THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:58

Nghề thầm lặng trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

 

Cả nhà làm nghề quản trang

Đó là gia đình ông Nguyễn Tất Quang (58 tuổi) và vợ là bà Trần Thị Liên cùng cô con gái Nguyễn Thị Hải Yến (27 tuổi). Họ đã, từng và đang là những người làm những công việc như: quét dọn các khu mộ, lau chùi mộ phần các anh hùng liệt sĩ, thay chân hương, phục vụ các đoàn thăm viếng,… được gọi chung là nghề quản trang tại NTLSQG Trường Sơn. Không chỉ gia đình ông Quang mà tất cả cán bộ, nhân viên tại Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn luôn tự nhận mình là  người làm những công việc thầm lặng.

 Ông Quang từng là một người lính. Năm 1979, ông nhập ngũ và có thời gian phục vụ tại đơn vị C10 đặc công – Tỉnh đội Bình Trị Thiên, đơn vị đóng ở thành phố Huế. Sau đó, ông lại được điều động ra Tiểu đội pháo binh đóng tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1982, ông Quang ra quân. Xuất ngũ về quê tại xã Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), nơi tuổi thơ ông được chứng kiến cuộc đấu tranh cam go, gian khổ nhưng đầy hào hùng của cha ông tại Vĩ tuyến 17 huyền thoại, cùng ý chí của một người lính đã thôi thúc ông xung phong xin lên nhận nhiệm vụ mới tại NTLSQG Trường Sơn.

Năm 1984, chàng trai ở tuổi 25 và chưa lập gia đình Nguyễn Tất Quang chính thức vào làm việc tại Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn. Ông Quang cho biết, ông và những người cùng đến với công việc quản trang vào thời điểm đó là thế hệ cán bộ thứ 2: “Khi mới thành lập, Nghĩa trang Trường Sơn được giao cho Binh đoàn Bình Trị Thiên bảo vệ và chăm nom, nên thế hệ cán bộ đầu tiên như ông Vích, ông Cầu, bà Bé đều xuất thân là bộ đội, nhưng nay họ đã về hưu. Sau đó, Nghĩa trang được giao lại cho ngành Lao động – Thương Binh và Xã hội Quảng Trị. Chúng tôi là thế hệ cán bộ thứ 2, cùng về phục vụ tại đây sau khi đã giải ngũ về quê. Hiện nay, cả đơn vị còn 4 người từng là cựu chiến binh gồm các anh: Ngang (Nguyễn Văn Ngang), Hồ Tất Ái (Trưởng ban), anh Khôi và tôi, trong đó anh Ngang và tôi thuộc thế hệ cán bộ thứ 2, còn anh Ái, anh Khôi thì về sau”, theo lời ông Quang.

Một trong những công việc hàng ngày của cán bộ, nhân viên tại Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn như ông Quang làm vệ sinh sạch sẽ các khu mộ.


Ông Quang bảo, những ngày mới về, khu vực NTLSQG Trường Sơn núi rừng còn âm u, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Khi muốn đi về huyện thì phải đi bằng xe đạp, nhưng chủ yếu là dắt bộ nhiều hơn là đi. Lý do là bởi phần lớn đường đèo dốc cao, đường xấu. “Sợ nhất là mỗi khi có người đau ốm, để đưa được người bệnh về đến bệnh viện huyện Gio Linh, cách khu nghĩa trang hơn 20km là cả một vấn đề. Tôi nhớ một lần, có một đồng chí cán bộ trong Ban bị rắn cắn vào tay, trong khi ở gần đây lại không có trạm y tế. Anh em hoảng quá, chỉ biết garô tay bị rắn cắn của nạn nhân lại rồi cho vào võng, cột vào 2 chiếc xe đạp để đưa về bệnh viện cứu chữa. Chúng tôi vừa đạp vừa đẩy xe mất mấy tiếng đồng hồ mới đưa anh ấy về đến bệnh viện huyện, lúc đó chỗ garô bị tụ máu, thâm tím hết”, ông Quang nhớ lại.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Quang thì thời những năm 80 ấy, khối lượng công việc tại Nghĩa trang Trường Sơn là vô cùng lớn, trong khi số lượng người làm thì ít, điều kiện làm việc thì: “Anh biết không, khi đó Nghĩa trang còn hoang sơ chứ chưa được bê tông hóa như hiện nay. Mỗi người chúng tôi được giao một khu mộ, mỗi khu như vậy có cả ngàn ngôi mộ. Các loại cỏ dại và cây gai thì mọc um tùm. Để làm vệ sinh, chúng tôi phải dùng dao phát quang trước, sau đó mới dùng cuốc đi xới gốc cỏ lên. Nhưng cứ làm xong đầu này, khi quay lại đầu kia, cỏ dại đã mọc um trở lại rồi. Vì vậy mà chúng tôi phải quần quật cả ngày, cả tháng; sáng ra vác quốc lên khu mộ, đến khi tối mịt mới trở về. Giờ thì Nghĩa trang đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, bê tông hóa gần hết và được đầu tư các loại máy móc hiện đại nên công việc cũng đỡ vất vả hơn”.

Công việc vất vả, khó khăn là thế, nhưng khi được hỏi, ông Quang vẫn cười tươi bảo: “Bản thân là một người lính nên tôi không nề hà gì những chuyện đó. Hơn nữa, được hằng ngày chăm lo hương khói cho các anh hùng, liệt sĩ đang nằm yên nghỉ tại NTLSQG Trường Sơn, đối với tôi là một niềm vinh dự to lớn rồi”. Giờ đây, ông Quang càng tự hào hơn, bởi ông không chỉ được vợ, con ủng hộ hết mình trong công việc, mà chính những người quan trọng nhất của đời đã theo chân ông về đầu quân phục vụ tại Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn.

Vợ ông Quang, bà Trần Thị Liên từng làm việc tại một Công ty xây lắp ở thành phố Đồng Hới. Sau khi ông Quang từ Huế ra công tác tại Tiểu đoàn pháo binh, 2 người quen và yêu nhau. Năm 1985, ông Quang ra Quảng Bình xin cưới bà Liên về làm vợ. Về theo chồng, bà Liên cũng từ bỏ công việc ở công ty xây lắp để xin vào làm việc tại Nghĩa trang Trường Sơn. Trải qua hơn 20 năm hết mình làm công tác quản trang với rất nhiều vất vả, khó khăn nhưng cũng đầy vinh dự, tự hào, tháng 9/2016, bà Liên được về nghỉ hưu theo chế độ.

Cũng đúng lúc này, cô con gái út của ông bà là bạn Nguyễn Thị Hải Yến (27 tuổi), mới tốt nghiệp hệ đại học tại chức ngành Văn thư lưu trữ lại có nguyện vọng nối tiếp công việc của mẹ mình để chăm lo mộ phần cho các anh hùng liệt sĩ. “Bé được sinh ra và lớn lên tại khu vực Nghĩa trang Trường Sơn linh thiêng này. Sau khi ba mẹ, nhất là mẹ đã làm trọn bổn phận và về hưu thì cháu nó mong muốn được tiếp nối công việc của ba mẹ để hằng ngày dọn dẹp vệ sinh, chăm lo hương khói cho các chú, các bác, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước, cho các thế hệ sau như cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hiện đang yên nghỉ tại đây. Vì vậy, từ cuối năm ngoái, cháu đã xin vào đây làm nhân viên hợp đồng và nguyện vọng của cháu là được phục vụ lâu dài tại Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn”, ông Quang vừa nói vừa chỉ tay về phía cô gái trẻ đang quét dọn tại khu mộ các tỉnh Hà Tĩnh – Thanh Hóa.

Được chăm lo hương khói cho các mộ phần anh hùng, liệt sĩ là một niềm vinh dự và tự hào đối với những người quản trang.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tất Quang, Trưởng Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn cho biết, hiện nay cả Ban có 21 cán bộ, nhân viên đang phục vụ, trong đó có 12 người biên chế, số còn lại làm việc theo hợp đồng, có người là hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên, dù là nhân viên biên chế, làm việc theo hợp đồng thì qua ghi nhận của chúng tôi, đặc biệt là đánh giá của các đoàn thăm, viếng, thân nhân liệt sĩ và của chính ông Trưởng Ban thì họ luôn làm việc tận tâm, hết mình, không nề hà hay có thái độ không tốt.

“Anh em chúng tôi ở đây luôn luôn xác định là làm việc bằng cái tâm, làm hết việc chứ không làm hết giờ. Trong công tác tiếp đón các đoàn lễ viếng, không kể là đoàn Trung ương hay các đoàn khác, lúc nào chúng tôi cũng tiếp đón tận tình, chu đáo, trang nghiêm, đúng giờ giấc yêu cầu của đoàn”, ông Ái khẳng định.

Hướng đến các dịp lễ lớn trong năm của cả nước, các lễ, sự kiện lớn của tỉnh Quảng Trị sắp tới, Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn đã phát động phong trào thi đua yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn thể cán bộ, nhân viên với chủ đề: “Xanh cây sạch mộ, nghi ngút hương; tận tình chu đáo đón tiếp khách thập phương; đón tiếp trang nghiêm đoàn lễ viếng; giờ giấc không quản sáng, trưa, chiều, tối”.

Nhân viên Ban quản lý nghiêm trang, chuyên nghiệp khi giúp các đoàn làm lễ dâng hương, dâng hoa, lễ viếng


 Giữa ngày tháng 3, khí trời Quảng Trị vẫn còn dịu mát, chất giọng trầm ấm của ông Hồ Tất Ái, tiếng nhạc bài “Hồn sĩ tử” cứ vang lên liên hồi như không ngớt khi các đoàn về đăng ký làm lễ viếng. Cả âm thanh lao động của con người quyện trông âm thanh thiên nhiên đã tạo nên âm vang hùng thiêng ở nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Rời núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, rời con đường Trường Sơn huyền thoại, rời NTLSQG Trường Sơn linh thiêng mà hình ảnh những con người thầm lặng như ông Quang, ông Ái, hay bạn trẻ Hải Yến cứ mãi vấn vương trong lòng những người cầm bút như chúng tôi.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh