THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:42

Thầy giáo đam mê bảo tồn đồ cổ

 

Lưu giữ điều tốt đẹp từ quá khứ

Đi, sưu tầm và nâng niu chúng như những đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra, để rồi khi có tiết đứng lớp, anh lại kỉnh kỉnh, tay xách nách mang chúng lên lớp để giảng dạy, và giới thiệu về văn hóa, về tính thẩm mỹ cho lũ học trò. Ở cái độ tuổi 38, trẻ thì đã qua nhưng già thì chưa tới, chính cái việc hay đi tìm những thứ thuộc về ký ức kia, mà nhiều người quen biết anh, thường gọi anh với cái tên nghe đầy văn chương: Người đi nhặt quá khứ. Khi hỏi tên thật của anh, thì người ta mới cho hay, rằng; anh là Nguyễn Văn Hùng, giáo viên môn mỹ thuật, thuộc biên chế Trường Trung học cơ sở II – của xã Thuận, (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Rẻo cao Hướng Hóa đang đầu mùa nắng, đứng ở đâu cũng thấy nắng, nắng nóng như hấp chín, sấy khô con người. Phải rất khó khăn mới gặp được thầy giáo Hùng, nên anh đi đâu tôi cũng phải lẽo đẽo theo sau như hình với bóng để được “hầu chuyện” anh, vì anh cứ lọ mọ vào các bản làng nằm hun hút trong rừng sâu để lục tìm những đồ vật cổ. Thấm mệt sau nửa ngày trời ngồi trên chiếc Win 67 len lỏi khắp các bản làng ở miền tây Quảng Trị để tìm kiếm, sưu tầm các vật dụng sinh hoạt của đồng bào vùng cao, thầy giáo Hùng mới chịu dừng xe cho tôi nghỉ ngơi ở nhà già làng Hồ Chung ở thôn Toa Roa, xã Hướng Lộc. Nhưng ngồi chưa kịp ráo mồ hôi, khi nghe tin già Chung bảo nhà thằng Pả Hiên cuối bản đang rao bán chiếc mâm đồng triện hoa văn rất đẹp thì thầy lại đi, và tôi cũng phải “đuổi” theo sau. Thầy chạy trước, tôi lọ mọ theo sau. Như sợ tôi phiền lòng, thầy phân bua: “Với mấy thứ đồ này phải nhanh mới kịp có cơ hội mua, chậm một giây là coi như nó thành đồng nát hết. Anh mệt thì cứ ngồi đó nghỉ tạm, tôi qua đây xem rồi về ngay, không trốn đâu mà anh lo”. Nghe là vậy nhưng tôi không yên tâm mà ngồi ở nhà chờ cái lão mê đồ cổ hơn mê vợ này về. Bởi, qua đó đôi khi nghe ai mách ở đâu đó có hàng là anh ta lại bỏ lại tất cả để chạy đi tìm. Vợ mà nhiều lúc lão còn “bỏ” huống hồ gì là mình. Nghỉ vậy, nên tôi phải bám theo để không bị mất tích.

                                                Thầy Hùng rất mê bảo tồn cổ vật

 Khác hẳn với sự hồ hởi, mừng rỡ ban đầu khi hay tin, nét mặt của thầy Hùng chợt thảm đạm, bùi ngùi khi nghe tin Pả Hiên đã bán cho bà đồng nát được 300 ngàn. Cái tin như sét đánh ngang tai khiến Thầy Nguyễn Văn Hùng thất vọng tràn trề, trong lòng anh xót xa, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Đối với anh, chuyện để mất một món vật dù nhỏ cũng làm anh áy náy. Anh luôn tự dằn vặt bản thân mình, sao không tìm đến sớm hơn chút nữa. Để tuột mất một vật là có lỗi với người xưa, có lỗi với các em trên lớp, khi không giới thiệu cho chúng biết cái nét văn hóa của người xưa. Thấy thầy ngồi thẩn thờ, đôi mắt đượm buồn, tôi lại gần, không biết an ủi thế nào. Chỉ buông thỏng lọng một câu: “Cái gì đến với nhau cũng do duyên số hết thầy ạ! Mất cái này, ta tìm cái khác. Đừng buồn…đứng dậy đi tìm tiếp nào”. Như thấm được câu an ủi của tôi, thầy Hùng đứng phắt dậy rồi quay về lại nhà của già làng Hồ Chung. Tôi lại bám theo sau để khỏi bị mất dấu.

Như thầy Hùng cho biết thì những vật dụng sinh hoạt thời xưa của người vùng cao rất phong phú và đa dạng. Ngắm nhìn các vật dụng ấy, thấy nó như  phảng phất, chứa đựng cả hồn xưa của một lớp người đã qua. Từ những đồ vật không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày như: cối giã trầu, ống vôi bằng đồng; bát sứ cổ, nồi đồng nấu thuốc, các loại mâm, khay đồng có hoa văn trang trí…, đến những nhạc cụ cần thiết trong dịp lễ hội như: trống đồng, chiêng, thanh la…, hiện rất ít gia đình còn giữ lại được. 10 năm qua, anh không những dày công đi tìm kiếm, sưu tầm mà còn đến nhà các cụ cao niên trong bản làng để tìm hiểu, ghi chép lại nguồn gốc, ý nghĩa tượng trưng của mỗi vật dụng do chính tay họ làm ra hay cha ông ngày xưa để lại cho con cháu. Những vật dụng mà thầy giáo Nguyễn Văn Hùng sưu tầm được đều được anh giữ gìn cẩn thận, lau chùi sạch sẽ và treo trang trọng trong căn phòng khách ở nhà. Còn những thông tin hỏi han, ghi chép được anh đóng thành một tập dày cả trăm trang để tiện tra cứu, tham khảo khi cần thiết.

 Cái hình ảnh một người thầy giáo cứ hằng ngày quanh quẩn, quẩn quanh ven các bản làng để tìm “ký ức” ấy dần dà lấy được cảm tình của người dân và các già làng. Họ ra sức giúp đỡ thầy khi có thông tin gì về một món đồ vật. Và nhiều lúc, họ cảm mến được tình cảm mà người thầy trẻ “ vô tình” bén duyên với đồ cổ nên nhiều lúc họ còn cho không những thứ có giá trị.

 “Thổi hồn” vào tiết học

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Hà năm 2004 với tấm bằng loại khá, Nguyễn Văn Hùng được nhận vào giảng dạy ở trường cấp II xã Thuận. Dù là người miền xuôi hẳn hoi (quê anh vốn ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) nhưng trước niềm đam mê lẫn lý tưởng cống hiến cho nghề giáo của mình, thầy Nguyễn Văn Hùng không nề hà khó khăn, thiếu thốn đi tìm kiếm, sưu tầm các vật dụng thời xưa để truyền đạt, khơi dậy lòng kính trọng đối với thế hệ đã qua trong mỗi em học sinh Vân- kiều, Pa- cô nơi đây. Những tiết học mỹ thuật vốn khô khan trừu tượng, nhưng khi có những hiện vật mà thầy Hùng mang đến lớp thì chuyển sang trực quan, sinh động hẳn lên. Những buổi học như thế cả thầy và trò ai nấy đều chuyên chú, vui vẻ và phấn khởi trao đổi với nhau.

                                                    Miệt mài với lớp học

 Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng tâm sự: “Để các em học sinh có hứng khởi đối với bộ môn mỹ thuật, trong mỗi tiết dạy tôi đều khơi dậy những gì thật gần gũi trong các em qua các vật dụng sinh hoạt thường ngày trong đời sống của họ. Rồi từ đó mới đi đến giảng dạy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc của từng vùng, miền cụ thể. Tình yêu đối với quê hương, đất nước Việt Nam xuất phát từ đâu? Nó sẽ khởi phát từ sự lưu giữ, tìm hiểu và tôn trọng những điều tưởng chừng như giản đơn trong đời sống hằng ngày ở mỗi nếp nhà như: phong tục, tập quán hay ý nghĩa của từng vật dụng cụ thể mà nên... Tôi rất vui vì trong mỗi tiết học các em đều hứng thú khi nói về bản sắc sắc văn hóa của dân tộc mình.”

Hôm chia tay nhau ở thôn Toa Roa, anh Hùng hứa hẹn: “Lúc nào rảnh đến lớp xem tôi giảng bài”. Nghe được lời mời, lại bản tính tò mò, nên tôi chỉ chờ đến ngày để tới lớp xem anh Hùng “thổi hồn” vào buổi học. Trung tuần tháng 6, tôi tìm đến ngôi trường cấp II xã Thuận, nơi thầy giáo Nguyễn Văn Hùng giảng dạy để được một lần chứng kiến thầy giáo trẻ “bắt cổ vật trò chuyện”. Đứng bên hông cửa sổ khi tiếng trống trường giục giã giờ vào học cất lên, tôi thấy thầy Hùng sau một lúc ghi tên bài học hôm nay lên bảng, rồi thấy nhẹ nhàng lấy những “báu vật” trong chiếc ba lô bộ đội ra những thứ; nào là cơi đựng trầu, hũ vôi bằng đồng; khuyên tai, vòng bạc và các nồi niêu bằng đồng đã được lau chùi sạch sẽ.

Đưa chiếc bình vôi lên trước lớp, thầy Hùng hỏi: “Các em cho thầy biết vật dụng này có tên gọi là gì nào?”. Một cánh tay rụt rè đưa lên: “Thưa thầy, đó là cái bình đựng vôi”. “Êng (Hồ Thị Êng, tên cô bé học trò lớp 6A vừa trả lời). Em có biết cái bình vôi này ông bà các em dùng làm gì không?”. Sau một hồi suy nghĩ, Êng lí nhí đáp: “Dạ, ông bà dùng để ăn cau trầu thôi”. Thầy Hùng cảm ơn câu trả lời của cô học trò rụt rè rồi khoát tay mời em ngồi xuống, thầy giải thích thêm: “Em Êng trả lời rất đúng. Đây chính là chiếc bình vôi bằng đồng mà ông bà mình ngày xưa dùng để giã vôi ăn cau trầu. Miếng cau, miếng trầu là đầu câu chuyện các em biết không? Ngoài ra, chiếc bình này còn là của hồi môn khi cưới vợ của đồng bào Pa-cô, Vân-kiều đấy các em ạ, chỉ những gia đình giàu sang mới có thôi. Các em nhớ nhé…”

Nguyễn Thành

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh