắm và chạm tay vào từng hiện vật của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam đã sử dụng trong chiến tranh. Ông ấy hỏi: “Người dân Việt Nam có còn trách quân đội Mỹ vì đã gây ra chiến tranh ở Việt Nam?” Tôi trả lời rằng “Người Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình và muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Người cựu binh ấy nở nụ cười rạng rỡ và xin tôi chiếc bi đông làm kỷ niệm”.

Hiện gian trưng bày hiện vật chiến tranh của ông Hà đã trở thành địa điểm gắn kết những cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam. Họ tìm đến đây để được sống lại những năm tháng chiến tranh gian khổ với đồng đội. Ngoài ra, gian trưng bày cũng trở thành địa điểm học ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng. Ông Hà chia sẻ: “Nhiều trường tổ chức đưa học sinh đến thăm quan. Đến đây các cháu đã biết thế nào bi đông, mũ cối, lựu đạn được sử dụng trong chiến tranh. Các cháu được thấy tận mắt, được chạm vào từng hiện vật chiến tranh”.

Bộ sưu tập của Đào Hà có hơn 3.000 bình tông đựng nước.


Không chỉ đam mê sưu tầm các đồ vật cổ, ông  Đào Hà  còn viết nhiều tập thơ, in nhiều tập sách về lịch sử huyện Đan Phượng, sáng tác nhiều bài hát được nhiều người yêu thích. Ông chính là người đã tìm ra nguồn gốc điệu chèo tàu - điệu hát cổ chỉ có ở huyện Đan Phượng, Hà Nội gắn với cuộc khởi nghĩa Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược.

Ông Đào Hà luôn quan tâm tới môi trường thành phố Hà Nội, trong 2 năm 2007, 2008, ông có sáng kiến làm sạch nước sông Tô Lịch bằng cách đào kênh đưa nước sông Hồng về sông Tô Lịch và đưa ra giải pháp chống ngập cho Hà Nội, cả 2 sáng kiến đều được giải thưởng và bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh