Chế độ phụ cấp độc hại cho người đang công tác tại nghĩa trang
- Tây Y
- 14:49 - 08/11/2016
Người làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Cụ thể, Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 có hiệu lực từ ngày 10/12/2016 về việc hướng dẫn “thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ” quy định:
Về áp dụng mức, hệ số phụ cấp độc hại, nguy hiểm: Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công việc gồm: Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ; phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng; tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao; khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN theo quy định; bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang.
Về cách tính trả phụ cấp thì, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.